Sau mỗi chuyến đi...

.

Tôi nói với bạn, lâu rồi chưa đi du lịch. Bạn bảo giờ mà nghĩ đến việc đi du lịch là còn xông xênh lắm, hưởng thụ lắm. Chứ như bạn, sau đợt cao điểm dịch bệnh, cuộc sống bình thường mới, ai nấy lại tất bật với công việc của mình. Bận rộn cho thỏa mong muốn của những ngày “ai ở đâu thì ở đó”; bận rộn để bù đắp lại khoản kinh tế thiếu hụt; bận rộn còn vì nhu cầu mưu sinh tất yếu… Vậy nên, du lịch là ý nghĩ xa vời lắm, có khi phải vài năm nữa, ổn ổn kinh tế hơn mới dám nghĩ đến.

Trong mắt bạn, du lịch chỉ dành cho những người nhàn nhã, tiền bạc xông xênh. Mà đúng thật. Vài lần đi tour nước ngoài, tôi nhận ra họ đi du lịch không phải chỉ tốn tiền tour như tôi, mà còn rất nhiều tiền cho việc mua sắm, giải trí, trải nghiệm nhiều thứ trong chuyến đi...

Tôi thường đi du lịch như một cách tự thưởng cho mình sau những dự án công việc, hoặc đơn giản chỉ để nạp năng lượng cho tháng mới, cho những công việc mà biết trước sẽ chẳng thể đi đâu được trong thời gian dài… Nếu đi du lịch trong nước, tôi tự đi để có thể trải nghiệm trọn vẹn nhất mọi khung cảnh, ẩm thực, khám phá theo cách riêng của mình. Chỉ khi đi du lịch nước ngoài, tôi mới đi tour cho tiện thủ tục. Tôi không thích đi tour vì lịch trình đều phụ thuộc vào tập thể, mà tập thể trong một hành trình tour là những người xa lạ. Ai nấy hưởng thụ theo cách riêng của mình và chín người mười ý.

Một lần tôi gặp tình huống dở khóc dở cười. Tôi đi lẻ và phải ở ghép phòng với người lạ. Buổi tối, người ở cùng hồn nhiên gọi điện thoại video lần lượt cho người thân, nói cười thoải mái như đang ở một mình, lại không đeo dây nghe. Hiển nhiên dù muốn dù không, tôi nghe trọn cuộc gọi từ hai đầu dây, cứ như vậy lặp lại mỗi tối cho đến lúc chìm hẳn vào giấc ngủ.

Khi ấy, lần đầu tiên tôi nhẫn nại tìm ra biện pháp để vượt qua trong những ngày ở nơi đất khách. Tôi nhớ một kiến thức mang tính tâm linh, nhưng trong hoàn cảnh này lại thấy thực tế: “Luôn có bài học nào đó sau những tình huống mà vũ trụ muốn nhắn nhủ đến mình, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Vậy ta nghĩ xem bài học lần này là gì?”.

Và tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là chấp nhận sự khác biệt, rằng không phải ai cũng giống mình. Mỗi người mỗi cá tính khác nhau. Trong xã hội, thậm chí là những người thân yêu trong gia đình mình cũng vậy. Tính cách của con người được hình thành từ môi trường xung quanh, văn hóa, gia đình và đó là những điều đã cài đặt sẵn trong vô thức…, nên đâu thể bắt mọi người giống mình. Biết đâu mình cũng trở thành mẫu hình gây chướng mắt họ ở ngữ cảnh nào đó?

Sau chuyến du lịch ấy, tôi trở về nhà với niềm hào hứng của sự thay đổi: mình sẽ là một con người khác, bớt cằn nhằn hơn, dễ dàng chấp nhận điều khác biệt giữa con người để không mang về cho mình sự khó chịu từ những điều bất như ý tương tự.

Cứ như vậy, sau mỗi chuyến đi, ngoài mục đích nghỉ ngơi, ngắm cảnh, khám phá ẩm thực, nạp thêm năng lượng cho mình, tôi còn rút ra những bài học cần thiết áp dụng trong đời sống của mình. Vậy nên, đi du lịch với tôi quan trọng như một công việc cần thiết trong cuộc sống. Đi để khi trở về, tôi có một tâm thế mới, cách nhìn mới hài hòa, cõi lòng cũng rộng mở để có thể mỉm cười với cuộc đời nhiều hơn!

Và một điều hiển nhiên, khi ta mỉm cười với cuộc đời, cuộc đời sẽ mỉm cười lại với ta. Vậy nên, mỗi người hãy tự mang về cho mình niềm vui, nụ cười, theo cách phù hợp với chính mình, để đón ánh mặt trời mỗi sớm trong niềm hân hoan tươi mới nhất!

Các đường bay của Việt Nam đã mở từ ngày 15-2 và dự kiến mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3, đây là tín hiệu vui sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng. Du lịch mở cửa, mang lại sự kết nối giữa con người với thế giới bên ngoài. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, bạn cùng tôi xách ba lô lên vai và đi thôi!

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.