Xuân bên thềm cũ

.

Nắng chiều loang mềm trên những cành mai vừa hé nụ, chợ hoa Xuân tấp nập, người mua từ các nơi nườm nượp đổ về, hối hả. Từ phía sông, gió phần phật cuốn bụi tung mù mịt. Vài giọt nắng còn sót lại cũng vội tắt, nhường chỗ cho màu mây xám xịt, mưa lác đác rơi trên những chiếc dù che rồi bất ngờ rào rào trút xuống. Người mua vội vã tìm chỗ trú, người bán nép vào những căn lều che tạm, ỉu xìu nhìn những cành đào phai kiêu sa rũ xuống ướt sũng, những chậu mai vừa bung nụ cũng vội nhàu vì mưa roàm roạp quật vào. Duyên hối hả chạy đi căng bạt che cho mấy cành đào. Cô lo lắng nhìn bãi đất còn đầy hoa, mới vui vì sáng nay bán được vài chậu, chiều lại đổ mưa. Duyên nhìn sang bên kia đường, những chậu cúc vàng chở ra từ quê lên cũng rũ xuống trong mưa.

Mưa ầm ào một lúc rồi tạnh, người mua hoa lại nườm nượp chen chúc. Sau cơn mưa, mọi thứ như được gột rửa sạch bong. Từ xa, một cụ ông chầm chậm đi lại, chân ông run rẩy sau chiếc gậy khiến Duyên chú ý. Cụ đến bên cành đào phai to nhất ngước đôi mắt kèm nhèm ngắm nghía. Duyên chạy đến đon đả:

- Ông mua đào đi! Cành đào toàn nụ, ông xem này!

Ông cụ khẽ lắc đầu quay đi, Duyên chạy theo nài nỉ:

- Vậy ông mua hoa gì, con chọn cho, bãi con nhiều hoa nhất rồi, ông còn đi đâu nữa?

Ông cụ quay lại, hấp háy đôi mắt nhìn những chậu đỗ quyên, bách hợp rực rỡ, hỏi:

- Cô có lưu ly không?

- Lưu ly ạ? Con không có… - Duyên ỉu xìu - Ngày Tết người ta không chưng lưu ly ông ơi, ông chưng đỗ quyên cho đẹp, con chọn cho, giá mềm nhất cho ông.       

Ông cụ lại lắc đầu:

- Tôi không chưng hoa Tết, tôi mua lưu ly cho bà nhà tôi.

Ông cụ lững thững đi. Duyên nhìn theo, đôi vai ông gầy như rút lại dưới lần áo mỏng. Ông nội nếu còn sống giờ cũng như ông - Duyên thầm nghĩ rồi vội đuổi theo: “Ông chỉ nhà cho con đi, tìm được lưu ly con sẽ mang đến cho ông!”. Ông cụ đọc địa chỉ nhà cho Duyên, giọng khàn đặc, phải căng tai ra cô mới nghe được. Ông đi rồi cô còn lẩm nhẩm “Số nhà… kiệt… đường...”. Bóng ông hòa vào dòng người, khuất sau dãy phố, cô còn đứng trông theo, bao dự định, bươn bả cho những ngày cuối năm bỗng rơi đâu hết cả. Cô bần thần, có người ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn tìm những cánh hoa mang về cho người họ thương. Còn cô, một nơi để về cũng không, cha mẹ cũng không, một tổ ấm sớm hôm vui vầy cũng không… Cô lặng nhìn những cánh đào phai sẫm dần trong chiều muộn.

Đêm sập xuống, ăn qua loa hộp cơm mua dưới phố, cô dặn thằng nhỏ phụ bán trông coi, vội vàng chạy xe ra ngoại thành. Hai bên đường cúc mâm xôi và vạn thọ còn la liệt. Duyên lặn lội vào các nhà vườn, cuối cùng cô cũng tìm được một chậu lưu ly. Chủ vườn ngạc nhiên vì ngày Tết chẳng ai chưng lưu ly mà cô cứ nằng nặc mua. Năm nào cũng vậy, gần Tết, cô lại vào nhà vườn ở ngoại thành mua hoa lên phố bán. Cô để ý người có tiền sắm Tết cũng khác, họ luôn chọn chậu hoa đẹp nhất, trả tiền chẳng đắn đo...

