Dưới tán thường xuân...

.

Đó là một ngôi nhà có hai mặt tiền, được bao phủ bởi màu xanh của cây thường xuân. Trước đây, hiệu may nhỏ nằm quay mặt vào sông, quay lưng lại con đường lớn nhất nhì thành phố. Mấy năm gần đây, hiệu may thu hẹp lại, nhường mặt tiền đường lớn cho người ta thuê bán đồng hồ. Dân ở đây không ai lạ gì hiệu may gia truyền ấy, cái biển hiệu xưa cũ với dòng chữ: “Hiệu may - chờ một người” cũng đã bạc màu.

Khi Thuần lớn lên đã thấy mình ngồi trên chiếc ghế gỗ trước cửa hiệu ngắm dòng người qua lại. Thỉnh thoảng mẹ dừng chân đạp máy ngẩng lên hỏi: “Đường phố có gì mà con chăm chú thế?”. Thuần ngoảnh lại nhìn mẹ nhoẻn cười. Thật ra đường phố không có gì ngoài những khuôn mặt người tất bật, lo toan.

Thuần không phân biệt nổi khuôn mặt từng người. Thuần thấy chú bán bánh bao mặt hao hao giống bác hay đẩy xe than tổ ong, mặt cô bán tào phớ hao hao mặt người thu mua đồng nát. Có thể vì những khuôn mặt lam lũ thường có nét giống nhau. Cũng có thể vì trong tâm trí cậu bé Thuần khi ấy chỉ lấp lánh khuôn mặt của cô bạn nhỏ thường hay đến xin vải vụn về may váy búp bê. Cô bạn ấy là con của người mua đồng nát, nhà ở dưới chân cầu bắc qua sông. Chỗ Thuần ngồi có thể nhìn thấy từ xa một xóm nhà lụp xụp, ngổn ngang, bề bộn. Nhưng cô bạn nhỏ tên Vân lúc nào cũng hiện ra trước mắt Thuần một cách trắng trẻo, gọn gàng với đôi mắt đen láy biết cười và khuôn miệng như bông hoa mới nở. Mới đó mà hơn hai mươi năm đã trôi qua. Mỗi lần thu dọn vải vụn vứt đi, Thuần lại nhớ đến bàn tay bé nhỏ, trắng ngần rụt rè nhặt những vụn vải có màu hoa lá.

Thỉnh thoảng có khách nhìn biển hiệu buột mồm hỏi: Chờ ai? Câu hỏi ấy không phải chỉ để hỏi mình Thuần. Giờ người hay ngồi trước cửa hiệu may không phải là cậu bé Thuần năm xưa mà là một người già. Ông ngoại Thuần đã chín mươi tuổi, bị lẫn, thường ăn rồi vẫn bảo chưa ăn. Nhưng có một cái tên ông không bao giờ quên, lúc tỉnh cũng như lúc mơ, lúc khỏe cũng như lúc ốm ông thường hay gọi: “Sim à?”. Dĩ nhiên Thuần chưa bao giờ được gặp người tên Sim ấy. Không có một bức ảnh nào để lại. Một vật dụng quen thuộc nào đó cũng không. Mẹ Thuần nói, bà chưa từng có bất cứ hình dung nào về người mẹ ruột của mình, ngoài một cái tên. Bà ngoại đã bỏ đi khi mẹ còn rất nhỏ. Biển hiệu may với dòng chữ “chờ một người” đã ra đời như thế.

Nhà hai mặt tiền, đất đắt như vàng. Khối người khuyên ông ngoại bán đi về quê hoặc kiếm một mảnh nào đó ở ngoại thành ở cho yên tĩnh, tiền còn dư đủ dưỡng già. Nhưng ngoại đâu có chịu. Ngoại sợ Sim của mình trở về mà không thấy cảnh cũ người xưa. Mà kể cũng lạ, một ngôi nhà ngăn đôi, phía bên kia người ta bán thời gian trong những chiếc đồng hồ đắt đỏ thì bên này lại níu giữ toàn điều xưa cũ. Nhiều đêm nằm thao thức, Thuần nghe thấy tiếng cả trăm chiếc kim đồng hồ đang nhúc nhích, như cả trăm bước chân đang tiến về phía mình. Không có bước chân nào rón rén, nhẹ nhàng như bước chân Vân.

