Người Đà Nẵng vinh danh Nguyễn Đình Chiểu bằng việc đặt đường phố mang tên ông vào năm 2003 ở quận Ngũ Hành Sơn. Con gái Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Anh cũng được người Đà Nẵng đặt tên đường cùng năm 2003 ở quận Sơn Trà.
Tuyến đường mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris (Pháp) chính thức thông qua hồ sơ khoa học danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023. Sắp tới, Bến Tre sẽ thay mặt cả nước tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu và lễ kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào ngày 1-7-2022.
Thưởng thức truyện thơ Lục Vân Tiên bằng mắt và tai
Có thể nói, thế giới biết đến Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu qua truyện thơ Lục Vân Tiên - một trong không nhiều sáng tác văn chương trung đại của nước ta được dịch ra tiếng Pháp từ rất sớm - với bản dịch sớm nhất của Gabriel Aubaret vào năm 1864 in trên Á châu Tạp chí (Journal Asiatique), lời giới thiệu của dịch giả trong đó có câu: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam Kỳ không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền”; vào năm 1985 được Takeuchi Yonosuke dịch ra tiếng Nhật; năm 2016 được Éric Rosencrantz dịch ra tiếng Anh…
Nhiều thế hệ học sinh lớp 8 ở Đà Nẵng trước năm 1975 đã được học truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (theo chương trình môn Quốc văn của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa áp dụng từ năm học 1969-1970) với các trích đoạn như Vân Tiên gặp Nguyệt Nga, Thương ghét việc đời, Vương Tử Trực mắng cha con Võ Công và một bài tổng kết toàn bộ tác phẩm này… Sau năm 1975, nhiều thế hệ học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng cũng đã được học truyện thơ Lục Vân Tiên với hai trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên gặp nạn.
Truyện thơ Lục Vân Tiên cũng thu hút sự quan tâm của giới lý luận phê bình văn chương ở thành phố bên sông Hàn. Một người Đà Nẵng là nhà văn Nguyễn Văn Xuân, từ thập niên 1960 của thế kỷ trước, đã chỉ ra sự khác biệt về tiếp nhận nghệ thuật đối với truyện thơ Lục Vân Tiên khi cho rằng công chúng văn học thưởng thức Lục Vân Tiên không chỉ bằng cái mắt độc giả mà còn và chủ yếu là bằng lỗ tai thính giả: “Văn Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho văn miền Nam để đọc chứ không hẳn để xem. Đó là văn nặng trình diễn như truyền thống của loại văn ấy. Và giá trị lớn của nó chính nằm trong phản ứng của người đọc (chứ không phải xem) và của khán giả. Chính Nguyễn Đình Chiểu, khi mù lòa cũng sáng tạo nó bằng lời nói rồi nhờ người chép lại”.
Chính vì tính chất trình diễn của Lục Vân Tiên mà tại Hội thảo Khoa học quốc tế Trung Quốc - ASEAN lần thứ hai về lý luận văn học và nghệ thuật với chủ đề “Tự tin và đối thoại: Xây dựng lý thuyết và phương pháp tiếp cận thực hành đổi mới văn học và nghệ thuật” - sinh hoạt học thuật quốc tế đầu tiên nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, do Trường Đại học Nhân văn thuộc Đại học Nghệ thuật Quảng Tây, Hiệp hội Phê bình văn học và nghệ thuật Quảng Tây, Hiệp hội Viết văn Quảng Tây tổ chức vào ngày 16-12-2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, TS. Phạm Văn Luân của Trường Cao đẳng Bến Tre đã trình bày tham luận “Truyền dạy nói thơ Vân Tiên ở Bến Tre và Nguyễn Đình Chiểu”.
Thập niên 1990, người viết bài này cũng từng mạo muội Minh oan cho Bùi Kiệm đăng Báo Thanh Niên nguyệt san, sau đó in trong trong sách Nghĩ dọc sông Hàn (NXB Đà Nẵng, 2004) khẳng định: “Trong thế giới nghệ thuật của Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm có một số phận riêng khó lẫn (…) Có thể nói mối quan hệ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga là một cuộc đuổi bắt “đèn cù” của tình yêu đơn phương: Bùi Kiệm yêu Kiều Nguyệt Nga, Nguyệt Nga yêu Vân Tiên, còn Vân Tiên thì… Trong vòng quay đèn cù đó, Bùi Kiệm là người có lỗi, đúng vậy, nhưng đó là lỗi nhịp với tình chứ không lỗi lầm với nghĩa”.
