Truyện ngắn

Nơi để tìm về

.

Nghe chị Cả báo tin “cái Nguyên không về được”, chị chỉ cười nhẹ, đây đã là lần thứ ba con bé sai hẹn với đủ lý do.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bố mẹ chị có sáu cô con gái và một cậu trai út cách chị đến sáu tuổi. Cậu đến với gia đình như một món quà bất ngờ, bất ngờ nữa cậu lại là con trai, là đích tôn, trưởng họ. Khỏi nói cũng biết mọi người vui mừng thế nào, thở phào thế nào.

Bố mẹ chị đều đã qua đời. Hồi năm ngoái, cậu út cũ​​ng theo bố mẹ vì căn bệnh K. Cũng may cậu có hai đứa con trai.

Mợ là người hiền lành, chân chất nông dân. Trong khi mấy chị em chị đều là giáo viên, công nhân, nhân viên văn phòng thì mợ là nông dân thứ thiệt. Quê mợ có nghề trồng hoa màu. Lúc về làm dâu, mợ nhanh chóng cải tạo khoảnh vườn chưa đầy hai chục mét vuông thành những luống vuông vắn. Khoảnh vườn ngày trước chỉ trồng loe ngoe mấy cây rau ngót, vài cây ớt còi cọc và mớ rau dại thản nhiên mọc.

Mợ còn kỳ công kéo từng xe bò đất từ quê mình cách đấy năm cây số về đổ vào vườn, cậu em ruột mợ cũng phụ chị, chẳng nề hà gì. Khoảnh vườn nhỏ nhanh chóng xanh tốt. Hồi còn sống, bố tấm tắc nhất cây ớt chỉ thiên sai trĩu quả. Chỉ một cây mà ăn quả quanh năm. Mợ luân phiên tỉa cành già nên lúc nào cây cũng có quả. Rau thì nhà ăn không hết, mỗi lần các chị về nhà thế nào cũng túi lớn túi nhỏ mang đi.
Quê chị trồng lúa, mợ học làm nông. Qua hai mùa, mợ đã thành thạo cấy gặt, ngày nào làm cỏ, lúc nào bón phân chuồng phân thúc, nhớ tháng mười trồng khoai tây ở ruộng phần trăm.

Mợ lớn hơn cậu hai tuổi, là ông bà tìm cưới cho cậu. Ngày đó, người làng ngạc nhiên không hiểu vì sao ông Cả lại chọn dâu trưởng là một cô nông dân trong khi con cái trong nhà đa phần trí thức.

Nhưng chỉ một năm, người ta không những hiểu mà còn tấm tắc khen ông Cả sáng suốt khi thấy con dâu đã hiền lành còn hay lam hay làm, với bố mẹ chồng thì hiếu thuận chăm sóc, với các chị chồng thì chưa một lần bất hòa hay mâu thuẫn. Mợ về làm dâu đầu năm thì giữa năm sau sinh thằng Huy. Bố mẹ chị vui mừng vì có đích tôn.

Nhưng mợ không biết những chuyện trước khi về làm dâu. Khi ấy chị em chị còn ở nhà. Chị Cả đi làm công nhân, lấy chồng và gửi con về cho ông bà ngoại nuôi vì con bé Nguyên bị bệnh đường ruột, ăn gì ra nấy, tìm thầy thuốc mấy nơi không đỡ. Gần một tuổi mà nó quặt quẹo bé tí và yếu nhớt như dải khoai, khuôn mặt còn chưa bằng nắm tay người lớn, chỉ thấy mỗi đôi mắt đen láy. Ai biết đâu một lần về thăm ngoại, con bé hợp thuốc của ông lang làng trên. Thế là con bé được gửi lại, bố mẹ như có thêm con vì con bé chỉ thua cậu út năm tuổi.

Nhà có sáu cô con gái, chuyện đồng áng không đợi bố mẹ nhúng tay. Mẹ thường ở nhà cơm nước và rau bèo cám bã cho mấy con lợn và đàn gà. Bố làm việc trên ủy ban và tham gia mấy hội nhóm gì đó.

