Nhâm Dần 420 năm trước

.

Năm Nhâm Dần 1602 là mốc giới lịch sử quan trọng đối với vùng đất Quảng Nam. Riêng với Đà Nẵng, đây có thể là năm khởi đầu cho việc “nở rộ” những ngôi làng Việt ở trung tâm thành phố ngày nay.

Quang cảnh chính điện Đình làng Hải Châu. Ảnh: XUÂN DŨNG
Quang cảnh chính điện Đình làng Hải Châu. Ảnh: XUÂN DŨNG

Một phát hiện lý thú

Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú trong tác phẩm Có 500 năm như thế (NXB Đà Nẵng, 2012) qua nghiên cứu khảo sát đã phát hiện một điều lý thú về việc hình thành làng xã ở trung tâm Đà Nẵng ngày nay. Tác giả nhận thấy những dấu vết thời Sơ Việt trên địa bàn như các bia cổ, mộ cổ không có cái nào có niên đại sớm hơn năm 1600.

Tài liệu sớm nhất đề cập các làng xã của vùng Nam Hải Vân là cuốn Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555 trong số 66 làng xã của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong (lúc này bao gồm cả vùng Đà Nẵng, Hòa Vang) không thấy các địa danh Hải Châu, Thạc Gián, Chính Gián, Nam Dương, Phước Ninh, Xuân Hà, Thanh Khê, mà chỉ có các làng Yến Nê, Thúy Loan, Cẩm Lệ, Hóa Khuê, Liên Trì. Đây là những làng, theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, “đều mang nặng dấu ấn Chămpa và đến nay vẫn chưa ghi nhận thấy tộc họ người Việt nào lâu đời, tức là vào sớm và định cư” (ý ông muốn nói trước năm 1600).

Qua nghiên cứu gia phả của 42 chư phái tộc của làng Hải Châu, ngôi làng được xem là tiêu biểu cho sự định cư của người Việt trên vùng đất thuộc trung tâm Đà Nẵng ngày nay, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú nhận thấy đến thời điểm năm 2002, không có tộc nào có số đời vượt quá 17 (như vậy chỉ có thể sau năm 1600). Cụ thể, tộc Nguyễn Văn ở đường Phan Thanh cho biết, trong gia phả của họ tổ đời thứ 6 là cụ Nguyễn Văn Chánh người từng làm Xã trưởng Hải Châu thời Cảnh Hưng (1740-1786) thì họ có gốc từ Thanh Hóa di cư vào có lẽ khoảng năm 1600-1615.

Dựa vào tấm bản đồ chiến sự năm 1858 do một vị quan người Việt vẽ (bị người Pháp thu được ngày 15-9-1858), vùng trung tâm Đà Nẵng vẫn còn là một làng chài, một bãi cát vô cùng lớn ở ven vùng cửa sông với rất nhiều đầm lầy, kênh rạch, bàu nước.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Đà Nẵng ngày nay còn tìm thấy dày đặc những di tích Chămpa chạy dài từ Nam Ô xuống Quá Giáng, lên tận Hòa Phong, qua Ngũ Hành Sơn, điều này cho thấy đây là khu vực cư trú quan trọng của người Chăm.

Hình ảnh một số tác phẩm của người nước ngoài viết về Đà Nẵng như của Christoforo Borri (1621) thể hiện những căn nhà sàn hay y phục của nam và nữ rất giống y phục của người Chăm, chứng tỏ sau thời điểm năm 1600, sự hiện diện của người Chăm tại vùng đất này còn rất nhiều và nhiều năm sau thời điểm này, dấu ấn văn hóa Chăm vẫn đậm nét ở Đà Nẵng.