***

Cành đào phai to nhất cuối cùng cũng đã có chủ, một chàng trai trẻ đi xa về mua cho mẹ. Cầm cành đào hồng rực, chàng trai vui sướng trả tiền, còn ý nhị đặt vào tay Duyên phong bao lì xì “Cảm ơn chị, ăn Tết vui vẻ nha!”. Chàng trai quay đi còn ngoái lại cười. Duyên tranh thủ cộng lại sổ sách, cứ tưởng cuối năm nay mua bán sẽ khó khăn nhưng rồi bán cũng hết, mai đã là ngày cuối năm, cô chỉ còn hơn mười chậu cúc. Nhìn những chậu cúc vàng, cô sực nhớ chậu lưu ly. Giao thằng nhỏ trông coi, cô vội vàng chạy đi. Gần một tiếng đồng hồ cô mới tìm được nhà ông cụ. Căn nhà nằm sâu trong con hẻm cuối đường, phải khó khăn lắm cô mới len vào được con hẻm chật chội tấp nập người mua sắm trở về. Đến trước căn nhà tường vôi loang lổ, cánh cổng gỗ khép hờ bằng một sợi xích khóa, cô đứng đợi, thầm nghĩ có lẽ ông bà đi chợ Tết.

Con hẻm nhỏ sạch bong, nhà nào cũng sửa soạn đón Tết khá tinh tươm, những chậu cúc đặt trang trọng bên hiên, mùi trầm hương thoang thoảng bên mâm cúng tất niên, mùi xào nấu thơm phức tỏa ra từ những căn bếp nhỏ. Giọt nắng chiều nhảy nhót rơi xuống chỗ cô ngồi, cô ngước nhìn kỹ hơn căn nhà của ông. Căn nhà cổ xưa dễ đến mấy mươi năm không sửa sang gì, mái lợp ngói vẩy đã sẫm màu, ẩm xịt, bên mảng tường tróc vôi bụi ngọc lan xanh um, điểm xuyết mấy bông hoa trăng trắng, bậc tam cấp cũ úa vàng dẫn lên ngôi nhà cũng rêu phong, cái sân lát gạch ô vuông nho nhỏ nhẵn thín, nâu bóng lên. Có tiếng lách cách mở cổng, một người đàn bà ở căn nhà kế bên dắt xe ra ngõ, Duyên nảy ra ý định gửi chậu hoa nhờ bà chuyển giúp cho ông. Người đàn bà vui vẻ nhận lời:

- Có lẽ ông cụ đi chợ hoa, năm nào cũng tìm mua hoa này! - Bà chỉ vào chậu lưu ly - Cô cứ để đó, cụ về tôi nói lại cho.

Duyên cảm ơn bà, lên xe chạy đi, chợt nhớ ra cô quay lại.

- À, cô nói ông giúp con, con gửi biếu bà, không tiền bạc gì đâu, để ông khỏi mất công quay lại chỗ con.

- Ủa? Bà nào? - Người đàn bà ngơ ngác.

- Dạ, là cụ bà nhà ông ạ!

- Ông cụ sống một mình, bà nhà ông mất hơn hai mươi năm nay rồi cô ạ!

Người đàn bà nói rồi vội vã đi khiến Duyên không kịp hỏi gì thêm. Những ngày cuối năm, ai cũng vội, sực nhớ mấy chậu cúc còn chưa bán hết, cô vội chạy về. Đến nơi đã thấy thằng nhỏ mặt mũi hí hửng:

- Trúng mánh chị ơi, có ông tới mua cho cơ quan, khen cúc đẹp nên mua luôn mười chậu, giờ còn nhiêu đây - Thằng nhỏ chỉ hai chậu cúc lưa thưa bông.

- Giỏi quá! Thôi em nghỉ về quê được rồi - Duyên vẫy thằng nhỏ lại gần đưa nó xấp tiền và giỏ bánh - Em cầm về đưa má, bánh chị mua cho mấy đứa nhỏ, còn cái này chị cho em tiêu Tết - Duyên dúi thêm vào túi nó mấy tờ năm trăm.

