TỔ ẤM

Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ

.

Cùng với giáo dục nhà trường và xã hội, giáo dục gia đình là then chốt trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Nếu cha mẹ nuôi dạy con cái theo hướng tích cực sẽ giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với con để hiểu và nắm bắt những thay đổi tâm lý, tính cách để uốn nắn kịp thời.Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với con để hiểu và nắm bắt những thay đổi tâm lý, tính cách để uốn nắn kịp thời.Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

Trẻ sinh ra thường xuyên tiếp xúc nhiều với cha mẹ và có khả năng bắt chước, thể hiện lại tất cả những biểu hiện, lời nói, cử chỉ, cảm xúc tích cực hay tiêu cực từ cha mẹ. Đặc biệt, những năm đầu đời, trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh. Chúng thu nạp những kiến thức từ những thói quen rất đơn giản trong gia đình nên cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách của trẻ.

Nhà tâm lý trị liệu Meri Wallace, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tâm lý Người lớn và Trẻ em (Mỹ), cho rằng: “Tính cách của trẻ ảnh hưởng một phần bởi cách cha mẹ đối xử với con. Mà cách cha mẹ đối xử với con lại phụ thuộc vào thứ tự sinh của trẻ”.

Định hình tính cách của trẻ từ cha mẹ

Chia sẻ về cách dạy con, chị Nguyễn Nhật Lệ (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: “Mỗi đứa trẻ có mỗi tính cách khác nhau. Là cha mẹ, tôi luôn nghĩ mình có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia định hướng tính cách của con. Vì vậy, tôi luôn theo dõi, quan sát từng hành động, cử chỉ của con để có thể uốn nắn theo từng độ tuổi. Chẳng hạn, khi còn nhỏ, nếu con có các biểu hiện như ăn vạ, nhõng nhẽo đòi đồ chơi, lúc đó tôi thường ít khi chiều theo bé và có thể làm lơ hoặc đi chỗ khác cho đến khi bé tự nín và chạy lại ôm mẹ. Sau đó, tôi giải thích cặn kẽ cho bé hiểu. Không phải cái gì bé đòi thì tôi cũng mua, mà chỉ mua những cái cần thiết. Tuy nhiên, khi con làm được nhiều việc tốt, có ích, thì tôi sẽ thưởng cho con một món đồ con thích”.

Chị Nhật Lệ luôn dành thời gian rảnh để trò chuyện với con và tranh thủ cuối tuần đưa con đi chơi, khám phá những nơi gần gũi thiên nhiên để con biết về thế giới xung quanh, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người nên bé khá vui vẻ và thân thiện. Bên cạnh đó, chị Nhật Lệ khuyến khích con làm những việc tốt như giúp mẹ chăm em hay tự giác ngồi vào bàn học.

“Con tôi hiện hơn 7 tuổi, đây là độ tuổi đang dần hình thành tính cách, nhân cách với những nếp sống, thói quen. Chính lúc này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Để động viên bé, tôi thường thưởng quà cho con khi con đạt điểm tốt. Trong lúc con học trực tuyến, tôi khuyến khích bé giơ tay phát biểu để tự tin hơn. Nếu cô có các hoạt động như vẽ tranh, hát, hay làm bất kỳ hoạt động sáng tạo như làm thiệp, cắt dán..., tôi đều cố gắng dành thời gian tham gia hỗ trợ để con vừa biết cách làm, vừa tự tin. Đặc biệt, bé khá nóng tính, khi lắp ghép đồ chơi mãi không được thì hay có thái độ bực dọc, thậm chí ném đồ chơi đi. Lúc đó, tôi bình tĩnh giải thích cho con hiểu. Nhiều lần như vậy, tôi thấy bé dần kiên nhẫn hơn”, chị Lệ chia sẻ.

Trong khi đó, chị Huỳnh Bình An (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho rằng, hành vi và thái độ ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến con cái nên cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con. “Khi sinh con rồi, cha mẹ tự khắc thay đổi bản thân, cố gắng sống tốt hơn. Phải ở trong tình huống của mỗi gia đình mình mới điều tiết được hành vi của mình trước con cái. Dạy con thì tôi luôn chú trọng tình yêu thương, không áp đặt con phải tài giỏi, không áp lực học hành. Cha mẹ phải làm gương từ những việc nhỏ, đơn giản như không cãi nhau trước mặt con, cư xử tôn trọng nhau, cố gắng làm việc và yêu thương người thân của mình”, chị Bình An giải thích.

Cha mẹ là tấm gương mẫu mực

Là giáo viên thường xuyên tiếp xúc hằng ngày với học sinh, cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho rằng, cha mẹ là người thầy đầu tiên của con. Thất bại lớn nhất của cha mẹ là thất bại trong việc dạy con. Có 3 báu vật để phát triển nhân cách một con người, đó là: Thầy hiền trí, tủ sách tinh hoa, nhóm bạn tốt. Phương pháp hữu hiệu nhất để giáo dục nhân cách con cái chính là thân giáo. Tức là, cha mẹ phải tự giáo dục mình trước và phải làm gương từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động.

Để trau dồi kiến thức về nuôi dạy trẻ, ngày 22-1-2022, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu đã tổ chức buổi chia sẻ trực tuyến về kỹ năng sống nghị lực cho phụ huynh. “Buổi chia sẻ xoay quanh những tấm gương về nghị lực sống mạnh mẽ, sống có ích, tại sao phải rèn nghị lực và cách rèn nghị lực như thế nào. Từ đó, cha mẹ có thêm kiến thức hỗ trợ rèn nghị lực cho mình và cho con cái. Thông qua các buổi họp phụ huynh, nhiều phụ cho biết bước đầu họ đã có sự thay đổi về nhận thức. Tuy nhiên, để có nghị lực là cả quá trình và cần có nhiều lực lượng cùng tham gia tích cực, bền bỉ thì mới có sự thay đổi”, cô Vân chia sẻ.

Còn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho rằng, cha mẹ là thần tượng của con bởi mỗi đứa trẻ sinh ra thì hình ảnh bé thấy đầu tiên là cha mẹ. Hành vi của cha mẹ có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ. Tình cảm gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên, là tiền đề để đứa trẻ trở thành một công dân tốt.

“Cha mẹ chính là tấm gương đầu đời gần gũi nhất với con, hành vi của trẻ học qua việc bắt chước hành vi người lớn; những gì cha mẹ làm, con sẽ quan sát, học hỏi và từng bước đi sâu vào tiềm thức, hành động. Nói cách khác, khi cha mẹ là tấm gương mẫu mực sẽ là tiền đề, điều kiện quan trọng để con cái trở thành những người có nhân cách tốt. Ngược lại, nếu con cái học cách cư xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực đạo đức từ cha mẹ, từ gia đình thì khi lớn lên phần nào đó con trẻ cũng sẽ cư xử giống cha mẹ mình”, Nhà giáo ưu tú Thư Trâm khẳng định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.