Cây Di sản ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn

.

* Trước chùa Tam Thai ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), tôi thấy tấm bảng đá nhỏ khắc logo Cây Di sản Việt Nam, bên dưới ghi “02 cây bàng”. 2 cây bàng này đạt những tiêu chí nào mà được công nhận là Cây Di sản Việt Nam? Ở quận Ngũ Hành Sơn còn có cây nào đạt cùng danh hiệu? (Trần Văn Bằng, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Cây bàng âm 350 năm tuổi bên lối vào tam quan chùa Tam Thai đang vào mùa thay lá với thân có nhiều cây nhỏ sống ký sinh. Ảnh: V.T.L
Cây bàng âm 350 năm tuổi bên lối vào tam quan chùa Tam Thai đang vào mùa thay lá với thân có nhiều cây nhỏ sống ký sinh. Ảnh: V.T.L

- Hai cây bàng (một âm, một dương) này đứng hai bên lối dẫn vào tam quan chùa Tam Thai, ngay đầu dốc dẫn xuống cổng Một trên ngọn Thủy Sơn của Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Dưới gốc cây bàng bên trái (theo hướng chùa nhìn ra) có tấm bia đá nhỏ công nhận Cây Di sản, có thêm tiếng Latinh của cây bàng - Terminalia Catappa L.

Ngày 18-3-2010, tại hội nghị “Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn”, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã chính thức phát động sự kiện “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, thiết thực bảo vệ những nguồn gen quý hiếm, góp phần tích cực bảo vệ, môi trường Việt Nam hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại hội nghị, VACNE đưa ra các tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam đối với 3 loại cây: A - cây tự nhiên (sống trên 200 năm); B - cây trồng (sống trên 100 năm); C - các cây khác. Để được công nhận là Cây Di sản, ngoài tầm vóc cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, cây phải thuộc các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử. Riêng đối với nhóm C (các cây khác), cây tuy không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hóa, hoặc mỹ quan; cây gần đạt các tiêu chí nhóm A, B nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc văn hóa, hoặc lịch sử, hoặc mỹ quan.

Khi cây đạt các tiêu chí, VACNE sẽ vinh danh tại trang vacne.org.vn (Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam), trong đó nêu rõ về lý lịch đại thụ được vinh danh cùng các thông tin cập nhật thường xuyên về sức khỏe, tình hình quản lý bảo vệ Cây Di sản và các vấn đề liên quan. Cùng với đó, sẽ đặt bia đá công nhận tại gốc Cây Di sản nêu rõ tên gọi Việt Nam, tên Latinh...

Về Cây Di sản ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn, theo Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, tháng 11-2016, VACNE đã ban hành quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với 4 loài gồm 7 cây cổ thụ tại ngọn Thủy Sơn. Cây đa sộp hơn 600 tuổi, “cao niên” nhất ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn, nằm sau lưng chùa Linh Ứng. Cây thị có tuổi đời 205 năm, ở sau chùa Tam Thai, đang xanh tốt, hằng năm vẫn ra hoa và kết trái. Cụm 3 cây bồ kết hiện vẫn sống bình thường trong khu vực động Tàng Chơn, có tuổi đời 210 năm, 200 năm và 160 năm.

Riêng 2 cây bàng ở phía trước chùa Tam Thai, cây bàng âm (người địa phương gọi là cây cái, bên trái) có tuổi đời hơn 350 năm, cây bàng dương (cây đực, bên phải) có tuổi đời 240 năm. Thân có nhiều cây nhỏ sống ký sinh, 2 cây bàng này nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên, tạo dáng đẹp và tỏa bóng mát che lối vào “Tam Thai quốc tự” cùng với những chuyện tích mang đậm truyền thuyết dân gian.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.