Đêm huyền thoại ở thung lũng thần linh

.

Sau thời gian im ắng vì dịch bệnh, Khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã làm mới mình khi trở lại bằng một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Chất liệu văn hóa dân gian được khoác thêm chiếc áo mới bằng nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình đã đưa người xem trở về một không gian xưa thấm đẫm sắc màu văn hóa.

Những vũ nữ Apsara bước ra từ tháp cổ song hành những chiến binh gươm giáo sáng lòa tạo nên một sự giao hòa âm dương tràn trề mạch sống.  Ảnh: NHƯ HẠNH
Những vũ nữ Apsara bước ra từ tháp cổ song hành những chiến binh gươm giáo sáng lòa tạo nên một sự giao hòa âm dương tràn trề mạch sống. Ảnh: NHƯ HẠNH

Người ta có hàng nghìn lý do để đến Khu đền tháp Mỹ Sơn nhưng tựu trung vẫn là sự ngưỡng vọng về bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã lùi xa. Thời gian cho dù đã bước đi hàng nghìn năm qua những ngôi tháp cổ vẫn không làm nhạt phai sắc đỏ thắm của từng viên gạch. Đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh hoàng hôn hoang hoải là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyền thoại và những câu chuyện dân gian đậm sắc thần linh.

Thung lũng thần linh

Chiêm ngưỡng tháp cổ vào những đêm trăng mới thấy hết vẻ đẹp tiềm ẩn của huyền tích Mỹ Sơn. Những ngôi tháp cổ thâm sâu bỗng chốc trở nên lung linh, huyền ảo trong trăng ngà diệu vợi. Ánh trăng chảy tràn, lấp lánh trên các phù điêu vũ nữ Apsara, tưởng chừng như đôi cánh tay cong ngọc ngà kia đang chuyển động trong một khúc thức của vũ điệu nghìn năm. Đồi núi chập chùng đưa tiếng gió trào dâng như nhịp trống Paranưng bập bùng khiến vũ khúc thần tiên càng thêm say đắm lòng người.

Vào một đêm trăng cách đây 5 năm về trước, bên chén rượu vơi đầy dưới chân tháp cổ Mỹ Sơn, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người được anh em giới mỹ thuật gọi vui là “Ma hời Mỹ Sơn” cho biết: “Quần thể các đền, tháp phỏng tạc theo hình ảnh ngọn núi Mêru thần thoại trên dãy Himalaya ở đất nước Ấn Độ xa xôi, nơi được cho là chỗ trú ngụ của các đấng thần linh Hindu giáo. Kết hợp các yếu tố trên nội dung tấm bia ký đầu tiên, chỉ định thung lũng Mỹ Sơn được dành dâng cúng cho các vị thần. Thung lũng Mỹ Sơn trở thành chốn linh địa dành cho các thể thức, nghi lễ tôn giáo, cho nên hậu thế sau này gọi Thánh địa Mỹ Sơn là thung lũng thần linh…”.

Từ thung lũng thần linh đến đỉnh núi Chúa (Mahapavarta), dân gian còn gọi là Hòn Quắp, Hòn Đền, nơi đâu cũng gắn một câu chuyện kỳ bí. Ở khu đền tháp nhìn lên, đỉnh núi Chúa nhô ra phía Đông trông giống như chim thần Garuda khổng lồ. Theo lời người già kể lại, vào đêm trước của lễ hội Bà Thu Bồn (Bô Bô Thượng đẳng thần) diễn ra hằng năm vào 12-2 âm lịch tại xã Duy Tân, từ đỉnh núi Hòn Đền thường có dải mây màu đỏ bay ra phía lăng Bà. Đó là lúc Bà vân du về chứng lễ…

Đêm Mỹ Sơn, không biết vì rượu nồng hay vì sương lạnh mà giọng người bảo vệ tháp cổ chòng chành theo tiếng chim “bắt cô trói cột” rơi vào thinh không thành một hòa âm đầy liêu trai: “Dân ở đây vẫn rỉ tai nhau rằng, đất Mỹ Sơn có chứa nhiều kho vàng của người Chăm. Đêm đêm những đàn gà bằng vàng rủ nhau chui từ lòng đất lên lang thang trên bãi cỏ hoang. Nghe nói thỉnh thoảng có người nhặt được cau vàng, trầu bạc… nhưng khi đem về nhà thì mở ra thấy toàn đất sét!”.

Đêm huyền thoại

Chiều chậm rơi trên con đường dẫn vào khu tháp cổ. Thấp thoáng đầu con dốc tà áo của các cô gái Chăm phất phơ trong ráng chiều, cất tiếng hát da diết: “Hồn muôn phương hãy dừng lại đây, mà lặng nghe tiếng xưa gió lay…”. Hương vị chén nước chè xanh hãy còn vấn vương đầu môi khiến cho khách du có cảm giác đang vượt bức tường thời gian, tìm về một không gian đậm màu ký ức.

