Có một Hà Nội trong ký ức

.

Lâu nay, nhắc tới vẻ đẹp của Hà Nội, người ta thường nhớ đến mùa thu. Phải công nhận mùa thu Hà Nội rất đẹp, một vẻ đẹp êm ả, dịu dàng, đem lại sự bình yên trong tâm trí, sự mượt mà trong cảm xúc. Đối với tôi, gần nửa đời người gắn bó với Hà Nội, từ thuở ấu thơ đến gần tuổi tri thiên mệnh, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, mới nhận ra một Hà Nội của riêng mình. Một Hà Nội lặng lẽ mà da diết, tê cóng mà ấm áp, nhọc nhằn mà chẳng bi lụy, đau thương mất mát mà thật hào sảng, anh hùng. Một Hà Nội mùa đông - Hà Nội của tháng 12.

Khi những bông cúc bừng nở khắp phố phường Hà Nội cũng là khi mùa đông đã về. Ảnh: Vietnam+
Khi những bông cúc bừng nở khắp phố phường Hà Nội cũng là khi mùa đông đã về. Ảnh: Vietnam+

1. Mùa đông ở miền Bắc nói chung, hay Hà Nội nói riêng, thường bắt đầu từ đầu tháng 11 hằng năm nhưng phải sang tháng 12 thời tiết mới thực sự thay đổi, khô se và lạnh. Tuy nhiên, thời gian giá lạnh phải vào tiết đông chí, tức khoảng nửa cuối tháng 12 vắt sang tháng 1.

Vì vậy, nói đến Hà Nội tháng 12 là phải nói đến cái lạnh. Khó mô tả được cái lạnh của Hà Nội mà chỉ có thể cảm nhận bằng tất cả các giác quan, toàn bộ cơ thể. Những cơn gió bấc thổi như có ai đó ném một nắm kim nhọn vào người, để lại những cảm giác nhói đau, tê buốt, mặt khô rát, môi nứt nẻ, tóc rối cứng như những búi rơm khô.

Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại hay những tháng năm bao cấp, cái lạnh thường gắn liền với sự nhọc nhằn, gian khó. Có sống ở Hà Nội thời ấy mới thấm thía câu hát “những cơn mưa dài cuối đông, áo chăn chưa ấm thân mình”. Còn nhớ mẹ tôi từng ngồi thâu đêm, tháo những chiếc áo len đã cũ để đan thành những cái áo len mới, chỉ đủ cộc tay cho những đứa con đang tuổi lớn.

Ngay khi trở thành thiếu nữ, tôi cũng chỉ chống chọi với mùa đông bằng chiếc áo bông đại cán hai hàng khuy, loại áo phổ biến cho giới nữ lúc bấy giờ. Phải nói là rất lạnh, nhất là phần chân, vì thời ấy trang phục chủ yếu của chúng tôi là quần lụa đen, mà lụa là loại vải hút lạnh vào cơ thể nhất. Nghĩ lại vẫn rùng mình vì không hiểu sao mình lại vượt qua được những mùa đông cắt da cắt thịt như vậy.

Lạnh nên thường mau đói. Hầu như cả tuổi trẻ, tuổi ăn tuổi ngủ của tôi gắn bó với bếp tập thể. Cấp ba sơ tán theo trường tại một vùng ven Hà Nội, ở nhà dân, ăn cơm tập thể. Mùa lạnh thường nghĩ đến ăn, lúc nào cũng thèm một bát cơm trắng không độn bột mì hoặc ngô, nóng hổi.

Suốt thời sinh viên, ngủ giường tầng, cũng cơm tập thể, chỉ mong cuối tuần về với mẹ, ăn một bữa cơm no. Vì vậy, mưa lạnh đến mấy cũng không ngăn nổi chúng tôi dù phải đi bộ từ trường ra bến đò, sang sông Hồng để về nhà hoặc ra bến tàu điện Cầu Giấy để về phố.

