CÂY XANH ĐÔ THỊ

Đẩy nhanh xã hội hóa cây xanh đô thị

.

Để tăng mảng xanh đô thị, thành phố tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa phát triển cây xanh, trong đó tập trung xây dựng vườn hoa, vườn dạo nhỏ tại khu dân cư và dành quỹ đất cho cây xanh công cộng.

Phụ nữ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn phường. Ảnh: TIỂU YẾN
Phụ nữ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn phường. Ảnh: TIỂU YẾN

Với chủ trương này, thành phố khuyến khích tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia trồng hoặc tài trợ kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; khuyến khích đầu tư trồng cây mới hoặc cải tạo, nâng cấp cây xanh trong công viên, vườn hoa, khu đất công cộng, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm các quy định về chủng loại cây theo quy hoạch. Cá nhân không tự ý chặt hạ, dịch chuyển cây xanh; khi có nhu cầu trồng mới hoặc thay thế phải xin ý kiến địa phương nơi cư trú…

Nỗ lực từ địa phương

Rộng 2.360m2, khu công viên - vườn dạo Nại Nghĩa (phường Nại Hiên Đông) được UBND quận Sơn Trà đầu tư, xây dựng năm 2021. Sau thời gian tích cực chăm trồng, hơn 5.000 cây xanh (trong đó có khoảng 71 cây ăn quả, lâu năm) đã dần bén rễ, cho nhiều lộc non. Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) - đơn vị chính tài trợ cây xanh - cho biết sau khi được UBND quận Sơn Trà đồng ý, trung tâm bắt đầu lên ý tưởng, tìm kiếm loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đa tầng tán (theo mô hình vườn trong phố) giúp điều hòa không khí, tạo cảnh quan sinh động. “Hoạt động tặng cây nằm trong dự án “Một triệu cây xanh trong đô thị Việt Nam” do Trung tâm GreenViet triển khai từ năm 2019. Mục tiêu của chúng tôi không dừng lại ở việc góp phần phủ xanh thành phố, mà mong mỏi mỗi công viên sẽ là nơi người già có thể nghỉ ngơi, thư giãn; trẻ em có thể vui chơi, học tập, trải nghiệm về thiên nhiên”, ông Vỹ cho hay.

Đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước và kêu gọi xã hội hóa trồng cây, khu công viên - vườn dạo Nại Nghĩa là một trong 5 công viên được UBND quận Sơn Trà đầu tư, xây mới trong năm 2021. Công viên được thiết kế bài bản, dựa trên các tiêu chí hiện đại, đa dạng, phù hợp với cảnh quan chung. Ngoài diện tích rộng, chủng loại cây phong phú, đa tầng tán, công viên thiết kế các lối đi rộng 1,5m dẫn vào khu vực chòi nghỉ, bảo đảm hệ thống điện chiếu sáng và xích đu, thiết bị tập thể dục, ghế ngồi thư giãn.

Ông Hoàng Cao Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Sơn Trà cho biết trên địa bàn quận Sơn Trà có 48 khu đất quy hoạch làm công viên, vườn dạo với tổng diện tích khoảng 130.122m2. Tính đến nay, 26 công viên, vườn dạo đã được UBND quận Sơn Trà đầu tư, xây mới, số còn lại sẽ phân kỳ đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, từ đó đánh giá hiệu quả đầu tư và rà soát quỹ đất bố trí công viên, vườn dạo.

Theo ông Thắng, đây là kết quả sau một năm triển khai đề án “Xây dựng công viên - vườn dạo trên địa bàn quận Sơn Trà”. Trong đó, đơn vị đã chú trọng công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng, bảo đảm giao thông, tiết kiệm ngân sách, tài sản xã hội và kêu gọi người dân trong khu vực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây xanh. Năm 2022, UBND quận Sơn Trà sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng mới 11 công viên, vườn dạo trên địa bàn, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng và các thiết bị thể dục thể thao, phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí, phù hợp định hướng phát triển và quy hoạch xây dựng đô thị của thành phố.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý, quận Sơn Trà nhận nhiệm vụ chăm sóc, quản lý, duy trì 11.858 cây xanh tại 229 tuyến đường. Cụ thể, đối với các tuyến đường ≤ 7,5m, UBND quận Sơn Trà tổ chức đấu thầu công tác duy tu, cắt tỉa, chống dựng phòng chống bão theo quy định; với các tuyến đường < 5,50m, đường kiệt, hẻm trong khu dân cư chỉnh trang, khu dân cư chưa có quy hoạch, khu công viên, vườn dạo trên địa bàn từng phường sẽ giao UBND các phường thực hiện cắt tỉa, chống dựng. Ngoài ra, với các tuyến đường lớn do Sở Xây dựng quản lý, quận Sơn Trà sẽ tổ chức rà soát, đề nghị các đơn vị liên quan duy tu, bảo dưỡng phù hợp, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Cần cơ chế khuyến khích

Tạo không gian xanh là một trong những tiêu chí quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quỹ đất, mật độ cây xanh đóng vai trò quan trọng, góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã quy hoạch bổ sung hơn 22ha đất trồng cây xanh, yêu cầu chủ đầu tư công trình bảo đảm bố trí đủ diện tích cây xanh sử dụng công cộng theo tỷ lệ 1/500. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị đã huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển cây xanh, hỗ trợ các đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác duy trì cây xanh trong điều kiện nhân lực, thiết bị còn hạn chế. Xã hội hóa cây xanh cũng giúp thành phố giảm bớt một phần ngân sách chi cho các hoạt động công ích, vì môi trường.

Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị được chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, thành phố phân cấp quản lý, sắp xếp các tổ chức, đơn vị liên quan trong lĩnh vực cây xanh đô thị và xã hội hóa dịch vụ chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh công cộng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý đối với cây xanh vỉa hè các tuyến đường có bề rộng mặt đường ≤  7,5m và các công viên, vườn hoa có quy mô diện tích ≤ 6ha. Sau khi tiếp nhận cây xanh theo phân cấp, các đơn vị chủ động lập kinh phí, tổ chức đấu thầu chăm sóc, duy tu hoặc trồng mới.

Ông Hà đánh giá công tác phân cấp quản lý cây xanh thời gian qua đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị của thành phố Đà Nẵng. Thông qua các phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, “Tuyến đường văn minh kiểu mẫu”, người dân trực tiếp tham gia hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh mặt tiền nhà ở, trụ sở, khu vực công cộng, góp phần tăng mật độ cây xanh.

Liên quan công tác xã hội hóa cây xanh đô thị, lãnh đạo một doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho rằng, Đà Nẵng cần thêm cơ chế khuyến khích, như cho phép doanh nghiệp đầu tư trồng, chăm sóc, duy trì cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, cây xanh, vườn dạo, kết hợp với quảng cáo thương mại, kinh doanh dịch vụ phù hợp; hoặc cho phép doanh nghiệp chuyên ngành cây xanh khai thác quỹ dự phòng phát triển đô thị để xây dựng hệ thống vườn ươm vệ tinh, tạo nguồn cung cấp cây giống cho nhu cầu phát triển cây xanh thành phố.

“Thành phố cần xem xét các yếu tố như cho phép doanh nghiệp, tổ chức trồng cây kết hợp quảng cáo trong công viên, mảng xanh công cộng (vị trí, kích thước, nội dung và hình thức quảng cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt); phổ biến công khai thông tin về chủng loại, quy cách, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây xanh từng khu vực cũng như có hình thức tôn vinh, khen thưởng kịp thời, phù hợp”, người này nói.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.