Án thờ Thần Nông dưới cây cổ thụ

.

Như nhiều xóm thôn của nước Việt, người dân làng Thủy Tú (nay là khối Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) từ thuở xa xưa đã có tục thờ cúng Thần Nông - vị thần hiện diện trong tâm tưởng của những người nông dân và luôn đồng hành, chở che, ban phát mùa màng tốt tươi. Những án thờ Thần Nông ở làng Thủy Tú mới được sửa sang để gìn giữ một phong tục đẹp vốn có lâu đời của bà con nơi đây.

Các án thờ Thần Nông đã được ốp đá trông giống như những chiếc bàn đặt giữa thanh thiên bạch nhật. Ảnh: THÁI MỸ
Các án thờ Thần Nông đã được ốp đá trông giống như những chiếc bàn đặt giữa thanh thiên bạch nhật. Ảnh: THÁI MỸ

Dưới tán hai cây sộp cổ thụ cành lá sum sê quanh năm xanh mát sát bờ nam sông Cu Đê là 6 án thờ cúng Thần Nông. Không ai rõ những án thờ này có từ bao giờ nhưng nhiều đời nay, dân làng Thủy Tú chỉ biết chúng đã gắn liền với hai cây sộp già nua hàng trăm năm tuổi.

Theo lời kể của các cụ cao niên nơi này thì ngày xưa ở cái làng cuối dòng Cu Đê là cánh đồng lúa khá lớn. Dân hai xóm Cả, xóm Làng trong làng đều cày cấy, gieo trồng trên cánh đồng này để kiếm lúa gạo. Bên cạnh những thửa ruộng còn có những thảm cỏ xanh mướt để nuôi sống trâu bò làm sức kéo.

Mỗi trưa đứng bóng, những người làm đồng thường tụ tập dưới gốc hai cây sộp để tranh thủ nghỉ ngơi, chuyện trò, trao đổi công việc mùa màng. Rồi một ngày nọ, ngay dưới gốc hai cây sộp, dân làng Thủy Tú xúm nhau đắp các án thờ Thần Nông ban đầu bằng đất, sau đó xây bằng vôi vữa, xi-măng để dâng lễ cúng thần, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của bà con, xóm làng tai qua, nạn khỏi, đất nước thái bình.

Giống như nhiều vùng nông thôn khác, người làng Thủy Tú xưa cũng dựa theo truyền thuyết ra đời của Thần Nông. Theo đó, Thần Nông, còn gọi Viêm Đế ra đời cách đây hơn 5.000 năm, là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân, 6 đời của Hùng Vương thứ nhất. Đây là vị thần được thiên triều cử xuống hạ giới đầu tiên để bày cho người dân biết cày bừa, làm ruộng và trông coi thóc lúa…

Hằng năm cứ vào độ cuối tháng Giêng, khi lúa trên các thửa ruộng uốn câu vàng hươm, dân làng Thủy Tú đổ ra đồng gặt hái gánh về phơi khô rồi xay, giã gạo nấu những chén cơm mới trắng phau dâng cúng Thần Nông ngay tại nhà mình, sau đó mới tập hợp dân làng làm lễ cúng lớn tại các án thờ dưới gốc hai cây sộp. Các mâm cỗ ngon nhất được nấu nướng từ cây nhà, lá vườn đều được mang tới làm lễ cúng thần. Cùng với phần lễ cúng tỏ lòng biết ơn công lao của ông tổ nghề nông, cầu xin phước lộc còn có phần hội hạ điền khá long trọng.

