Giải Quả cầu Vàng 2022 vắng khán giả

.

Trước làn sóng tẩy chay của chính những người trong ngành liên quan những cáo buộc vi phạm đạo đức, Hiệp hội Báo chí nước ngoài (HFPA) cho biết, lễ trao giải thưởng Quả cầu Vàng 2022 tổ chức vào ngày 9-1 không có sự tham dự của khán giả và phương tiện truyền thông, đồng thời nêu rõ chương trình trao giải năm nay nhằm làm nổi bật hoạt động từ thiện lâu đời của HFPA.

Lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 79 diễn ra không có khán giả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Variety.com
Lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 79 diễn ra không có khán giả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Variety.com

HFPA bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bắt nạt những người yếm thế và xảy ra tình trạng tham nhũng. Đỉnh điểm của làn sóng tẩy chay dâng cao vào năm ngoái khi đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng lễ trao giải thưởng Quả cầu Vàng là mạng lưới truyền hình NBC tuyên bố không phát sóng sự kiện này trong năm 2022. Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, Ban tổ chức lễ trao giải Quả cầu Vàng phân biệt chủng tộc, đặc biệt khi hiệp hội này không có thành viên nào là người da màu.

NBC nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, HFPA cần thời gian để cải tổ. Do đó, NBC sẽ không phát sóng Quả cầu Vàng 2022. Nếu Ban tổ chức thực hiện đúng kế hoạch đề ra, chúng tôi hy vọng sẽ trở lại phát sóng chương trình vào tháng 1-2023”.

Hưởng ứng làn sóng phản đối HFPA với kênh truyền hình NBC, thời gian qua, các hãng phim lớn của Hollywood cũng đình chỉ hợp tác với HFPA, đặc biệt các ngôi sao như Tom Cruise và Scarlett Johansson đã chỉ trích tổ chức này, thậm chí Cruise đã gửi trả lại 3 cúp Quả cầu Vàng mà anh từng đoạt giải. Bên cạnh đó, các nền tảng phát hành phim trực tuyến như Netflix và Amazon Studios cũng tuyên bố sẽ không làm việc với HFPA cho đến khi tổ chức này có nhiều cải cách “có ý nghĩa” và “đáng kể” hơn để xứng tầm với vị thế của chính HFPA.

Để xoa dịu tình hình dư luận sau khi báo Los Angeles Times chỉ ra HFPA có 87 thành viên nhưng không có ai là người da màu, HFPA đã kết nạp thêm 21 thành viên mới (trong đó 29% là người da màu), đồng thời lên kế hoạch cho sự mở rộng tương tự trong những năm tới. HFPA cũng tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác kéo dài 5 năm với Hiệp hội vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) để tăng tính đa dạng, công bằng và hòa nhập trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc đạo đức sửa đổi cũng cấm các thành viên hiệp hội nhận quà tặng hay các hình thức hối lộ khác.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 79 diễn ra không có khán giả. Chủ nhân các giải thưởng trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình được xướng tên tại khách sạn Beverly Hills. Với mục đích làm nổi bật hoạt động từ thiện lâu đời của mình, HFPA nêu rõ: “Trong 25 năm qua, HFPA đã tài trợ 50 triệu USD cho hơn 70 tổ chức từ thiện liên quan đến giải trí, phục hồi các tác phẩm điện ảnh lâu đời, các chương trình học bổng và các hoạt động nhân đạo khác”.

Giải thưởng Quả cầu Vàng do HFPA sáng lập và trao giải lần đầu tiên vào năm 1944. Ban giám khảo gồm khoảng 100 thành viên là nhà báo ở 55 quốc gia. Tuy giải thưởng thu hút đông khán giả thứ ba tại Mỹ sau Oscar và Grammy, lễ trao giải Quả cầu Vàng 2021 tổ chức hồi cuối tháng 2-2021 đã chứng kiến tỷ lệ người xem giảm khoảng 60%. Khác với giải Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) chỉ dành cho điện ảnh, hay giải Emmy chỉ dành cho truyền hình, lễ trao giải Quả cầu Vàng là cơ hội hiếm hoi để các ngôi sao của cả màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ cùng đứng chung sân khấu. Những chiến thắng tại Quả cầu Vàng được cho là sẽ tạo lợi thế trong “cuộc chạy đua” Oscar thường niên.

ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.