Lúc còn ở nhà, thỉnh thoảng Vân đến đứng ngoài cửa từ lúc nào mà Thuần không hay biết. Chỉ chờ Thuần ngẩng lên là nàng cười khúc khích: “Em đến xin vải vụn về may váy búp bê”. Thuần hóa thành đứa trẻ, chỉ muốn quẩn quanh mãi bên nàng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hiệu may nhà Thuần có thể may đủ loại quần áo, từ áo dài, áo bà ba đến đồ công sở, váy vóc đều làm khách hài lòng, dù thời buổi này váy áo bán khắp nơi, chỉ cần vào mạng là đủ mẫu mã, giá tiền, tha hồ chọn lựa. Một cái click chuột thì quần áo được ship đến tận nhà, cần gì phải mất công may đo, chờ đợi. Nhưng có nhiều khách quen, năm nào cũng vài lần ghé qua, chọn vải. Họ thường là những người kỹ tính, ưa sự chỉn chu đến từng đường kim mũi chỉ. Họ đến để hỏi Thuần bao giờ lấy vợ, đã có người yêu chưa, hay vẫn thầm thương trộm nhớ cái cô Vân nào đó? Nghe nói cô ấy đi xuất khẩu lao động bên Nhật đã nhiều năm, xa xôi thế biết thế nào mà đợi? Thuần chỉ cười, tình yêu đâu phải để giải thích với người đời. Vân là một đám mây. Dù đám mây ấy có bay đi đâu thì chỉ cần ngẩng lên bầu trời là thấy. Mẹ nói: “Yêu một người là ngay cả khi không ở cạnh bên vẫn thấy lòng ấm áp”.

Bố mất đã nhiều năm, mẹ không đi bước nữa. Thỉnh thoảng đang đo vải, mẹ dừng tay ngó mông lung ra cửa. Chỗ ấy ngày xưa bố hay ngồi đọc sách, uống trà vào buổi tối. Chỗ ấy mỗi lần từ cơ quan về, bố dựng chân chống xe xuống, tươi cười hỏi mẹ: “Hôm nay có đông khách không em?”. Bố đặt trước mặt mẹ cốc chè, túi mận đầu mùa, vài quả hồng chín đỏ, cũng có khi là nắm cốm thơm lừng gói trong lá sen tươi. Mẹ vẫn đợi bố đấy thôi, mỗi sớm, mỗi chiều, mỗi mùa trong năm, mỗi mưa, mỗi nắng… Ngay cả khi mẹ biết chắc rằng bố không thể nào quay về bằng da bằng thịt thì mẹ vẫn nuôi dưỡng sự sum vầy trong hình dung thân thuộc. Như mỗi khi nghe tiếng chuông đồng hồ ở phía bên kia bức tường ngăn cách vọng lên lúc 6 giờ chiều là mẹ nhìn ra cổng, bất giác mỉm cười.

Sáng nào mở mắt ra, Thuần cũng xem thời tiết bên Nhật lạnh bao nhiêu độ, trời có tuyết hay không. Nửa đêm thức giấc đoán bên Nhật cũng gần sáng rồi, có lẽ Vân đã dậy nấu nướng chuẩn bị đi làm. Vài tin nhắn gửi nhắc Vân mặc ấm, nhớ nấu đồ ăn ngon mang theo, nhớ đun nước gừng uống mỗi ngày.

Thường thì không có tin nhắn hồi âm vì Vân còn vội vàng bắt đầu ngày làm việc mới. Những mùa đông lạnh lẽo cách xa nhau dài đằng đẵng. Vân hay nói: “Đừng chờ em. Tuổi xuân có hạn”. Ba năm trước lúc quyết định gia hạn hợp đồng lao động, Vân đã từng cắt liên lạc với Thuần. Vân muốn kiếm tiền mua lại mảnh đất mà ngày xưa vì nghèo khó bố mẹ phải bán đi. Vân xây nhà để mẹ được về quê kết thúc những tháng ngày rong ruổi mưu sinh phố thị. Vân nói: “Em còn phải trả nợ. Phải mở một cửa hàng nho nhỏ để mẹ đỡ vất vả lúc tuổi già”. Thuần vẫn sẽ ở đây chờ đợi người con gái mình thương bằng trái tim chưa bao giờ nguội lạnh. Sông vẫn lặng lẽ chảy giữa dòng đời náo nhiệt. Những đôi uyên ương vẫn đèo nhau trôi trên phố mỗi ngày. Thuần vẫn là chàng thợ may nhận mọi đơn hàng trừ váy cô dâu. Thuần hay nói với khách: “Cả đời tôi chỉ may váy cô dâu cho duy nhất một người”. Chiếc váy ấy đã dần hoàn thiện trong tâm trí của Thuần. Chỉ chờ đến một ngày nào đó ướm thước đo lên cơ thể người thương, Thuần sẽ cắt may.

Mùa đông đang dần khép lại. Ông ngoại ngồi sưởi nắng ngoài cửa hiệu, lũ chim sà xuống nhặt những mẩu vụn bánh mì. Thú vui của ông là những chú chim trời thoắt ẩn thoắt hiện trên tán lá thường xuân. Những người đi đường thường bị hút tầm mắt vào khoảng tường xanh tươi ấy. Dây thường xuân mọc lan trên mái hiên, buông xuống dài như mái tóc người thiếu nữ. Giữa những ngôi nhà cao tầng, sơn xanh, sơn đỏ, mạ vàng đủ kiểu, hiệu may của Thuần bao năm vẫn chỉ một màu xanh mướt mát. Để bất cứ lúc nào nhìn vào đó Thuần cũng thấy nhẹ nhõm. Những chú chim hay ùa ra từ đó, thong thả nhảy trên nền gạch quanh một ông cụ hiền từ. Ông nói: “Đến chim trời không ai nhốt, ai nuôi còn biết chốn cũ tìm về. Huống hồ là con người từng yêu thương gắn bó”. Thuần định nói với ông rằng trên đời này có biết bao cuộc chờ đợi mà không thấy người về. Nhưng Thuần nhận ra nếu không có sự chờ đợi ấy chắc gì ông đã thấy cuộc đời mình ý nghĩa.