Để chuẩn bị phần hội, dân làng Thủy Tú cử một vị cao niên, râu tóc bạc phơ như ông tiên giáng trần đóng vai Thần Nông với quần áo, mũ mão chỉnh tề dẫn theo sau hàng chục nông dân xuống đồng cày cấy. Như thường lệ, lễ hội Thần Nông được dân làng Thủy Tú cử hành hằng năm, trải qua bao thời gian với nhiều biến cố, thăng trầm, giặc giã chiến tranh, ruộng đồng hoang hóa, phong tục, tín ngưỡng này dần bị mai một, đứt gãy. Song thi thoảng cũng có người nhớ nhung, thương cảm vị thần đã gắn bó, đồng hành suốt đời với người nông dân cơ cực nên mang hương hoa, quả ngọt tới đặt tại các án thờ giữa cánh đồng cúng kính trong không gian quạnh hiu, lặng lẽ.

Theo sách Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn thì những người làm các quyển lịch hằng năm ngày xưa thường vẽ trên các tờ lịch về một đứa trẻ mặc quần đùi, đội nón cời ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu gặm cỏ giữa đồng nội. Hình ảnh này chứa đựng hàm ý mục đồng chính là vị Thần Nông còn con trâu là biểu tượng của nghề nông. Bức vẽ mục đồng ung dung trên lưng trâu cũng liên tục được thay đổi hằng năm theo sự dự đoán của Khâm Thiên Giám (cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm âm dương, bói toán, các hiện tượng thiên văn, thời tiết, làm lịch, coi ngày giờ, định thời gian vụ mùa cho dân) trong triều đình thông báo về những vụ mùa năm đó tốt hay xấu.

Năm nào được Khâm Thiên Giám đoán bội thu thì phải vẽ mục đồng ăn bận, giày dép tử tế, đàng hoàng; còn năm nào được phán hạn hán, thiên tai, mùa màng thất bát thì phải vẽ hình ảnh mục đồng lôi thôi, hình dáng như đang hấp tấp, vội vàng, đôi chân chỉ mang có một chiếc dép. Hình vẽ con trâu cũng tùy thuộc theo năm mà tô màu cho tương xứng như trắng, xanh, đen, đỏ, vàng ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Tháng 11-2007, dự án khu đô thị du lịch Thủy Tú được cấp phép xây dựng, cánh đồng hoang sơ được san lấp, xây dựng với nhiều hạng mục kết cấu hạ tầng, người dân càng ít lui tới các án thờ thần Nông, cỏ dại phủ lấp và trở thành hoang phế. Đầu năm 2020, một ngôi chùa khang trang mọc lên bên cạnh hai cây sộp cổ thụ và các án thờ Thần Nông rêu phong, hư hỏng theo thời gian cũng được ốp đá trông giống như những chiếc bàn đặt giữa thanh thiên bạch nhật. Các án thờ Thần Nông này hiện tại nằm trong khuôn viên của nhà chùa, có tường rào bao bọc xung quanh.

Tuy không còn lễ lạt, dâng cúng như trước kia, song cứ vào ngày 25 tháng Giêng cũng có một số người cao niên mang hoa quả tới đặt lên các án thờ để bày tỏ tấm lòng thành với vị thần của người nông dân bao đời nay bởi đây là ngày mà từ thuở xa xưa dân làng Thủy Tú nấu những chén cơm lúa mới, mang tới gốc hai cây sộp để cúng Thần Nông rồi sau đó khai lễ xuống giống cho vụ mùa sau.

Như vậy, trải qua nhiều năm tháng, các án thờ Thần Nông của bà con chân lấm tay bùn làng Thủy Tú tưởng chừng dần trôi vào quên lãng đã được tu sửa, bảo tồn. Thờ cúng Thần Nông không chỉ là phong tục, tâm linh đậm sắc màu văn hóa làng quê của người nông dân lam lũ mà còn đề cao việc trọng nhà nông và nghề nông. “Dĩ nông vi bản” (Lấy nghề nông làm gốc), “Phi nông bất ổn” (Không phát triển nông nghiệp thì xã hội không ổn)... là những câu thành ngữ  mà các bậc tiền nhân đã khẳng định vị trí quan trọng của nền nông nghiệp nước nhà.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.