Nhưng từ khi có con bé Nguyên, nhà nhộn nhịp hơn. Con bé khi ấy chưa tròn tuổi, lại gầy nhom, yếu nhớt nên được cả nhà xúm vào chăm. Khi con bé uống thuốc, cả nhà làm trò cho con bé há miệng. Khi nó ốm nằm thiêm thiếp, những bước chân cũng tự giác nhẹ nhàng hơn. Khi nó mở to đôi mắt đen tròn và bật ra tiếng cười khanh khách, cả nhà như có hội. Được cái con bé hay cười, tiếng cười trong và vang lanh lảnh. Những khi khỏe, nó rất thích cười, hai mắt díp lại khoe hai hàng lợi mới có bốn cái răng. Mỗi người khi ra khỏi nhà đều tự giác đi nhanh về sớm để nhìn con bé. Cậu út là đích tôn mà còn không được chăm như nó.

Có lần bố chị ốm, nằm cả tuần không dậy nổi với những cơn sốt kéo đến liên tục. Người ta nói bố bị ngã nước, hậu quả của những tháng ngày bôn ba bên ngoài kiếm sống. Những ngày ấy ông nằm trong màn, con bé nằm ngoài màn cứ đớt đát: “Ông dậy, dắt cháu đi chăn bò”. 

Ai đến thăm bố, nhìn cảnh con bé nằm rịt bên ông cũng thương. Lạ là con bé quấn ông nhất, dù mẹ và chị em chị mới là người cơm nước tắm rửa ru nó ngủ.

Bố khỏi ốm, sau đó ít lâu bố quyết định sửa lại cái nhà, chính xác là xây tường cao thêm mấy hàng gạch và làm lại mái. Những ngày ấy thật bận rộn, nhà đông người phải đi ở nhờ nhà họ hàng làng xóm. Con bé Nguyên khi ấy gần ba tuổi luôn đòi về nhà mình, không chịu ngủ ở bất kỳ nhà ai. Có khi nó mệt quá thiếp đi thì chỉ một lúc sau lại giật mình thức dậy khóc. Bố phải nửa đêm quấn con bé trong chăn, ôm về nhà, vượt qua đống gạch ngói vào bếp.

Lúc mọi người bận rộn, con bé Nguyên tha thẩn chơi một mình và cũng khệ nệ ôm từng viên gạch viên ngói từ ngoài ngõ vào sân dù không ai sai ai bảo. Nó còn hung hăng nhặt cái roi đuổi theo con chó nhà hàng xóm khi con chó nhảy lên đống cát.

Mười tuổi, con bé Nguyên theo bố mẹ. Phải nói là thời gian đó cả nhà chống chếnh mất mát và nhớ con bé. Con bé như con sóc nhỏ, nghịch và tinh ranh nhưng là linh hồn của ngôi nhà toàn người lớn. Con bé níu người ta lại với nhau bằng tiếng cười.

Mẹ nhớ con bé đến ốm, chị em chị vẫn giữ thói quen ra đồng thấy con muỗm, con cào cào hay thấy con ốc nhồi lập lờ mặt nước đều bắt mang về làm quà cho con bé. Nhưng khi về nhà, nhớ ra con bé đã đi rồi, những con muỗm đánh rơi ngoài ngõ, nhanh chóng chui vào bụng gà. Con ốc nhồi được thả vào cái bể con và cứ nằm đấy, ăn rêu để sống.

Nhìn quanh nhà, có chỗ nào không có dấu ấn con bé. Cái bể nước mưa chứa được ba khối nước, bố chị xây thêm cái bể nhỏ cho con bé thả vào đó tôm cua cá ốc và bèo hoa dâu. Cái cối đá to úp dưới gốc na, bên cạnh là bộ cối chày nhỏ cũng bằng đá mua ở Non Nước. Một hàng nón treo đó, ngoài cùng và thấp hơn là ba cái nón tốt đỏ của con bé. Nó đi đâu bỏ quên đó nên phải mua cho nó hẳn ba cái nón. Rồi dây thừng, rồi quạt nan... gì cũng có cỡ nhỏ cho nó.