Cái lạnh thấu xương của mùa đông khiến người ta luôn khao khát tìm một nơi ấm áp để trú ngụ. Nhưng cái lạnh của trời đất đâu có chừa ai. Chẳng thể lúc nào cũng vùi trong chăn ấm. Cũng chẳng thể lúc nào cũng co ro trong bùng nhùng khăn áo. Cái lạnh của tháng 12 vẫn xuyên thấu tất cả. Chỉ có một nơi duy nhất có thể ủ ấm bạn, giữ lửa cho bạn trong ngày đông giá, đó là tình yêu.

Mùa đông sẽ càng lạnh hơn với những trái tim cô đơn, nhưng sẽ trở nên ấm áp và rạo rực hơn trong tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, vào mùa đông, người ta dễ nói lời yêu và cũng dễ nhận lời yêu hơn bất cứ mùa nào khác. Tình yêu đầu tiên của tôi, buổi đi chơi đầu tiên của tôi, nụ hôn đầu tiên của tôi cũng trong một ngày tháng 12 - Hà Nội.

Những lời yêu lẫn trong làn khói của hơi thở còn run rẩy, hồi hộp. Chúng tôi thả bộ trong sương lạnh suốt từ khu vườn nhỏ trên phố Hoàng Diệu cổ kính đến tận vườn Bách Thảo mà không hề cảm thấy mưa rét. Tay trong tay truyền hơi ấm. Chiếc khăn len của anh, một người trai xứ Quảng vốn đã quen với cái lạnh của Hà Nội từ những năm còn nhỏ, chuyển qua vai tôi vẫn còn nguyên hơi thở nồng nàn. Sau này, khi đã thành chồng thành vợ, những ngày đông giá cuối năm, chúng tôi vẫn có thói quen nắm tay nhau ra phố hay cùng nhau đến lớp học ngoại ngữ ban đêm như hồi còn trẻ. Thế mới biết, có nhau chẳng bao giờ thấy lạnh.

2. Hà Nội tháng 12 với tôi còn là những ngày không thể quên trong cuộc đời. Tháng 12-1972, tôi nhận quyết định công tác tại Hà Nội khi vừa qua tuổi hai mươi. Đây là một may mắn cho khóa chúng tôi vì Hà Nội vừa có chủ trương thanh xuân hóa đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tình hình chiến cuộc rất căng thẳng. Hà Nội luôn trong tình trạng báo động, loa phóng thanh lúc nào cũng vang câu cảnh báo quen thuộc “máy bay địch cách Thủ đô Hà Nội…”.

Vì vậy, chúng tôi được bố trí dạy tại một trường ven đô, nơi có nhiều học sinh Hà Nội sơ tán. Tưởng được yên ổn nhưng vào một ngày cuối tuần trong tháng 12 ấy, ngôi làng tôi ở đã bị bom trút xuống tan hoang, hai đồng nghiệp của tôi ra đi mãi mãi. Một người là nhà giáo lâu năm và một người là cô giáo trẻ vừa nhận công tác, người phố cổ, giỏi giang và rất đẹp.

Một cú sốc đầu đời với tôi, bởi khi trở lại trường sau ngày nghỉ, tôi đã chứng kiến bãi đất trống ngổn ngang, những hố bom cày xới, nơi ấy chỉ vài ngày trước, tôi từng ngồi soạn những trang giáo án đầu tiên. Người ta đã tìm thấy thi thể của bác chủ nhà trong một hố bom gần đó. Đau thương ngập tràn xóm nhỏ, nơi mái trường đầu tiên tôi trở thành cô giáo.

Chúng tôi được lệnh tạm trở về Hà Nội, đợi quyết định mới. Hà Nội những ngày cuối năm lạnh buốt. Thời gian này, tôi và gia đình hầu như sinh hoạt, ăn ngủ trong căn hầm của cơ quan mẹ tôi bởi máy bay địch liên tục lởn vởn quanh vùng trời Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngỡ qua lễ Giáng sinh là yên ổn, nào ngờ, đêm 26-12-1972, cả căn hầm chúng tôi trú ẩn rung lên khiến tôi cảm thấy bom đạn và cái chết như đang ở rất gần mình.

