CÂY XANH ĐÔ THỊ

Phủ xanh thành phố

.

Thực hiện đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2021 đến nay, chính quyền, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân thành phố Đà Nẵng tập trung các hoạt động ươm cây, trồng cây nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trạm trưởng Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp Phạm Hồng Kỳ chăm sóc cây ươi. Ảnh: THANH TÌNH
Trạm trưởng Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp Phạm Hồng Kỳ chăm sóc cây ươi. Ảnh: THANH TÌNH

Ngày 25-11-2021, UBND thành phố ban hành kế hoạch số 203/KH-UBND triển khai thực hiện đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn thành phố trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại.

Ươm mầm xanh giữa núi rừng

Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi được Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý (BQL) Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi chúa (Chi cục Kiểm lâm thành phố) Nguyễn Thành Tân dẫn đi tham quan Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Theo ông Tân, đây là nơi ươm tạo cây giống cung cấp cho các dự án và nhu cầu của người dân toàn thành phố, cũng là nơi đang ươm tạo các giống cây phục vụ chương trình đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” của Chính phủ.

Đang kiểm đếm, chăm sóc vườn ươm, Trạm trưởng Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp Phạm Hồng Kỳ cho biết, nhiệm vụ của trạm là gieo tạo cây giống. Mọi năm, kế hoạch đặt ra thường gieo tạo khoảng 10.000 cây nhưng từ năm 2021 tăng lên đáng kể. Các cây giống được gieo tạo đa dạng gồm cây lâm nghiệp, cây môi trường, cây phân tán. Đây là những giống cây cho tán rộng, hệ rễ tốt, chịu được môi trường khắc nghiệt. Ngoài phục vụ trồng rừng, trạm còn cung cấp cây giống cho các đơn vị quân đội, trường học, các ban, ngành, đoàn thể… có nhu cầu.

Song song với gieo tạo giống cây, nhiệm vụ then chốt của trạm là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giám sát các công trình, dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh; đồng thời tuyên truyền về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đến người dân, tổ chức sống ven rừng...

Ông Nguyễn Thành Tân cho biết, năm 2021, Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp sản xuất hơn 15.000 cây môi trường và cây phân tán theo phân bổ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và hơn 10.000 cây phục vụ công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trạm ươm tạo khoảng 17.800 cây môi trường phục vụ chương trình phát triển cây xanh của thành phố. Từ nay đến cuối năm, trạm dự kiến ươm tạo khoảng 15.000 cây con, đồng thời chuẩn bị hơn 10.000 cây cho mục tiêu năm 2023 (cây gieo tạo sau khoảng 2 năm mới xuất vườn).

“Sở NN&PTNT đang trình thành phố phê duyệt đề án nâng cấp, cải tạo Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp thành Trung tâm Sản xuất nuôi cấy mô. Hy vọng khi đề án được triển khai sẽ sản xuất cây giống theo phương pháp hiện đại hơn thay bằng phương pháp thủ công hiện nay. Các loại cây được trạm chọn ươm thường là cây cho gỗ tốt và tỷ lệ sống cao như cây xoan đào, chò đen, ươi, sao đen, trám đinh, lát hoa… giúp rừng giữ nước, chống sạt lở, mức độ phòng hộ cao hơn, độ che phủ bền vững hơn, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho thành phố”, ông Tân cho hay.

Công nhân Trần Thị Hồng Hạnh và Phan Ngọc Vinh cho biết, mỗi ngày họ đóng 300-400 bầu cây chò đen. Việc đóng bầu không khó, song cần sự tỉ mẫn, chịu khó và kỹ thuật khéo léo bởi chỉ cần xé bầu, không may bầu bị vỡ thì cây sẽ chết. Ngoài ra, trong quá trình đóng bầu, khi cho cây vào bầu phải dặm đất chặt quanh gốc, đất dùng đóng bầu phải bảo đảm độ tơi xốp, nếu ướt hoặc khô quá cũng không được. Chị Hạnh và anh Vinh bày tỏ mong muốn Trạm nhận nhiều dự án ươm tạo cây để họ có thêm việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống.