Từ đó, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú cho rằng, dù Đà Nẵng là vùng đất thuộc Đại Việt từ năm 1306, lại nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, nơi dừng chân nghỉ ngơi của các đoàn di dân Nam tiến bằng đường bộ và đường thủy, nhưng “Không một ai dừng lại (để định cư lập làng) cho đến sau khi Nguyễn Hoàng bước chân qua khỏi đèo Hải Vân vào năm 1602”, và phải sau thời điểm này “Đà Nẵng mới xuất hiện những dòng họ người Việt đầu tiên làm nên những làng xã như Hải Châu” (tr. 217). Lý do đơn giản vì: “Cho đến trước và sau năm 1600, tức suốt 300 năm trước đó, người Việt di dân vào Nam đã đi qua Đà Nẵng mà không dừng lại vì một lý do đơn giản là vùng đất này người Chăm vẫn còn ở kín. Và mãi đến sau khi Nguyễn Hoàng xác định chính quyền tập quyền trên vùng đất này người Việt mới dừng lại và “chấp nhận” phát lau sậy cắm cọc dựng nhà ở vùng đầm lầy, bãi cát ven sông” (tr. 223).

Nhận định của Hồ Trung Tú hoàn toàn có căn cứ và được xem là một phát hiện lý thú. Nếu chấp nhận một phần luận điểm của ông thì năm Nhâm Dần 1602 là một mốc quan trọng đối với lịch sử phát triển của Đà Nẵng.

Năm Nhâm Dần đặc biệt

Sau 8 năm bị giam lỏng ở Đông Đô, năm Canh Tý 1600, Nguyễn Hoàng đã thực hiện cuộc “đào tẩu” ngoạn mục về lại Thuận Hóa.

Năm Nhâm Dần 1602, Nguyễn Hoàng vội tuần du Quảng Nam, nơi ông được cử làm Trấn thủ trước đó 32 năm (1570). Sách cũ ghi: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Đoan quận công đã có ý kinh doanh đất này. Hoằng định năm thứ 3 (1602) chúa đi chơi núi Hải Vân thấy núi non hiểm trở nói rằng: Chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng. Rồi vượt qua núi xem xét hình thế, sai lập dinh ở xã Cần Húc, xây kho tàng chứa lương thực, sai công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ” (Phan Khoang, Lịch sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, 1971, tr.161)

Thực ra, đi chơi núi Hải Vân chỉ là cái cớ. Khi trở về Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã muốn “kinh doanh” vùng Quảng Nam để làm hậu phương vững mạnh cho công cuộc ly khai nhằm “dung thân” lâu dài không những cho mình mà cho cả con cháu sau này.

Sau Nhâm Dần 1602, với việc xây dựng dinh trấn ở Thanh Chiêm, nhiều sự kiện đã diễn ra như huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong nhập vào dinh Quảng Nam; cho xây dựng Thanh Chiêm làm “thượng đô” thứ hai; mở cửa ở Hội An, mở rộng lãnh thổ về phía nam để tăng thêm tiềm lực cho việc “chống lại Đàng Ngoài”.

Để dinh Quảng Nam trở thành hậu phương vững mạnh cho việc “Bắc cự” và “Nam tiến”, một trong những giải pháp có ý nghĩa hàng đầu được Nguyễn Hoàng thực hiện là tăng thêm nguồn nhân lực. Vì vậy, sau năm 1602 diễn ra đợt di dân ồ ạt đến Quảng Nam. Nhiều ngôi làng được hình thành trong thời gian này. Huỳnh Công Bá trong tác phẩm Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam đã liệt kê hàng chục ngôi làng được hình thành trong thời kỳ này như: Để Võng, Đông Bàn, Xuân Đài, Hoa Phong, Phiếm Ái, An Lưu, Cổ Lưu, Phong Hồ, Mông Nghệ…

Nhiều ngôi làng vẫn cho rằng được thành lập từ thời nam chinh của vua Lê Thánh Tông (1471) nhưng thực tế các tộc họ tiền hiền chỉ mới dưới 18 đời nên có thể thực tế chỉ được thành lập từ sau năm 1602 (Câu Nhi, Bằng An…). Điều này trùng khớp với nhận định của Hồ Trung Tú về một số ngôi làng ở vùng trung tâm thành phố Đà Nẵng ngày nay mà làng Hải Châu là tiêu biểu.

Nhâm Dần 1602 xứng đáng là một năm đặc biệt trong lịch sử Đà Nẵng.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.