Tiếng bom dày, liên tục, không ngớt rồi khi tạm dứt thì tiếng khóc, tiếng kêu, tiếng gọi nhau không ngớt suốt dọc các tuyến phố xung quanh hồ Thiền Quang. Ngay khi đó, chúng tôi được thông báo, bom B52 đã rải thảm phố Khâm Thiên, cách chúng tôi khoảng 2 cây số đi bộ. Tất cả chúng tôi bàng hoàng, đau xót và căm phẫn. Một ký ức quá đau thương.

Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội. Ảnh: S.T
Những ngôi nhà lưu giữ hồn phố cổ Hà Nội. Ảnh: S.T

Nhưng không chỉ có đau thương, Hà Nội những đêm tháng 12 còn thật hào sảng. Lưới lửa phòng không của các lực lượng, các quân chủng hiệp đồng tác chiến chống trả sáng chói cả bầu trời. Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn ùa ra phố, reo hò, hoan hô mỗi khi thấy một quầng lửa lao xuống báo hiệu một chiếc máy bay địch đã bị bắn rơi.

Mười hai ngày đêm của tháng 12 ấy, quân và dân Hà Nội cùng cả nước đã lập nên kỳ tích oanh liệt, tiêu diệt nhiều máy bay B52, pháo đài bay của địch, làm nên thắng lợi chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Đây là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hòa bình, với chân lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

3. Tôi tạm biệt Hà Nội vào một ngày của tháng 12 cách đây gần 30 năm để về quê chồng, thành phố Đà Nẵng sống và làm việc. Thành phố biển miền Trung xinh đẹp đã cuốn tôi vào những công việc cần làm, cần nghĩ. Gió biển, nắng vàng càng khiến tôi nhớ cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, giáp Tết ở Hà Nội. Mỗi lần ra thăm gia đình vào mùa gió bấc, chúng tôi lại cùng nhau thả bộ trên những con phố quen thuộc và lặng im cùng cảm nhận những đợt gió lạnh căm căm, hít hà mùi hương cây cỏ còn đẫm hơi sương, lắng nghe tiếng lao xao của một quán nước bên vỉa hè...

Hà Nội đã đổi khác nhiều. Cái lạnh bây giờ không còn đáng sợ nữa. Mùa đông là mùa người ta phô ra tất cả các mốt thời trang đẹp nhất, ấm nhất và mới nhất. Cuộc sống Hà Nội có thể tạm đáp ứng được từ cái ăn, cái mặc đến hàng tiêu dùng cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Trong nhịp sống ắp đầy sự kiện của Thủ đô, tôi vẫn thấy những tốp người Hà Nội, những nam thanh nữ tú và cả những đoàn khách đến viếng thăm Đài Tưởng niệm Khâm Thiên, dấu tích ghi nhận một tháng 12 đầy bi tráng của Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 khiến tôi không được trở về Hà Nội, tận hưởng những ngày đông giá. Thời gian qua đi, Hà Nội tháng 12 của tôi chỉ còn là nỗi nhớ. Chẳng thể sống lại những ngày đã qua và cũng không mong muốn như thế. Chỉ có ký ức mới giúp tôi trở về quá khứ một cách trọn vẹn và yên bình. Và tôi đã trở về với Hà Nội tháng 12 yêu thương trong ký ức của mình với bao nỗi niềm riêng chung như thế.

Cái lạnh thấu xương của mùa đông khiến người ta luôn khao khát tìm một nơi ấm áp để trú ngụ. Nhưng cái lạnh của trời đất đâu có chừa ai. Chẳng thể lúc nào cũng vùi trong chăn ấm. Cũng chẳng thể lúc nào cũng co ro trong bùng nhùng khăn áo. Cái lạnh của tháng 12 vẫn xuyên thấu tất cả. Chỉ có một nơi duy nhất có thể ủ ấm bạn, giữ lửa cho bạn trong ngày đông giá, đó là tình yêu.

NGÔ LIÊN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.