Nét đẹp trong đám cưới của người Mông ở Ma Quai

.

Vào mùa xuân, khi tiết trời mát mẻ, những tia nắng váng óng bắt đầu chiếu xuyên qua những chùm hoa mận trắng muốt, hoa đào hồng phấn, cũng là lúc các cặp đôi uyên ương ở các bản làng Tây Bắc chộn rộn chuẩn bị cho ngày hôn lễ trọng đại. Người Mông quan niệm mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, là lúc thời tiết tươi đẹp nhất để khởi đầu cuộc sống mới.

Trẻ em nhỏ cũng được mẹ cõng đi dự tiệc cưới. Ảnh: Đ.H.L
Trẻ em nhỏ cũng được mẹ cõng đi dự tiệc cưới. Ảnh: Đ.H.L

Trong những ngày ở bản Căn Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), tôi thường thấy người dân bỏ dở những buổi đi rừng phát nương làm rẫy, hay đi hái thảo quả... để đi ăn cưới. Có những đám cưới ở tận sâu trong bản nằm bên kia đồi dốc nên phải đi từ rất sớm.

Hầu như cuối tuần nào cũng có một vài đám cưới nên mọi người rủ nhau đi cùng như đi hội. Từ trẻ em đến người lớn, đặc biệt là phụ nữ xúng xính trong trang phục váy Mông truyền thống với nhiều màu sắc rực rỡ càng tô điểm những con đường núi thêm vui tươi và sống động. Thỉnh thoảng, trên đường tỉnh lộ, tôi còn thấy nhiều xe máy chở rương hòm làm bằng nhôm về bản. Đây là vật dụng mà các cặp đôi mua sắm để đựng những thứ quan trọng sau khi ra riêng.

Bản Căn Tỷ 1 và Căn Tỷ 2 có phần lớn người dân theo đạo Tin lành sinh sống nên tiệc cưới khá đơn giản nhưng vẫn văn minh, lịch sự. Người Mông quan niệm rằng, hôn nhân phải đủ nghi lễ như dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu, tất cả đều được tổ chức vào ngày lành tháng tốt. Trước khi đám cưới diễn ra một ngày, rạp cưới dựng lên trên một khu đất được san phẳng còn tươi màu đất mới ở gần nhà cô dâu, chú rể; bàn ghế cũng được thuê và chở về.

Đến ngày thành hôn, trong khi cô dâu và chú rể làm lễ ở nhà thờ, ở nhà bà con trong bản đã đến đông đủ, từ trẻ em, nam thanh nữ tú đến người già đều mặc áo quần thật đẹp ngồi quây quần trong sân, ngoài hiên chờ dự tiệc. Đặc biệt, phần hậu cần nấu nướng, không chỉ tiệc cưới mà bất kể việc trọng đại nào trong gia đình, dòng họ thì đàn ông vẫn đứng bếp chính. Nhóm hậu cần khoảng hơn chục nam thanh niên quây quần túc trực bên khu bếp nấu nướng, chuẩn bị các món ăn và dọn ra đĩa, còn phụ nữ chỉ hỗ trợ rửa chén bát hay bưng dọn ra bàn. Tất cả nhóm hậu cần đều là người trong bản đến chung tay giúp đỡ mỗi khi có việc ma chay, cưới, hỏi, dựng nhà... Đây cũng là dịp để các trưởng thôn, bản tiện thể thu các loại quỹ theo quy định của Nhà nước.

Hầu hết người dân trong bản đều được mời dự. Dù đông đúc nhưng mọi người rất trật tự ngồi chuyện trò vui vẻ chờ vào tiệc. Tiệc cưới là những chiếc bàn nối thành hàng dài và chia nhiều đợt. Trẻ em luôn được ưu tiên ăn trước. Những em bé nhỏ tuổi được mẹ ngồi kèm hỗ trợ dùng bữa. Sau khi trẻ em ăn xong thì bàn sẽ được dọn sạch sẽ và bày mâm tiệc mới để chiêu đãi người lớn. Tùy theo điều kiện của gia chủ mà tổ chức tiệc lớn hay nhỏ.

Tại tiệc cưới của cô dâu Nkawj See, các món ăn khá giản đơn như: cơm, giá xào, đậu khuôn, thịt heo luộc, gà luộc, ram, canh bí đỏ, rau đắng, dưa hấu và trứng gà luộc..., nhưng đó là bữa ăn khá thịnh soạn của người dân nơi đây. Người Mông không cầu kỳ trong việc chế biến món ăn cũng như cách thức trình bày nên mùi vị khá đơn điệu và nhợt nhạt.

Đặc biệt, người dân bản Mông ở Căn Tỷ phần lớn theo đạo Tin lành nên họ không dùng bia, rượu, thay vào đó là các loại nước uống có ga. Sau bữa tiệc, những người thân thiết thường nán lại uống trà trò chuyện thân mật, vui vẻ. Có lẽ vì vậy mà đám cưới diễn ra rất văn minh, lịch sự, không có tiếng hô hào ồn ào và kéo dài thời gian ăn uống.

Đối với những gia đình không theo đạo ở các bản Mông khác ở Tây Bắc, ngoài thịt lợn, thịt gà, hai thứ không thể thiếu là thuốc lào và rượu ngô. Đặc biệt, mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu xôi ngũ sắc và thịt lợn, thường được chính mẹ chú rể hoặc một người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình chuẩn bị. Những chàng trai Mông ở Lào Cai, hay Hà Giang... thường chọn các cô gái to khỏe, bắp chân săn vồng, cặp mông mẩy nhún nhảy trong làn váy theo mỗi bước chân. Bởi lẽ, theo quan niệm của họ, những người con gái đó vừa biết làm nương, se sợi, vừa đẻ mắn và khéo nuôi con.

Ngày nay, nghi lễ trong đám cưới truyền thống của người Mông vẫn được lưu giữ nhưng tổ chức đơn giản, văn minh hơn theo dòng chảy của xã hội đương thời. Dù ở đâu thì trai gái đều được tự do tìm hiểu và tự quyết định hôn nhân của mình. Nếu ưng thuận, họ báo cáo với bố mẹ, dòng họ. Khi đó, nhà trai sẽ mời ông mối sang đánh tiếng dạm hỏi. Nếu nhà gái ưng thuận, hai bên định ngày tốt rồi tiến hành lễ ăn hỏi, sau đó sẽ tổ chức lễ cưới. Trước khi vào nhà, cả đoàn rước dâu phải dừng lại trước cửa để bố chú rể làm phép xua đuổi điềm xấu, đón điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.