Người bị Nghĩa hội Quảng Nam nghi "có nhị tâm"

.

Ông Phan Văn Bình, cha của chí sĩ Phan Châu Trinh, tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và được bổ chức Chuyển vận sứ. Rất tiếc, khi Nghĩa hội rơi vào thế thoái trào, các lãnh tụ ở địa phương có người nghi kỵ lẫn nhau nên không còn tin dùng như trước...

Nhà thờ tộc Phan - nơi thờ cụ Phan Văn Bình và các vị tiền hiền tộc Phan làng Tây Lộc. Ảnh: A.T
Nhà thờ tộc Phan - nơi thờ cụ Phan Văn Bình và các vị tiền hiền tộc Phan làng Tây Lộc. Ảnh: A.T

Ông Phan Văn Bình xuất thân từ một gia đình giàu có và hào hiệp, quê ở làng Tây Lộc thuộc huyện Hà Đông, sau đổi thành huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). “Ông thân sinh Phan Châu Trinh tên là Bình, học trò trường ba, quyền bá hộ, làm Quản cơ sơn phòng, tán tài kết khách, thanh gươm yên ngựa, có chí muốn lập công danh. Mẹ họ Lê, con nhà danh tộc làng Phú Lâm, có đức hiền lành...” - Huỳnh Thúc Kháng cho biết trong bài viết “Phan Tây Hồ tiên sanh lịch sử”.

Vợ chồng ông Phan Văn Bình có 4 người con, 3 trai, 1 gái, trong đó Phan Châu Trinh là con thứ ba. Năm 1864, bà Lê Thị Chung mất, ông Bình đi bước nữa và có thêm 2 người con gái. Trong quan hệ họ hàng gia tộc, các anh em nội ngoại của ông Phan Văn Bình đều là những người có tiếng trong vùng về lòng yêu nước, thương dân và đã từng tham gia tích cực các phong trào Nghĩa hội, Duy tân, Đông du... như Lê Cơ, Lê Lượng, Lê Vĩnh Huy, Lê Triêm...

Theo tư liệu từ cuốn “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước” của Nguyễn Q.Thắng, Phan Văn Bình xuất thân từ học trò thi vào trường ba (tú tài), sau đó nhập ngũ vào năm 1884 và giữ chức Quản cơ sơn phòng Dương Yên, dưới quyền chỉ huy của sơn phòng Chánh sứ Trần Văn Dư.

Tháng 6 năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và được bổ chức Chuyển vận sứ với nhiệm vụ chuyên lo vận chuyển vũ khí, lương thực, quân nhu cho các lực lượng nghĩa binh đóng căn cứ trên địa bàn hoạt động của tỉnh. Trong thời gian này, Phan Châu Trinh cùng hai người anh và em gái lên sống với cha ở căn cứ, học tập võ nghệ, săn bắn và tập việc binh mã.

Sau khi Nghĩa hội được thành lập tại Sơn phòng Quảng Nam ở Dương Yên, Phan Văn Bình tích cực tham gia và trở thành người trợ lý đắc lực cho hội chủ Trần Văn Dư trong công việc tăng gia sản xuất, tiếp tế lương thực, chuẩn bị vũ khí cho nghĩa binh Nghĩa hội chống lại quân Pháp và quân Nam Triều. Tháng 8-1885, Nghĩa hội phát binh tiến đánh thành tỉnh La Qua ở Điện Bàn, tuy không trực tiếp cầm quân tham gia nhưng Phan Văn Bình có vai trò lớn trong việc chuẩn bị hậu cần, vũ khí, lương thực phục vụ cho đội quân nghĩa binh...

Sau một thời gian chiếm giữ và làm chủ thành tỉnh La Qua, ngày 6-9-1885, quân Pháp và lính Nam triều Đồng Khánh với ưu thế quân đông, trang bị vũ khí hiện đại mở cuộc tấn công đánh chiếm lại thành tỉnh. Trước tình thế cấp bách, Trần Văn Dư quyết định rút đại bộ phận về căn cứ Sơn phòng Dương Yên (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) để bảo toàn lực lượng, phục vụ cho một cuộc chiến đấu lâu dài. 

Để đối phó với phong trào Nghĩa hội, quân Pháp tăng cường bố ráp, lùng sục để truy bắt những người cầm đầu phong trào. Tháng 10-1885, quân Pháp huy động lực lượng hùng hậu cả về quân số, vũ khí và phương tiện chiến tranh cùng với quân Nam triều tiến đánh Sơn phòng Dương Yên.

Nghĩa quân Nghĩa hội dưới sự chỉ huy của Trần Văn Dư đã lập nhiều phòng tuyến chống trả, chặn đường tiến quân của quân Pháp như Lũy Đá Rồng, Truông Mua, Suối Đá..., gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Thế nhưng, do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề về lực lượng, vũ khí, lương thực..., sau một thời gian chống trả, cầm cự anh dũng, kiên cường, nghĩa quân của Nghĩa hội đã bị thất thủ.

Sau cái chết của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu lên thay và tiếp tục lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Lúc này, Phan Văn Bình cùng với những chiến tướng còn lại như Hồ Đức Học, Trần Đạt, Nguyễn Hàm... dốc hết tâm huyết cùng chủ soái Nguyễn Duy Hiệu chiêu mộ nghĩa binh, tích trữ lương thực, củng cố, bố trí lực lượng nghĩa quân để chặn đánh, cản bước tiến của quân Pháp và quân Nam triều, đồng thời tiếp tục xây dựng nhiều căn cứ trọng yếu để chống Pháp trên đất Quảng Nam như: Căn cứ Suối Đá (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh), Căn cứ Lâm Môn (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh), Căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc (huyện Nông Sơn)... Bấy giờ, Phan Văn Bình được Nguyễn Duy Hiệu giao chỉ huy một đội nghĩa quân đóng căn cứ tại Thanh Lâm (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) và Dương Đế (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh).

Năm 1886, quân Pháp và quân Nam Triều do Nguyễn Thân chỉ huy tấn công, đánh phá ác liệt các căn cứ hậu bị của Nghĩa hội ở Trung Lộc, An Lâm, Dương Yên, Đại Đồng, Suối Đá... Sau thời gian cầm cự, lực lượng nghĩa binh dần dần tan rã do chênh lệch về lực lượng và vũ khí thô sơ không tương xứng. Thêm vào đó, lúc này các lãnh tụ ở địa phương có người nghi kỵ lẫn nhau nên không những không còn tin dùng như trước nữa mà còn tìm cách hãm hại nhau. Điển hình như ông Tú Đỉnh - lãnh tụ nghĩa binh 9 xã miền núi của huyện Đại Lộc - bị Nghĩa hội xử tội chết.

Riêng đối với Phan Văn Bình, lãnh tụ Nghĩa hội nghi ông là người “có nhị tâm” nên đã cho người sát hại năm 1887 sau các trận đánh ở Nà Lầu, Suối Đá. Theo thân nhân gia đình họ Phan ở Tây Lộc và theo cuốn Phong trào Duy Tân của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì Phan Văn Bình bị cận vệ của Hường Hiệu chặn bắt tại khu vực cầu Mỹ Lý (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh) và bị sát hại sau đó...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng cho rằng, chính cái chết oan trái của thân phụ Phan Văn Bình mà sau này chí sĩ Phan Châu Trinh đã có cái nhìn sâu sắc, tường tận về nền quân chủ và dân chủ trong sinh hoạt chính trị - xã hội ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.