Có lần, bố còn định vào bắt nó về, sau nghĩ lại thấy thương. Nó đang ở với gia đình của nó, có bố mẹ, có em. Nó ở đây mặc dù được yêu thương chiều chuộng nhưng vẫn tủi thân vì xa bố mẹ. Con bé nên ở với gia đình của mình.

Con bé đi một lèo mười năm mới quay về quê một lần. Thư nó viết khá thường xuyên, đi đâu thấy gì nó cũng viết thư về cho ông bà để kể. Có lần vào nhà bạn, thấy nhà có một khung kính rất to, choán hết bức tường, để rất nhiều ảnh. Bố chị cũng đi làm một cái khung như thế, và thần người khi chỉ có mấy tấm ảnh của nó. Ngày xưa có ai nghĩ đến chuyện chụp ảnh, thế là con bé gửi ảnh về. Dần dà ảnh của con bé và hai em nó chiếm hết cái khung to. Ai đến nhà, bố chị cũng hể hả khoe: “Là con bé Nguyên còi ngày xưa đấy, giờ trông ra dáng chưa?”.

Lần con bé Nguyên quay về là khi bố chị đi, nó còn không nhìn thấy ông ngoại lần cuối. Bố chị đi mà vẫn nhớ thương nó, chưa bao giờ bố trách nó không về thăm lần nào. Hoàn cảnh và cuộc sống khó khăn không ai trách được. Bố luôn có lý do để bào chữa cho vợ chồng chị Cả rằng một nách ba con đang tuổi ăn tuổi lớn, rằng đường sá xa xôi.

Con bé về, khóc ông, ôm bà, chào dì chú cậu mợ, làm quen với đám em được một tuần rồi đi. Con bé lớn lên thật khác, đám trẻ con nghe lời chị răm rắp. Những đứa trẻ lớn lên luôn được ông bà kể cho nghe những chuyện về chị Nguyên, rằng ngày bé chị Nguyên phải uống thuốc đắng, cắn chảy máu tay ông, nhưng khi biết uống thuốc cho khỏi bệnh thì chị lại thun thút uống… Nay được gặp chị Nguyên bằng xương bằng thịt, chúng nó thân quen ngay, cũng có thể do máu mủ ruột rà. Chiều đến trai gái chia hai lượt xếp hàng trước sân giếng chờ chị kéo nước cho tắm.

Dù nay tóc Nguyên đen dài, dù nay nó đã thành thiếu nữ với những đường nét rõ ràng, chị vẫn cảm nhận được con bé còn giữ nhiều tính nết ngày bé. Nó tha thẩn đến từng góc nhà, nhìn những cái vạch ngày xưa ông đo chiều cao cho nó, ra chỗ cái bể con, nhìn cái đinh treo nón thấp tủn của nó ngày xưa, và cứ thế khóc.

Ngày mẹ chị mất, con bé về được ba ngày rồi sấp ngửa đi vì con nó mới gần một tuổi.

Bố mẹ khuất núi, lại thêm cậu út đi xa, anh chị em không dưng cũng nhạt hơn trước, chỉ khi giỗ chạp mới về nhà. Hôm giỗ đầu cậu út, có ai kể chuyện gì đó về nhà cửa, mọi người mới nhớ đến chuyện nhà mình. Chị Cả lớn nhất, lúc này chị thay bố mẹ, ý chị là ngôi nhà là tài sản chung, sẽ không bán hay chia chác gì mà sẽ cho thằng Huy đứng tên, sau này chuyển cho con cái cháu chắt nó với điều kiện giữ làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên, tuyệt đối không mua bán tặng cho ai.

Cứ tưởng có sự đồng thuận, thế thì cứ ra xã là xong. Ai biết đâu mợ không đồng ý. Mợ đã nghe kể chuyện bố chị, là ông nội của hai đứa con mợ trong ngày tân gia, từng nói sẽ để lại nhà cho con bé Nguyên. Mợ nói lời bố có nhiều chú bác trong họ trong làng chứng kiến, giờ phải được sự đồng ý của con bé thì muốn làm gì mới được làm.