Đà Nẵng trồng hơn 5 triệu cây xanh

Theo đề án của Chính phủ “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án này với mục tiêu đến hết năm 2025 toàn thành phố trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại.

Cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương khoảng 260,8ha) tại khu vực đô thị; trồng 1.850.000 cây xanh (tương đương 740ha) tại khu vực nông thôn; trồng 3.004.000 cây (tương đương 2.140ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất tập trung (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế). Sở NN&PTNT là đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ lên kế hoạch, tổng hợp nhu cầu trồng rừng, trồng cây phân tán của các cơ quan, đơn vị, địa phương để trình các cấp có thẩm quyền bố trí dự toán thực hiện; lên phương án chuẩn bị đủ cây giống bảo đảm chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Viết Phương, năm 2021, toàn thành phố đã thực hiện trồng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng tái sinh hơn 22ha, trồng rừng tập trung hơn 1.013ha (trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hơn 129ha, trồng rừng kinh tế hơn 883ha). Từ đầu năm đến nay, số lượng cây giống gieo ươm trên địa bàn thành phố gần 3,8 triệu cây. Ngoài cung cấp cây giống cho các đơn vị, sở, ngành, Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trồng cây bảo đảm chất lượng, kỹ thuật; chỉ đạo các đơn vị, các hạt kiểm lâm kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng các đơn vị trồng rừng trên địa bàn.

“Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” là nhiệm vụ, giải pháp góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân trong công tác phát triển rừng và trồng cây xanh, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát triển không gian xanh đô thị. Để việc trồng cây đạt hiệu quả, các đơn vị, địa phương, cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT tổ chức trồng cây đúng tiến độ và chất lượng. Việc trồng cây phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát thì cây trồng, rừng trồng mới bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Phương cho hay.

Song song đó, thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư, duy trì hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn, tạo diện mạo đô thị xanh - sạch - đẹp; hình thành nhiều tuyến xanh cảnh quan ven sông, ven biển. Các đơn vị liên quan cũng đầu tư, xây dựng các công viên, vườn dạo nhằm tăng mảng xanh cho các khu dân cư. Các trường học, cơ sở giáo dục chú trọng mô hình “Trường học Xanh”, nhờ vậy bộ mặt đô thị thành phố thêm xanh, sạch, đẹp.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Võ Tấn Hà cho biết: “Để phát triển bền vững không gian xanh đô thị, thời gian tới, các dự án phát triển cây xanh đô thị cần đa dạng về chủng loài và hình thức thiết kế cảnh quan, bảo đảm giá trị sử dụng và những tiện ích về môi trường, đồng thời phân bố hợp lý trên địa bàn các quận, huyện. Phải hình thành được các hành lang xanh kết nối các trục cảnh quan, các không gian mở, các trục chính đô thị. Việc phát huy giá trị cảnh quan đô thị cũng cần chú ý khai thác vai trò của mặt nước hiện có như ao, hồ, sông, suối; đồng thời, kết hợp không gian xanh của rừng để nâng cao giá trị cảnh quan, bảo vệ môi trường”.

Cũng theo ông Hà, giai đoạn 2022-2023, Sở Xây dựng tập trung hoàn thiện đề án “Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030” và đề xuất đầu tư, xây dựng các dự án cây xanh cảnh quan ấn tượng khu vực ven sông, tăng cây xanh bóng mát có hoa rực rỡ phục vụ phát triển du lịch của thành phố, nhất là du lịch đường sông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố hiện có 3 chủ rừng thuộc Nhà nước quản lý hơn 31.080ha rừng đặc dụng là Hạt Kiểm lâm Sơn Trà, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu và Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Ngoài ra, có 3 công ty và nhóm hộ đã có phương án quản lý rừng bền vững và được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích hơn 1.088ha; 2 công ty được cấp chứng chỉ rừng FSC với tổng diện tích hơn 217ha.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.