Tần Hoài Dạ Vũ - một trái tim cống hiến không mệt mỏi

.

Tần Hoài Dạ Vũ say sưa cống hiến hết mình cho nền văn học nước nhà, cho sự nghiệp giáo dục và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên đất Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ở những ngôi trường mà ông đã học và từng giảng dạy.

Nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tần Hoài Dạ Vũ. (Ảnh: Facebook nhân vật)
Nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tần Hoài Dạ Vũ. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Trong giới văn chương, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ là một tên tuổi lớn. Người ta biết đến tên tuổi của Tần Hoài Dạ Vũ khi ông còn là học sinh học lớp đệ tam (lớp 10) tại Trường Quốc học Huế, với những bài thơ trên các tạp chí văn học nổi tiếng ở miền Nam từ năm 1963 và những năm sau đó. Bài thơ đầu tiên Giã từ quá khứ ký tên Tần Hoài Dạ Vũ, in trên tạp chí Bách khoa số 105 ra ngày 15-5-1963 với nhuận bút 100 đồng. Số in kế tiếp đăng Bài ca mùa hạ, ông được trả nhuận bút 200 đồng. Từ đó, ông đĩnh đạc bước vào làng thơ.

Tần Hoài Dạ Vũ (tên thật là Nguyễn Văn Bổn, quê gốc Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà báo… Ông say sưa cống hiến hết mình cho nền văn học nước nhà, cho sự nghiệp giáo dục và hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên đất Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ở những ngôi trường mà ông đã học và từng giảng dạy.

Dù mùa xuân 2022 này đã bước sang tuổi 76 nhưng Tần Hoài Dạ Vũ vẫn say sưa với công việc sáng tác và không ngừng dành tâm hồn, tình thương cho các em học sinh, cho lớp trẻ hiện nay.

Về các tác phẩm của Tần Hoài Dạ Vũ, ở mảng biên khảo, nghiên cứu, ông có: Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (tập 1 - năm 1983, tập 2 - năm 1984), Văn học dân gian Quảng Nam miền biển (năm 2001), Văn học dân gian Quảng Nam miền núi (Truyện cổ các dân tộc thiểu số, năm 2004), Truyện cười Thủ Thiệm (1987), Văn học dân gian huyện Tiên Phước (2005), Thủ Thiệm - tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng (2007). Và ông còn có “bộ sách của một đời người” (như cách nói của chính tác giả) Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (gồm 4 tập, trên 2.000 trang in) - một bộ sách mà theo nhiều nhà phê bình là “không thể thiếu trong thư viện các trường trung học và đại học”.

Các tác phẩm văn xuôi của ông bao gồm: Chân dung thơ, Phác họa chân dung một thế hệ (có sự cộng tác của Nguyễn Đông Nhật), Cánh hoa điền dã (2020), Nhìn qua năm tháng (2021)...

Tập thơ mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ được bán để làm công tác thiện nguyện.
Tập thơ mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ được bán để làm công tác thiện nguyện.

Các tác phẩm thơ: Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (1992), Ngọn lửa quạnh hiu (1996), Tình yêu và vầng trăng lửa (1997), Suy niệm hoàng hôn (2005), Tình ca trong mưa (2011), Thơ Tần Hoài Dạ Vũ (thi tuyển, 2016), Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (2018) và Phút giây vĩnh cửu (2022). Ngoài ra, thơ của Tần Hoài Dạ Vũ còn có mặt trong gần 60 tuyển tập thơ xuất bản trong và ngoài nước...

Dù cao tuổi nhưng sức làm việc, sự tận tụy, tình yêu thương và lòng nhân ái của Tần Hoài Dạ Vũ là không có tuổi... Chỉ riêng đầu năm 2022 này, ông đã dùng số tiền bán tập thơ văn xuôi Phút giây vĩnh cửu để tặng 56 phần học bổng, mỗi phần là 1 triệu đồng tiền mặt cho 56 học sinh nghèo vượt khó của 4 trường: Trường THPT Trần Quý Cáp (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), Trường THPT Trần Cao Vân (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên Huế). Đến ngày 17-1-2022, ông bán 267 cuốn sách và được bạn đọc gần xa ủng hộ quỹ học bổng do nhà thơ khởi xướng với số tiền 55 triệu đồng.

Cả cuộc đời của ông là sự cống hiến không ngừng nghỉ cho nền văn học và giáo dục nước nhà. Trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, từ thơ, nhiều học sinh nghèo có được niềm vui đón Tết trong tình thương yêu của một nhà thơ - nhà giáo tận tụy với đời.

PHÙNG TRANG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.