Thằng nhỏ lí nhí cảm ơn rồi ra xe cột đồ về quê. Đi được một đoạn, nó quay lại: “Hay năm nay, chị về nhà em ăn Tết đi, má thấy chị về chắc vui lắm, chứ ở đây chị có một mình”. Duyên yên lặng nhìn những giọt nắng chiều, khe khẽ thở dài: “Thôi em về đi, chị gửi lời thăm má”. Giọng cô chùng lại.
Về nhà trọ đã nửa đêm, Duyên lôi sổ sách ra tính toán, thở phào, buôn bán cuối năm vậy là thuận lợi. Cô tắt đèn đi nằm, trằn trọc hồi lâu vẫn không sao ngủ được. Cô miên man nghĩ đến cụ bà yêu hoa lưu ly lẩn khuất trong câu chuyện của ông. Sáng sớm cô ra chợ, chợ ngày cuối năm tấp nập, cô mua sắm vừa đủ cho ba ngày Tết, thêm gói mứt, cặp bánh chưng thắp hương cho ba mẹ. Rẽ qua góc phố thấy con bé ôm bó cát tường tim tím đứng co ro vì lạnh, nhìn thật thương, cô dừng lại mua. Về đến nhà, cắm cát tường vào bình, màu hoa tím nhắc cô nhớ giàn đậu biếc ngày xưa ở nhà cũ, nhớ những giọt nước mắt ứa ra trong đôi mắt Danh ngày cô quyết định vào Nam. Giờ này có lẽ Danh đã tay bồng tay bế chứ chẳng thể đợi cô mãi, một đứa con gái mồ côi, lại nghèo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày cuối năm luôn chạm vào ký ức, kéo cô về những ngày tháng cũ. Ngày đó nghèo, đến cái Tết cũng thật giản đơn. Nồi bánh chưng ba thức thâu đêm canh lửa, khay mứt bí mẹ tự tay làm, có lần mải dọn dẹp mẹ quên, để quá lửa vậy mà cả nhà vẫn tấm tắc khen ngon. Cứ đến chiều cuối năm, ông nội lại mang mấy chậu vạn thọ từ ngoài vườn vào trịnh trọng đặt bên hiên, những bông hoa vàng sặc sỡ nồng đượm như mang cả mùa xuân vào nhà. Cô bé mười ba tuổi là cô, cứ thập thò nhìn vào tủ săm se, chỉ mong đêm qua thật mau để sáng mai được mặc bộ đồ mới. Ngày đó thiếu thốn nhưng sao cô vẫn thấy đủ đầy, ấm cúng, tiếng cười luôn rộn lên trong nhà nhỏ… Quá nhiều ký ức ùa về trong ngày cuối năm. Cô lặng đi vì nhớ...

Đặt bình cát tường lên bàn, cô lui ra xa ngắm nghía, màu tím phơn phớt dịu dàng trong nắng chiều chiếu qua song cửa, cô khẽ chạm vào những cánh hoa mong manh, nghe mùa Xuân đã về bên cửa sổ. Chợt nhớ đến ông cụ cô đã gặp cũng sống một mình, cô bần thần nhìn những giọt nắng chiều nhảy múa bên hiên rồi đứng lên khoác áo ra phố. Phố chiều cuối năm sạch bong, thưa vắng, chốc chốc một chiếc xe máy vụt qua, cột phía sau chậu quất lúc lỉu. Quanh năm quen với dòng người tấp nập, bỗng chốc phố vắng ngắt cô thấy lòng như hụt hẫng.

Rẽ vào con hẻm, cô dừng trước ngôi nhà rêu phong. Ông cụ lúi húi cắt tỉa bên khóm ngọc lan, nghe tiếng xe ngẩng lên hấp háy nhìn ra, nhận ra Duyên, ông mừng rỡ dắt cô vào nhà. Bên trong căn nhà phảng phất mùi cổ xưa, chiếc sập gụ kê trong góc có lẽ cũng lâu đời, màu nâu gỗ bóng lên. Ông rót nước vối ra chiếc ly thủy tinh mời cô uống, kể chuyện hôm qua ông về thấy chậu lưu ly ở cổng, ông biết cô đã đến. Nói đoạn ông run run đến bên sập gụ lấy ra đĩa mứt hạt sen: “Con ăn đi, hồi còn bà cũng ưng mứt ni lắm!”. Cô nhìn lên bức hình đen trắng lồng khung đặt trang trọng trên tủ gỗ, trong hình, gương mặt người đàn bà ngoài năm mươi, đài các, dịu dàng, bên cạnh bình lưu ly được cắm thật khéo. “Bà nhà ông thích lưu ly từ hồi con gái, bà nói đó là loài hoa tượng trưng cho sự thủy chung, bà mất hơn hai mươi năm rồi nhưng năm nào ông cũng tìm lưu ly cho bà”.