Người Đà Nẵng vinh danh Nguyễn Đình Chiểu
Không chỉ giới lý luận phê bình mà giới sáng tác cũng quan tâm tới truyện thơ Lục Vân Tiên. Từ đầu thập niên 1940, một người Đà Nẵng là nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ đã sáng tác vở tuồng Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trong đó trích đoạn Kiều Nguyệt Nga cống Hồ được Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn tối 24-1-2013, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tống Phước Phổ.
Đây là khoảng thời gian Tống Phước Phổ cùng Nguyễn Lai và Ngô Thị Liễu lập gánh hát Tân Thành, chắc rằng vở tuồng chuyển thể từ truyện thơ của Nguyễn Đình Chiều đã có dịp ra mắt khán giả Đà Nẵng nói riêng, khán giả đất Quảng nói chung. Cũng xin nói thêm, năm Đinh Dậu 1897 niên hiệu Thành Thái thứ 9, ấn bản truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu với nhan đề Vân Tiên cổ tích truyện còn được một người Quảng Nam làm việc trong triều đình Huế là Lê Đức Trạch vẽ 134 tranh minh họa - chuyển thể ngôn ngữ thi ca của truyện thơ Lục Vân Tiên thành ngôn ngữ hội họa.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ mù, nên không phải ngẫu nhiên mà cuối năm 1992, khi thành lập trường học chuyên nuôi dạy trẻ em khiếm thị trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm, UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã đặt tên là Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam Đà Nẵng. Đến năm 2004, trường chuyển sang cơ sở mới trên đường Lý Chính Thắng, đổi tên thành Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng và đối tượng nuôi dạy không chỉ là trẻ em khiếm thị mà còn được mở rộng đến trẻ em khuyết tật nói chung.
Ngoài ra, trên địa bàn quận Thanh Khê cũng có một trường THCS mang tên Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1975 - tiền thân là Trường Trung học Lê Bảo Tịnh thành lập năm 1967. Người Đà Nẵng còn vinh danh Nguyễn Đình Chiểu bằng việc đặt đường phố mang tên ông vào năm 2003 ở quận Ngũ Hành Sơn. Con gái Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Anh cũng được người Đà Nẵng đặt tên đường cùng năm 2003 ở quận Sơn Trà.
Không biết thời gian ra Huế học và nhất là khi khóc thương mẹ mất đến nỗi mù hai mắt, chàng thư sinh Nam Kỳ Nguyễn Đình Chiểu có lần nào ghé đến thành phố bên sông Hàn hay chưa? Sách Những người thầy trong sử Việt do Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Như Mai biên soạn (NXB Kim Đồng, 2016) có chép rằng, trên đường vào lại Nam Kỳ chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu ghé lại nhà một lương y ở Quảng Nam để chữa mắt nhưng mọi thứ đã quá muộn, có điều trong thời gian chữa bệnh, Nguyễn Đình Chiểu đã kịp học được nghề trị bệnh cứu người từ vị thầy thuốc xứ Quảng…
Câu chuyện này khiến người Đà Nẵng càng thêm yêu quý tác giả Lục Vân Tiên, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc và Ngư Tiều y thuật vấn đáp - không chừng vị thầy thuốc xứ Quảng năm xưa chính là cảm hứng nghệ thuật để Nguyễn Đình Chiểu sáng tạo nên nhân vật thầy thuốc Nhân Sư trong truyện thơ Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Nguyễn Đình Chiểu quê gốc Thừa Thiên Huế, sinh ra ở quê ngoại là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cuối đời dạy học, làm thơ và đi về cõi vô cùng ở Bến Tre nên cũng có thể xem tác giả Lục Vân Tiên là người Bến Tre. Từ lâu, Bến Tre đã vinh danh thầy-giáo-thầy-thuốc-nhà-thơ Nguyễn Đình Chiểu. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đà Nẵng mang tên Thái Phiên, Quảng Nam mang tên Trần Cao Vân, Hà Nội mang tên Hoàng Diệu và Bến Tre mang tên Đồ Chiểu... |
BÙI VĂN TIẾNG