Người trẻ chung tay quảng bá du lịch địa phương

.

Nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đang từng ngày chung tay nỗ lực hỗ trợ địa phương làm du lịch cộng đồng, giới thiệu, quảng bá điểm đến, lan tỏa hình ảnh đẹp của vùng đất này đến du khách gần xa.

Hồ Thị Diễm Quỳnh (trái), sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu điểm đến Hòa Bắc cho du khách thông qua tour đi xe đạp vòng quanh làng quê. Ảnh: ĐAN TÂM
Hồ Thị Diễm Quỳnh (trái), sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu điểm đến Hòa Bắc cho du khách thông qua tour đi xe đạp vòng quanh làng quê. Ảnh: ĐAN TÂM

Hồ Thị Diễm Quỳnh (22 tuổi, sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) và Trần Thị Bích Huyền (22 tuổi, sinh viên năm 4, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) là hai bạn trẻ trong số đó.

1. Sinh ra và lớn lên tại thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc), từ ngày ra thành phố học tập, Hồ Thị Diễm Quỳnh luôn tâm niệm sau khi ra trường sẽ trở về giúp sức phát triển quê hương. Từ cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp, học trực tuyến nhiều, Quỳnh chọn về nhà. Quỳnh Nhận thấy quê hương có nhiều thay đổi tích cực nhất là các khu/điểm du lịch được hình thành, được nhiều người biết đến, Quỳnh tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng do nhóm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Hòa Bắc tổ chức tại địa phương để hiểu hơn về cách làm du lịch cộng đồng.

Mỗi tuần, tranh thủ ngày nghỉ, Quỳnh cùng các bạn trong xã tham gia lớp học, hỗ trợ kết nối, giới thiệu các điểm đến của Hòa Bắc với các nhóm khách du lịch. Sau mỗi tuần học, Quỳnh đăng tải các bài viết, hình ảnh đẹp, địa điểm mới lên các trang mạng xã hội và được nhiều người hỏi thăm. “Một kỷ niệm mà em nhớ nhất là lần đầu tham gia lớp học, có một bạn gần 8 tuổi trong đoàn khách hỏi em rằng vì sao dòng sông này có tên Cu Đê. Là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, nhưng em chưa tìm hiểu kỹ về con sông để trả lời thấu đáo cho bạn nhỏ. Sau lần đó, em nghĩ mình không thể thiếu kiến thức về chính nơi mình sinh sống nên em tìm hiểu các điểm đến, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương để có thể giải đáp thắc mắc của khách khi có yêu cầu”, Quỳnh kể.

Đó cũng là lý do Quỳnh chọn đề tài “Làm thế nào để ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào phát triển du lịch cộng đồng Hòa Bắc” làm luận văn tốt nghiệp với mong muốn có dịp nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về quê hương.

2. Cũng sinh ra ở thôn Phò Nam, Trần Thị Bích Huyền vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập. Năm 2021, Huyền về quê học trực tuyến, đây cũng là thời gian để cô tiếp xúc với nhiều người cũng như học cách làm du lịch.

Huyền chia sẻ: “Một lần làm bài tập học phần Vũ quốc tế, em chọn quay ở bờ sông Cu Đê. Trong buổi quay, nhiều khách du lịch đang cắm trại trên bờ sông, mọi người rất thích thú. Sau khi clip hoàn thành, em nhận được sự khen ngợi của nhiều thầy cô, bạn bè. Mọi người hỏi em nhiều hơn về cảnh vật, con người Hòa Bắc và mong muốn có dịp về quê em khám phá, trải nghiệm”.

Một lần khác, Huyền gặp nhóm du khách đến tìm hiểu về du lịch cộng đồng Hòa Bắc. Huyền được đoàn chọn làm hướng dẫn viên giới thiệu về phong cảnh, con người, điểm đến. Huyền hát tặng cả đoàn bài “Hòa Bắc yêu thương”, nhắc đến các địa danh như Nam Yên, Phò Nam, Khe Đương, Cu Đê, Vũng Bọt, Tà Lang, Giàn Bí… Vừa hát xong, những tràng pháo tay khiến cô rất xúc động.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Huyền sẽ về Đà Nẵng tham gia công tác Đoàn đúng với ngành học để phát huy năng lực, sở trường trong việc hỗ trợ thanh niên tổ chức hoạt động Đoàn, team building, củng cố thêm kiến thức địa lý, lịch sử, xã hội cũng như kết nối du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hòa Bắc đang trở thành điểm đến của du lịch cộng đồng, sinh thái. Trên đà phát triển đó, những người trẻ như Diễm Quỳnh, Bích Huyền sẽ có cơ hội góp phần sức trẻ xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương đến với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

ĐAN TÂM

;
;
.
.
.
.
.