Bỏ đá khỏi vai

.

Chuyện bắt đầu từ hai đứa nhỏ. Tôi gặp chúng giữa đường, trời nắng xối thiếu mây, nắng nắm gai nhọn quăng xuống rát da, hai đứa khệ nệ bưng đá đi không biết để làm gì. Mồ hôi nhễ nhại, chúng bắt đầu cự nự coi đứa nào nãy giờ bưng cục đá bự chảng lâu hơn. Đường về nhà chắc còn xa nên hai đứa nhỏ mới quạu quọ, tưởng tượng mà coi, giữa cái thời tiết đành hanh này đi khiêng một cục đá nặng trịch chậm rì chẳng khác gì hình phạt. Nhìn bộ dạng ướt nhẹp đó, đoán chừng hai đứa đã đi được một khoảng xa.

Với góc nhìn người lớn, tôi thấy đơn giản là hai đứa nó nên chia ra mỗi người bưng một đoạn, thay vì đứng cự nhau giữa trời nắng chang chang. Hoặc không thì tấp vô đâu đó chờ đỡ nắng hết mệt thì đi tiếp. Khi tôi còn ngỡ ngàng, chúng dừng cuộc cãi cọ, cùng nhau bưng cục đá để sát một bờ tường. Rồi chúng hí hửng ù chạy, sau khi thông báo với cục đá (hay cả với tôi) rằng ngày mai tụi tao quay lại bưng mày về. Tôi và cục đá, chưng hửng trước quyết định hết sức lạ kỳ này. Đúng là đồ… con nít!

Nghĩ kỹ thì cách giải quyết này đơn giản mà thú vị. Cục đá đó, cứ để vậy, mai ra bưng về. Có mất đâu. Cứ tha hồ chạy nhảy vui vẻ, mai tiếp tục công đoạn hì hục bưng vác. Sao phải cố gắng tiếp khi đã mệt muốn đứt hơi, khi mọi thứ xung quanh đang tìm mọi cách chống lại mình, mà cảm xúc có vẻ sẽ kéo căng tới mức có thể làm đứt tình bạn hồn nhiên?

Sờ sờ vai mình thấy đau, hình như tôi cũng đang cõng đá. Cục đá của tôi bự chảng, kết tụ từ những buồn, những giận, những hờn chất lại nén lại, từ lúc nào đã quá sức của tôi. Ban đầu, khi nó còn nhỏ xíu, tôi nhún vai coi như chẳng có gì. Thì thật, đã là gì đâu, những chuyện cỏn con hết sức chỉ làm lòng mình rợn lên, nhắm mắt bỏ qua cũng được. Tôi chọn cách lặng im. Cuộc sống mà, hơi đâu nghĩ ngợi nhiều những chuyện vặt vãnh.

Vậy mà tôi không quên chúng hẳn, từng cục đá nhỏ qua ngày tháng tự tìm đến nhau tạo thành khối nặng. Chúng trèo lên vai tôi, bắt tôi cõng chúng, bắt tôi thừa nhận sự tồn tại của chúng. Những cơn giận, và nỗi buồn, không đơn giản là cảm xúc đến rồi đi nữa. Chúng ở lại, lì lợm trì kéo, bắt người ta phải khuất phục chúng. Chúng bắt đầu phủ lên mắt những gam màu nóng, khiến nhìn đâu cũng thấy bứt rứt khó chịu. Chúng cời than, thổi lửa, đốt lên trong lòng những lò hơi hừng hực. Mọi nhu cầu bị lùi lại để chỗ cho chúng. Chúng là nhất. Phải nhớ tới chúng, cõng chúng trên vai, tìm cách giải quyết chúng.

Và thường thì khi đôi mắt cùng suy nghĩ chẳng còn mấy sáng suốt, mọi giải quyết dường như chỉ đưa đến kết cục tồi tệ hơn. Khó có thể đối xử dịu dàng với một ai, khi lửa đã bén tới chân mày và vai đau nhức kêu răng rắc. Khi đó, tôi nóng nảy và quạu quọ. Tôi cứ nghĩ cách làm sao mọi chuyện nhanh qua, đã đi thì đi cho hết đoạn đường khổ ải này, cõng tảng đá tới đích. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể tạm thời đặt chúng xuống. Chúng thôi miên tôi rồi!

Có gì giá trị chứ, nỗi buồn của tôi, cơn giận của tôi? Làm gì có ai thèm thuồng tới và lấy chúng đi khi tôi đặt xuống? Chúng vẫn sẽ ở đó thôi. Chúng chẳng đi đâu được. Còn tôi thì có thể. Tôi có thể đi ăn gì đó, uống một ly cà phê, tắm táp sảng khoái, hay đi dạo một vòng, đi coi một bộ phim, tới vườn thú ngắm nhìn những con nai lười biếng ăn cỏ. Thậm chí, tôi có thể ngủ một giấc, ngày hôm sau quay lại cũng được.

Khi đó, tôi chẳng to lớn thêm chút nào. Cục đá khó ưa kia cũng không nhỏ đi. Nhưng, khi tôi đã có thời gian bình tĩnh và lấy lại năng lượng cho mình, tôi có thể cõng chúng nhẹ nhàng hơn. Tôi tìm ra cách để giải quyết, sáng suốt nhìn nhận vấn đề. Tôi thấy chúng tạo ra bởi những cục đá nhỏ hơn, mình có thể tách ra để xử lý từng chuyện một. Như hai đứa trẻ đó, ngày mai khỏe lại, hớn hở tiếp tục bưng cục đá của chúng về.

Đôi khi, cách giải quyết đơn giản nhất lại là điều chúng ta không thể nghĩ ra, khi chúng ta rối bời. Thì hãy nhìn xung quanh, biết đâu được, khi bắt gặp thông điệp từ cuộc sống, bạn sẽ biết mình cần làm gì để thoát khỏi rắc rối. Tôi đã biết cách bỏ đá khỏi vai, nhờ theo dõi hai đứa trẻ ngây thơ bưng đá trên đường, vào một trưa nắng trời thổi lửa.

PHÁT DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.