- Nếu gặp lại nhau, ông có chắc sẽ nhận ra bà không? Đã sáu mươi năm rồi. Sáu mươi năm, dài bằng cả đời người ông nhỉ?

- Sáu mươi năm… Phải! Nếu gặp lại, chắc gì ông bà đã nhận ra nhau. Sim trong ký ức của ông mãi mãi là người phụ nữ ngoài hai mươi tuổi với mắt môi lúng liếng và nụ cười rạng rỡ như nắng mùa xuân.

- Lúc ấy, ông cũng ngoài đôi mươi, trẻ trung và vạm vỡ. Còn trẻ hơn cả cháu bây giờ.

- Nếu Sim còn chút gì nhớ đến ông, cũng chỉ là những hình dung quá khứ.

- Vậy đã bao giờ ông thử hình dung bà của thực tại hay chưa ạ?

- Ừm… Thực tại ư? Một bà cụ già nua, da nhăn nheo, đôi mắt đã mờ lòa. Đến tuổi này chắc cũng đã nhớ nhớ quên quên. Mái tóc đen dài ngày xưa chắc đã bạc trắng rồi. À mà thôi, ông không quen hình dung Sim của mình những năm tháng về già.

- Đợi bà lâu như thế ông có thấy mệt không? Ông vẫn nghĩ bà sẽ quay về?

- Rồi cháu sẽ thấy trên đời này có bao cuộc đợi chờ không phải vì để thấy người về.

Những lúc nói về bà ông luôn tỉnh táo, đôi mắt ánh lên niềm vui, tay chân hoạt bát. Thuần thích được ngồi bên ông, một già một trẻ, dưới mái hiên tươi xanh lích chích tiếng chim chuyền. Mùa này những cây bàng trên phố đỏ lịm tâm tư. Lúc còn ở nhà, Vân thích nhất mùa lá bàng chuyển đỏ. Nàng nói: “Những cây bàng trông như gã si tình, lại có lúc như một người đàn bà hoài cổ”. Thuần giơ điện thoại lên chụp một tán bàng gửi cho Vân. Nếu tinh ý sẽ thấy gió vừa luồn qua kẽ lá. Trong câu chuyện của những người trên phố đã thấy nhắc về mùa xuân. Vài đôi lứa dẫn nhau đến hiệu may đặt một chiếc áo dài mặc Tết. Tháng Chạp, nhiều đơn hàng cần phải hoàn thành. Có hôm đèn sáng suốt đêm, tiếng máy khâu không át nổi tiếng gió khua bên ngoài cửa sổ. Từng đường chỉ cần mẫn nối đêm lại với ngày.

***

Sáng hai bảy Tết, trời vẫn còn hơi lạnh. Thuần mở cửa đã thấy phố rộn ràng thanh âm và rực rỡ sắc màu. Trên những chuyến xe người ta chở Tết về nhà, nắng lấp lánh trên từng cánh mai, đào bừng nở.

Thuần bật một bản nhạc tươi vui, cắm cúi làm nốt những đơn hàng cuối cùng. Lúc Thuần ngẩng lên sững sờ thấy trước mắt mình là cả một mùa xuân ấm áp. Vân đứng đó tự bao giờ, dưới tán cây thường xuân rủ xanh vai áo. Thời gian như ngưng lại trong giây phút ấy, Thuần lặng im chưa hết ngỡ ngàng.

- Em lại đến xin vải thừa về may váy búp bê.

- Em về sao không nói với anh? Anh không có vải thừa chỉ có vải may váy cưới thôi, chịu không nào?

Vân bật cười. Bao nhiêu năm trôi qua giọng cười ấy vẫn trong trẻo quá. Nụ cười ấy vẫn ấm áp và ánh mắt ấy vẫn tươi vui như cô bé mười tuổi năm nào xòe bàn tay nhận từ Thuần vài chiếc kẹo. Hai người ngồi dưới tán thường xuân không cần nói với nhau nhiều điều vẫn thấy lòng đủ đầy hạnh phúc. Như cách mà suốt nhiều năm qua họ đã yêu mà không cần thề ước, không hẹn ngày về. Những trái tim luôn hướng về nhau thì dù ngả đường nào cũng sẽ tìm đến đích. Thuần ngước nhìn bức tường cây thường xuân phủ kín, bảo nàng:

- Sau này nhất định chúng mình sẽ đứng đây chụp một bức hình làm ảnh cưới dưới tấm biển: “Hiệu may

- Chờ một người” này. Anh sẽ may chiếc váy cưới đầu tiên.

Vân mỉm cười, ngả đầu vào vai Thuần nhìn mùa xuân rộn ràng trôi trên phố. Trên những tán cây bàng từng chồi non bắt đầu nhú lên, tràn đầy sức sống…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.