Góc nhớ

Mùa xoan nở rộ

.

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy” (Mưa xuân - Nguyễn Bính).

Hoa xoan lặng lẽ khiêm nhường với sắc tím nhẹ nhàng. Ảnh: baotintuc.vn
Hoa xoan lặng lẽ khiêm nhường với sắc tím nhẹ nhàng. Ảnh: baotintuc.vn

Tháng ba về giữa màu nắng xuân ươm vàng trên từng ngọn cây, chiếc lá nơi đầu ngõ; tháng cuối của mùa xuân cũng là tháng của những loài hoa đơm bông nở rộ với hàng loạt sắc màu: màu đỏ cam của hoa chuông, màu vàng mịn màng của chùm hoa hoàng yến, màu vàng rực của chậu vạn thọ, màu đỏ xen trắng của chùm sử quân tử đang thả dọc ban công nhà ai… Giữa những màu sắc rực rỡ của những loài hoa ấy, hoa xoan lặng lẽ khiêm nhường với sắc tím nhẹ nhàng phủ khắp những con đường ngõ xóm quê tôi.

Thật lạ kỳ, đầu mùa xuân, nhìn những cành cây khẳng khiu trụi lá, ta cứ tưởng xoan dửng dưng trước lời mời gọi của những giọt mưa nhè nhẹ, ve vuốt như bàn tay mẹ hiền xoa đầu tuổi bé thơ. Giữa xuân, khi bông hoa cúc cuối vườn đã rã cánh, từ nách của những cành xoan, những đám lá mọc ra xanh mướt, và chỉ vài ngày sau thì những chùm hoa tím nhạt bắt đầu bung tỏa.

Đạp xe theo những con đường bê-tông, len lỏi qua những xóm làng, dọc theo bờ sông, nhìn những chùm hoa xoan nở rộ trên tán lá xanh non, ta cứ ngỡ mây trời đang sà xuống thấp. Đi bộ ven theo con đường ven sông, nhìn dòng nước sáng tinh sương tĩnh lặng như mặt hồ, ta nghe thoang thoảng đâu đây mùi hương ngai ngái của hoa xoan.

Hương xoan thoáng nhẹ, nhưng mỗi khi loài hoa này bung nở là lúc khí hậu chuyển giao từ lạnh căm căm sang se se, mỗi sáng sớm thức dậy ra đường không còn khoác chiếc áo bông dày sụ mà chỉ cần một chiếc áo gió là đủ ấm toàn thân. Bước giao thời ấy cũng là lúc những căn bệnh dị ứng tái phát ở người già và trẻ em đúng mùa xoan nở nên các bà, các mẹ ngửi mùi hoa này và cho rằng chúng rất độc, là nguyên nhân của các chứng cảm mạo, ho gió...

Có phải vì thế mà trong vườn nhà, ba tôi cứ thấy xoan là đốn, chỉ còn đôi cây mọc hoang sát bờ ruộng, nằm ở mé vườn. Không cần chăm bón phân tro, loài cây kiên cường bám đất và cứ hẹn lại lên, khi mùa xuân đang vào độ chín, chúng lặng lẽ bung chùm hoa nhí thật xinh. Loài hoa ấy ở quê tôi đặt tên là thầu đâu, một số nơi khác gọi là sầu đông. Nhưng dù mang tên gì đi nữa, hoa xoan vẫn khiêm nhường nở, dâng hương sắc không màng đến thái độ người đời…

Thuở bé, vào những ngày đầu hè, lũ chúng tôi vẫn thường rủ nhau quanh quẩn dưới gốc xoan nhặt những chùm quả rụng, mỗi quả cỡ bằng ngón tay người lớn, da trơn láng, màu vàng như màu nắng. Bao trò chơi từ những quả xoan xinh đẹp ấy, nào đồ hàng, ô làng, ném hạt... Còn bọn con trai thì vít cành xuống chọn những chùm quả xanh làm đạn cho chiếc ná thun. Với đường ngắm thật chuẩn, những viên đạn từ những quả xoan đôi khi lỡ trúng bả vai cũng khá đau và các anh chàng kia không bị đấm trả thì cũng bị phạt nặng vì giọt nước mắt bắt đền của cô bé nhà bên.

Những ký ức của thời trẻ trâu cứ hiển hiện trong tôi mỗi khi nhìn lùm xoan đang trĩu quả. Đơm hoa kết trái là quy luật sinh tồn của vạn vật, cũng như con người vậy, ai cũng lớn lên, đi học, đi làm, rồi tạo dựng gia đình... Hoa xoan lặng thầm nở dâng cho đời một sắc hương riêng. Đến khi cây cứng cáp, thân nó được đốn hạ để làm cây đằng đông, làm cột chống đỡ cho những mái nhà ở thôn quê thuở xưa thêm vững chãi khi mùa mưa lũ bắt đầu. Vạn vật mỗi loài đều góp sức cho đời theo một cách riêng.

Con người cũng thế, hãy sống như những đóa hoa, dù nở một lần nhưng sẽ mãi là khoảnh khắc kỳ diệu nhất. Nhìn loài hoa thầm kín nở rồi tạo hạt, khi quả rụng, hạt sẽ vùi trong đất tìm giọt nước hiếm hoi giữa đất dai khô cằn để bén rễ sinh cây, mà nhớ lời của Cao Bá Quát thuở nào: “Đời người há không viết gì lên đấy, như một tấm bia không có chữ”.

NGUYỄN THỊ THU THỦY
 

;
;
.
.
.
.
.