Ông chầm chậm kể, đột nhiên dừng lại quay sang cô: “Mà con buôn bán khổ cực, còn mua hoa cho ông làm chi?”. Duyên cười, xòe bàn tay đầy nhóc mứt sen: “Ông cho con ăn mứt rồi đó thôi!”. Ông đứng lên dắt cô ra hiên chỉ bụi ngọc lan: “Bà cũng ưng mùi ngọc lan lắm, bụi ngọc lan ông trồng từ hồi còn bà để sáng nào ngủ dậy mở cửa sổ bà cũng ngửi thấy hương hoa”. Gương mặt ông tư lự như đang sống lại với ký ức xa xưa. Duyên khẽ khàng ngồi xuống bên ông trên bậc cấp rêu phong, nghe ông rì rầm kể, chuyện ngày xưa ông gặp bà, rồi yêu. Ngày bà đi xa, ông ngỡ mình cũng đi theo. “Khi về già, thứ nhiều nhất trên đời là nỗi buồn, con à!”, ông thủ thỉ. Cô nhìn qua thấy dưới mi mắt ông những giọt nước đọng lại như sương; trên mái đầu được búi gọn sau gáy, những sợi tóc bạc mỏng manh lơ thơ khẽ rung lên. “Hơn hai mươi năm rồi, ông vẫn ở đây, không muốn bán đi căn nhà này”. Giọng ông chùng lại: “Cũng bên bậc thềm này, chiều cuối năm nào bà cũng soạn mâm cơm cúng trời đất, rồi bà cùng ông ngồi đây đến giao thừa, ông và bà uống trà, nhấm mứt sen... Mới đó đã hơn hai mươi năm”. Giọng ông trở nên nghèn nghẹn, xa xăm.

Duyên nhìn sang, trên gương mặt úa nhàu của ông như có một màn sương mỏng manh giăng ngang. Chợt ông quay sang hỏi: “Con có nghe mùi ngọc lan thoảng qua không?”. Không đợi cô trả lời, ông lập cập đứng lên mở toang cánh cửa, gió ùa vào mang theo mùi cỏ cây từ mảnh vườn nhỏ sau nhà. Duyên nghe mắt cay cay, cảm giác ấm áp, bình yên cũng theo gió ùa vào lòng cô. Bao lâu rồi cô mới bắt gặp lại cảm xúc này. Kể từ ngày ba mẹ ra đi, mang theo niềm hạnh phúc của cô về thế giới bên kia, để cô ở lại trơ trọi, cô đã mất một nơi nương náu bình yên. Những ngày tháng vừa chập chững vào đời, cô đã phải sống cùng bóng đêm và sự e ngại, rụt rè khi một mình trong căn nhà vắng. Đôi khi chợt quay đầu nhìn lại, nỗi sợ hãi vẫn còn trong sâu thẳm đến ám ảnh.

Chiều cuối năm, gió lạnh chợt len lỏi về trên phố, len cả vào con hẻm nhỏ, Duyên so vai trong chiếc áo khoác mỏng, nhón tay lấy một hạt sen nhấm nháp, nghe vị ngọt tan dần trên đầu lưỡi. Trong con hẻm râm ran tiếng gọi nhau, tiếng lanh canh cụng ly chúc tụng ngày cuối năm. Thời khắc này, ai cũng nghĩ đến chuyện yêu thương, sum vầy. Thoảng trong gió chiều mùi bánh chưng nhà ai vừa vớt, mùi trầm hương và cả mùi mứt gừng đương sôi trên bếp thơm lừng cả con hẻm nhỏ. Những cánh ngọc lan bên ô cửa nở bung, khoe những nụ mầm mới nhú. Bên bậc tam cấp cũ úa vàng, ông cụ gục đầu lặng yên trong tiếng chuông gió leng keng, trong nỗi nhớ thương những ngày tháng cũ. Đâu đây bản nhạc xuân xưa cũ da diết cất lên: “Xuân đi rồi xuân đến cho nhân gian đầy lưu luyến...”. Bất chợt ông ngẩng lên nhìn cô, ánh mắt ấm áp, thân thương: “Con à, từ nay cuối tuần về đây ăn với ông bữa cơm”. Cô rưng rưng nhìn ông, chợt thấy mình như được trở lại thuở ấu thơ, trong căn nhà cũ chiều cuối năm khói bay lên từ gian bếp nhỏ. Cô khẽ gật đầu nhoẻn miệng cười nhìn ông: “Ông cháu mình làm mâm cơm cúng cuối năm đi! Giờ con vào bếp xem thiếu gì còn chạy ù ra chợ”. Ông cụ sực nhớ, lập cập đứng lên theo cô vào bếp.

Ngoài kia đất trời cũng đang lặng lẽ vào Xuân...   

VŨ NGỌC GIAO

;
;
.
.
.
.
.