Mọi người nói con bé là cháu, thuộc hàng thừa kế thứ hai, vả lại chỉ là lời nói lúc bố vui vẻ. Nay chỉ cần những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đồng ý là được. Mợ khăng khăng không chịu. Nói khi ấy bố nói trước mặt bao nhiêu người trong họ, dù người còn người mất nhưng lời nói của bố cần được giữ gìn và thực hiện.

Hẳn khi nói bố chị nghĩ các con mình thừa sức thành gia lập thất, hoặc khi ấy bố nghĩ đến cảnh con bé ba tuổi lũn chũn ôm từng viên gạch, vấp ngã tóe máu chân cũng không kêu khóc với ai, ngôi nhà có thêm niềm vui tiếng cười nên có cho nó cũng là chuyện bình thường.

Chị Cả cũng không biết chuyện này. Mợ bấy lâu hiền lành nay chợt ương như ổi, mọi người ra sức tám trâu chín hổ cũng không lay chuyển được, rằng luật nào cũng do con người tạo nên, trước lý còn có tình. Phận làm con không thể làm trái lời dặn của cha mẹ.

Mợ là con dâu mà nói thế thì các chị chịu rồi. Nhưng con bé đang ở trong Nam cách quê nhà hai nghìn cây số, nó còn công việc, còn gia đình, đâu phải bảo về là về ngay được. Mấy lần nó định về nhưng khi thì con ốm, khi thì công việc có chuyện đột xuất. Nó bảo cháu không biết chuyện này, cái nhà của ông bà cố gắng giữ lại để mọi người có nơi tìm về.

Mợ một hai muốn nó về một lần, nó nói sẽ gửi giấy ủy quyền về mợ cũng không chịu, bảo mọi người sẽ chờ cho tới khi nó thu xếp được. Mợ nói nó nhanh về, cái nhà đã cũ lắm rồi, mợ muốn xây lại nhà. Đột nhiên nó cáu: “Nếu ông từng nói cho thì cái nhà đó là của cháu. Mọi người phải giữ nguyên như thế cho cháu!” .

Chị không nghĩ con bé lại thay tính đổi nết. Chị cười buồn, ai chẳng thay đổi chẳng qua là chưa đến lúc thôi. Chị nhìn ngôi nhà cũ, nhớ ngày còn đủ cha mẹ và cậu út, còn có thêm con bé Nguyên hay cười hay nói. Rồi chị em chị lần lượt ra riêng, những đứa trẻ phần lớn chào đời ở ngôi nhà này, nghe chuyện chị Nguyên suốt thời thơ ấu. Mai này, không riêng chị em chị mà những đứa trẻ cũng sẽ buồn lắm vì chị Nguyên không giống như ngày xưa.

Con bé Nguyên đưa chồng con về vào dịp cuối năm, cũng sắp đến ngày giỗ bố mẹ chị. Bố mẹ chị mất khác năm nhưng cách nhau hai ngày nên mọi người quyết định làm đám giỗ chung. Cậu mới mất nên đám giỗ không làm lớn. Trước mặt mọi người, mợ nói ý định muốn xây lại nhà. Ý định này có lâu rồi nhưng vì cậu đổ bệnh nên chưa làm được. Mợ mong Nguyên về, ở lại ngôi nhà cũ ít ngày, sợ lần sau về con bé sẽ không tìm thấy ngôi nhà thời thơ ấu nữa. Con bé biết mợ muốn xây nhà nên đã cố thu xếp để có kỳ nghỉ dài.

Ngày ấy, con bé ôm gạch xây nhà, ngôi nhà ba gian một buồng lồi suốt bốn mươi năm bền bỉ và ấm áp. Những người sống trong ngôi nhà ai cũng hiền lành, mợ muốn lần sửa này cũng có con bé tham gia để ngôi nhà mới sẽ có những tháng năm bình yên như ngôi nhà cũ.

Nhìn hai mợ cháu nhà họ híp mắt cười với nhau, chị mỉm cười đưa mắt nhìn lên di ảnh của bố mẹ và cậu út. Ba người chứng kiến cảnh con cháu hiếu thảo hòa thuận, hẳn là đang ngậm cười. 

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.