Đêm ùa xuống thật nhanh trong tâm trạng chờ đợi của nhiều người. Những tháp cổ u tịch ngàn năm trong lòng thung lũng thần linh phô diễn vẻ huyền ảo, ma mị bởi kỹ xảo ánh sáng và khói sương từ hiệu ứng đèn sân khấu. Người xem mãn nhãn với sự xuất hiện của những cô gái Chăm di chuyển cùng điệu múa cổ tạo thành một dòng chảy miên man, bất tận. Những vũ nữ Apsara từ trong tháp cổ bước ra giữa khói sương bảng lảng, mơ hồ, mềm mại như nước chảy song hành cùng những chiến binh gươm giáo sáng lòa, tạo nên một sự giao hòa âm dương tràn trề mạch sống.

Đó cũng là biểu tượng cho mạch nguồn xuyên suốt của các vương triều Chămpa. Chưa bao giờ Mỹ Sơn có một buổi biễu diễn nghệ thuật ngoài trời mà khán giả tập trung đến thế. Không có những âm thanh ồn ào, hú hét vì quá khích. Chỉ có dòng chảy của âm nhạc, ánh sáng và những chuyển động đầy tính nghệ thuật của gần 200 diễn viên giữa lòng tháp cổ. Khán giả thả mình trôi vào câu chuyện được sắp xếp theo từng tầng bậc, nguyên vẹn một thông điệp gửi đến hậu thế về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mà người xưa để lại.

Câu chuyện trùng tu, bảo tồn di sản phi vật thể Mỹ Sơn đã diễn ra hơn 40 năm nay (kể từ năm 1980) và người dân cũng được phổ cập về kiến thức, mỹ cảm về quần thể khu tháp cổ, nhưng những hiểu biết về tinh hoa văn hóa Chăm tồn tại trong lòng Mỹ Sơn còn khá đơn sơ. Vậy nên, được thưởng lãm một chương trình nghệ thuật đặc sắc giữa lòng quần thể tháp cổ giúp tạo ra sự cộng hưởng giữa vẻ đẹp độc đáo của đền tháp và các giá trị văn hóa theo tầng bậc thời gian đã đi qua nơi này.

Thập Arija Dạng, cán bộ người Chăm đến từ Ninh Thuận, hóa thân thầy cúng ở một trích đoạn đám tế lễ đầu năm (Rija Nưgar). Ảnh: NHƯ HẠNH
Thập Arija Dạng, cán bộ người Chăm đến từ Ninh Thuận, hóa thân thầy cúng ở một trích đoạn đám tế lễ đầu năm (Rija Nưgar). Ảnh: NHƯ HẠNH

Cái níu áo đầy luyến lưu

Có thể nói đây là lần đầu tiên quần thể di sản Mỹ Sơn mở cửa đón khách vào ban đêm với một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới nhằm phô diễn những giá trị của tinh hoa văn hóa Champa. “Chương trình nghệ thuật Đêm Mỹ Sơn huyền thoại vào đêm 24-3 vừa qua, không chỉ là một hoạt động tiếp tục chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 mà sẽ diễn ra thường xuyên vào đêm trăng 16 âm lịch mỗi tháng và tùy vào nhu cầu thực tế của du khách để tăng buổi biểu diễn, tiến tới phục vụ hằng đêm”, ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, kỳ vọng.

Ngoài “Đêm Mỹ Sơn”, dọc theo con đường dẫn đến Khu đền tháp Mỹ Sơn, du khách còn được trải nghiệm và thưởng thức các loại hình văn hóa dân gian của 2 dân tộc Chăm - Việt. Câu hát giao duyên thanh thoát giữa rừng cây gieo vào lòng khách du những nốt xuyến xao mật ngọt. Thật bất ngờ khi gặp Thập Arija Dạng, cán bộ Phòng Văn hóa - Nghệ thuật của Di sản văn hóa Mỹ Sơn, hóa thân thầy cúng ở một trích đoạn đám tế lễ đầu năm (Rija Nưgar). Bước chân nhịp nhàng, tay cầm quạt và khăn đỏ vung vẩy theo tiếng trống Gi-nâng bập bùng và tiếng kèn Saranai da diết. Chàng trai Chăm đến từ Ninh Thuận này cho biết: “Lễ cúng Rija Nưgar của người Chăm thường tổ chức vào dịp đầu năm mới để cầu mong mưa thuận gió hòa, làng xóm bình yên và xua đuổi những cái xấu…”.

Sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh, Mỹ Sơn đã làm mới mình khi trở lại bằng một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Với chất liệu văn hóa dân gian được khoác thêm chiếc áo mới bằng nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình đưa người xem trở về một không gian xưa thấm đẫm sắc màu văn hóa. Và, những khoảnh khắc đẹp trong trang phục truyền thống của người Chăm, hay cho bàn tay trần tiếp xúc với đất để chuốt gốm cùng nghệ nhân Chăm, lặng thầm nhìn đôi tay nghệ thuật lướt trên khung dệt thổ cẩm..., cũng làm nên một cái níu áo đầy luyến lưu đối với du khách trong và ngoài nước.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại chương đầu có tên gọi “Thung lũng - câu chuyện thời gian” tái hiện sống động dòng chảy thời gian diễn ra tại miền tháp cổ và nét đẹp độc đáo của khu đền tháp qua từng thời kỳ. Chương 2 “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” đưa mọi người ngược dòng thời gian để cảm nhận nguồn cội thiêng liêng. Chương 3 “Ánh sáng giao hòa” là sự giao hòa giữa xưa và nay, quá khứ và hiện tại, nhắc nhở hậu thế bảo tồn và phát huy những giá trị hiện còn.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.