Đón gió sông nhớ đồng tháng Chạp

.

Những ngày gần cuối năm thật nhiều cảm xúc, thoảng có cơn gió bất chợt ngang qua khều nhẹ cũng thấy nao lòng. Nhất là mấy ngọn gió sông.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Gió sông - là thứ gió hào phóng nhất khi mang tất cả những hơi mát từ nước sông, từ những vòm lá của tán bần ngả bóng thì thầm với sông không ngơi nghỉ. Gió sông cũng nhiệt tình gom luôn cái mùi cỏ xanh ngai ngái, mùi rơm rạ cuối vụ mùa trên những cánh đồng phà ra khắp xóm làng. Chúng tôi, những người đã từng là con của đồng bằng, tha hồ hít căng thứ mùi thơm hương cố xứ ấy - vào một hôm bất chợt gặp lại gió sông hương đồng tháng Chạp.

Anh nói với tôi, giọng hân hoan như một đứa trẻ. Ở thành phố này, làm thị dân bao nhiêu năm, nay mới biết đến một nơi sát nách thị thành mà lại còn giữ nét quê kiểng chân tình như miệt đồng bưng, thiệt là ưng cái bụng. Tôi vui lây với anh. Giữa cuộc sống xô bồ này, gặp một ngọn gió sông phà lên cũng khiến mình sửng sốt như gặp lại cố nhân. Nỗi sửng sốt ấy gói gọn cả một bầu trời thương nhớ.

Tôi nhớ những mùa gặt cuối đông đầu Chạp. Máy tuốt lúa tua qua vài vòng trên mặt ruộng là cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Máy tuốt lúa mới có những năm sau này. Còn trước đó, hồi tôi còn bé xíu, ba và mấy chú, mấy bác nông dân trong xóm toàn phải “đập lúa” bằng tay, trong cái thùng đóng bằng gỗ hình chữ nhật chừng hơn 1m2 được quây bằng tấm mành trúc, gọi là tấm bồ đặt trên bờ ruộng. Ngày thu hoạch, cánh đàn bà con gái cắt lúa; cánh đàn ông con trai đi thu gom về chỗ đặt bồ, ra sức đập, giũ trong bồ để hạt lúa rơi ra. Việc đồng áng nặng nhọc nhưng đong đầy niềm vui. Nhà này sang giúp nhà kia, đến phần ruộng nhà này thu hoạch thì nhà kia lại quay sang giúp, gọi là “dần công”. Rồi trong lúc dần công qua lại ấy, anh trai nhà này thương cô gái nhà kia má hây hây đúng độ trăng tròn. Anh ra sức gom lúa, đập thật nhanh, mạnh và gọn gàng để được lòng cả cô gái và cha mẹ cô ta. Đôi khi, chỉ cái nhìn ngại ngùng của cô gái ấy mà chàng trai si mê lòng dạ suốt một đời. Những mối tình chân phương cũng từ những vụ mùa cuối năm mà nên, để ai nấy đều nuôi hy vọng “ra Giêng anh cưới em”.

Đầu tháng Chạp, cánh đồng còn lởm chởm gốc rạ, nhưng giữa Chạp trở đi thì người ta tính chuyện “tân trang” lại đồng để chuẩn bị vụ lúa Đông - Xuân. Lúc ấy là bắt đầu những ngày khói đốt đồng. Gốc rạ sau nhiều ngày phơi nắng đã khô vàng, rất dễ bắt lửa. Giữa đồng, những cột khói bắt đầu ngún lên, mềm mại uốn éo như những dải lụa trắng bay lên rồi tan loãng. Sẫm tối, khói đã tan vào hư không nhưng cái mùi khói un nồng nồng vẫn còn bám lấy mặt ruộng. Mùi khói ấy lẫn cả mùi thơm của những bông lúa còn sót lại, nổ tung trong đống un, xòe ra thứ “cốm” trắng pha nâu thơm lừng. Đó chính là món quà thú vị nhất mà đám trẻ con háo hức mong chờ những ngày có khói đốt đồng. Những bông cốm giòn tan ấy dù chỉ đủ “nhét kẽ răng”, thấm tháp gì với nỗi thèm bánh kẹo, nhưng với tuổi thơ đồng bằng là cả một bầu trời thương nhớ. Để rồi mãi mấy mươi năm sau, thèm một nắm lúa quăng vào đống un để có những bông cốm tuổi thơ bung xòe cũng không thể nào tìm lại được giữa thị thành.

Hết những ngày khói đốt đồng, mặt ruộng lại được dẫn nước, cày xới cho tơi lên, đất mịn ra. Rồi người ta bưng những thúng lúa giống ngâm ủ đã nảy mầm, rải đều xuống mặt ruộng xâm xấp nước. Hai tuần sau thôi, mặt ruộng đã xanh nõn một màu. Khi đó, những cây mai đất rải rác trên đường đê dẫn từ cánh đồng về ngõ nhà cũng hực lên một màu vàng rực. Và trên sân, mùi lá chuối mẹ phơi còn chưa kịp ráo mủ. Thềm nhà, vạn thọ rung rinh trong gió khoe gương mặt tròn lẳn và đẹp như những cuộn len vàng ươm.

Hết Chạp, đầy năm, mà nỗi nhớ cứ dài ra xa thẳm…

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.