CHỢ ĐÔ THỊ

Vì bữa ăn sạch

.

Cùng với hệ thống siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng dày đặc ở Đà Nẵng giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn nguồn thực phẩm chất lượng cho bữa cơm gia đình.

Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn thực phẩm sạch tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.  Ảnh: T.Y
Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn thực phẩm sạch tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ảnh: T.Y

Đà Nẵng hiện có 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và hơn 400 cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch. Đa phần hàng hóa được bày bán tại đây có nguồn gốc, xuất xứ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ

Chị Trần Thị Mai Hoa (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết, chị thường xuyên mua sắm ở các cửa hàng nông sản sạch vì tin rằng thực phẩm ở đây sạch hơn, chất lượng hơn. Theo chị Mai Hoa, các sản phẩm hữu cơ có giá nhỉnh hơn thị trường nhưng “tiền nào của nấy”, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, trái cây. Rau mua ở cửa hàng nông sản sạch có nguồn gốc, xuất xứ và chọn lựa kỹ nên hầu như không phải nhặt bỏ. “Tôi không quan tâm nhiều đến giá cả vì thật ra nó không quá đắt nếu mình biết cân đối bữa ăn theo hướng ít nhưng chất lượng. Mỗi tuần tôi ghé qua cửa hàng nông sản hai lần để bảo đảm thực phẩm mua về luôn tươi ngon, giữ được dinh dưỡng”, chị Mai Hoa cho hay.

Tương tự, xu hướng tiêu dùng của chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có sự thay đổi từ vài năm nay. Trung bình mỗi tháng, chị chi khoảng 3 triệu đồng mua trái cây tại các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch. Chị Quỳnh chia sẻ: “Giá trái cây ở các cửa hàng này giao động từ 100.000 - 300.000 đồng/kg, đắt hơn nhiều so với giá trái cây ở chợ nhưng có chứng nhận sản xuất theo mô hình hữu cơ hoặc VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam), Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Ăn như vậy mới yên tâm vì nhiều loại quả ăn cả vỏ mới ngon, giàu dinh dưỡng như táo, nho, mận hậu, ổi…”.

Ngoài sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, một trong những ưu thế của các cửa hàng nông sản sạch là tính thẩm mỹ trong bảo quản và bày trí. Bên cạnh đó, xu hướng làm sạch, sơ chế thực phẩm theo món có nguyên liệu, gia vị đi kèm là điểm cộng của loại hình kinh doanh này. Đối tượng của nhóm thực phẩm sơ chế phần lớn là khách hàng trẻ, công việc bận rộn nhưng vẫn muốn ăn cơm nhà.

Chị Trần Minh Hường (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, công việc xuất nhập khẩu của chị thường xuyên phải về trễ nên không đủ thời gian đi chợ, sơ chế, nấu nướng. Để bảo đảm bữa cơm gia đình, chị chọn siêu thị, cửa hàng nông sản sạch vì ở đây thức ăn sơ chế theo món, nêm nếm vừa miệng, thậm chí ngon vì gia vị thấm qua thời gian tẩm ướp. “Sản phẩm này có giá đắt hơn thực phẩm tươi sống từ 10-20% nhưng giúp tôi tiết kiệm thời gian đáng kể. Có nhiều món mua về chỉ cần hấp hoặc nấu theo công thức hướng dẫn”, chị Hường bày tỏ.

Đồ họa : THANH HUYỀN
Đồ họa : THANH HUYỀN

Cửa hàng cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi

Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, thách thức lớn nhất của các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch là đa dạng mẫu mã và tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm. Chưa kể, thực phẩm sạch, sản xuất theo phương pháp hữu cơ có giá thành khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân hiện nay.

Chị Lê Nguyễn Thị Như Nguyện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông Bảo Ngọc (NongPro) cho biết, ở Nongpro, chất lượng hàng hóa được đặt lên hàng đầu, các sản phẩm hữu cơ chiếm hơn 80%. Theo chị, sở dĩ sản phẩm hữu cơ có giá thành cao do trong quá trình sản xuất, nhà vườn tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ (có tác dụng chậm hơn), dựa vào thời tiết, mùa nào thức nấy. Phương pháp canh tác này tốn nhiều công sức, thời gian dài (trung bình 45 ngày, trong khi các phương pháp khác chỉ kéo dài 15-30 ngày), khó triển khai trên diện rộng, sản phẩm làm ra ít, hình thức không bắt mắt. Tuy nhiên, với mục tiêu kinh doanh thực phẩm nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Nongpro kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, quy trình sản xuất của nhà cung cấp. Ngoài sản phẩm nhập ngoại hoặc lấy từ các trang trại sản xuất hữu cơ tại tỉnh Lâm Đồng, Nongpro tạo điều kiện cho sản phẩm hữu cơ của nông dân địa phương lên kệ, như rau hữu cơ Thanh Đông (Hội An), heo sạch Thảo Mộc Pigeco và một số thực phẩm thuần chủng của người dân Quảng Nam như gà kiến, vịt cỏ.

Nhờ duy trì lợi thế hàng sạch, chất lượng, mỗi ngày Nongpro bán ra 150-200 đơn, mỗi đơn từ vài trăm đến vài triệu đồng. “Chúng tôi thường xuyên tương tác với khách hàng để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, đồng thời triển khai bán hàng online, các chương trình tri ân, khuyến mãi, tặng quà, livestream bán hàng giá tốt để mọi người dễ dàng tiếp cận”, chị Nguyện cho biết.

Đại diện một số cửa hàng tiện lợi cho hay, xăng dầu tăng giá khiến kinh phí hoạt động tăng 5-10%. Tuy nhiên, với xu hướng cạnh tranh như hiện nay, các cửa hàng cố gắng duy trì mức giá cũ hoặc tăng không đáng kể. Theo ông Dương Hiển Tú, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm, nguyên tắc cốt lõi của An Phú Farm là chất lượng. Do đó, để mục tiêu “Thực phẩm hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn” thành hiện thực, ông chủ động thành lập một số trang trại hoặc liên kết sản xuất cùng người nông dân để kiểm soát chặt chẽ quy trình trồng trọt, chăn nuôi.

“Khi mình chủ động trồng, mình mới biết chắc đã dùng giống gì, phân gì, chăm sóc ra sao. Có sản phẩm chất lượng tốt, An Phú Farm mới chinh phục được khách hàng và giữ giá cả hàng hóa ở mức ổn định”, ông Tú khẳng định.

Theo số liệu từ Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Đà Nẵng có 213 cơ sở kinh doanh tổng hợp (bao gồm các mặt hàng nông sản, thực phẩm nói chung) và 7 cơ sở chuyên doanh nông sản. Hầu hết chủ cửa hàng lấy sản phẩm từ các trang trại tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, có chứng nhận VietGAP, Global GAP. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố khẳng định mặt hàng nông sản, hải sản bày bán tại đây phần lớn có chứng nhận GlobalGap, VietGap, GMP (thực hành sản xuất tốt), HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…

Ông Hải khuyến cáo, để yên tâm mua sắm, người tiêu dùng ngoài chú ý những chứng nhận tiêu chuẩn trên, cần tải phần mềm quét mã sản phẩm để tra cứu thông tin, địa chỉ, quy trình sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, ở vai trò đồng hành với người tiêu dùng, Ban quản lý thường xuyên kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, lấy mẫu hậu kiểm nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.