Cùng trẻ phát triển toàn diện

.

Năm 2022, Đà Nẵng phấn đấu 85% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện; trong đó, tập trung nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội đối với công tác trẻ em nhằm mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ.

Trẻ em Đà Nẵng được khuyến khích tham gia tất cả các hoạt động phù hợp lứa tuổi. Ảnh: T.Y
Trẻ em Đà Nẵng được khuyến khích tham gia tất cả các hoạt động phù hợp lứa tuổi. Ảnh: T.Y

UBND thành phố xây dựng 6 mục tiêu giúp trẻ em phát triển toàn diện như: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại, an toàn mạng, lao động trái phép; tạo không gian vui chơi, giải trí, văn hóa; khuyến khích trẻ tham gia các vấn đề trẻ em; xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng thân thiện với trẻ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác trẻ em.

Hướng tới xã hội an toàn

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” được UBND thành phố ban hành ngày 16-5, tạo điều kiện thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội về công tác trẻ em. Chị Nguyễn Thúy Vy, có con học lớp 5, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) cho biết, thời gian qua, con chị thường xuyên hỏi mẹ vấn đề về giới và các hành vi xâm hại. Con muốn rõ hơn kiến thức về cơ thể người và chia sẻ những điều con tiếp thu trong buổi nói chuyện, phổ biến thông tin về xâm hại trẻ ở tiết chào cờ gần đây.

Theo chị Vy, trước đây học sinh lớp 8 mới tiếp cận những kiến thức về cơ quan sinh dục thì nay học sinh lớp 5 đã bắt đầu học về giới tính. Cụ thể, trong bài học “Nam hay nữ?”, “Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?”, “Từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì”, “Tuổi vị thành niên”…, các em có những hình dung ban đầu về giới, từ đó có thể nhận biết về hành vi xâm hại. “Thời gian đầu, tôi khá lúng túng trước câu hỏi của con, nhưng vẫn vui khi thấy con sớm có kiến thức về giới, bởi điều này sẽ giúp con phòng tránh những hành vi xâm hại vô ý, hoặc cố ý”, chị Vy cho hay.

Vấn đề bảo vệ trẻ em được thành phố quan tâm khi đặt mục tiêu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ; phấn đấu 85% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn không để xảy ra tình trạng học sinh bị bạo hành, xâm hại.

Là tổ chức đại diện cho tầng lớp thanh, thiếu niên thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng tăng cường tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ. Đơn cử, nội dung tài liệu về phòng, chống xâm hại được Thành Đoàn Đà Nẵng phổ biến nêu rõ: các hình thức xâm hại trẻ diễn ra ở nhiều khía cạnh, như trẻ không được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (không làm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, không có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở và chăm sóc y tế khi đau ốm); hành vi xâm hại thể chất trẻ (cố ý làm trẻ bị chấn thương các bộ phận trên cơ thể). Đặc biệt, xâm hại tình dục có thể xảy ra dưới nhiều hành động khác nhau, như tự kích thích tình dục trước mặt trẻ, cố tình phơi bày bộ phận kín của cơ thể, hôn hít hay sờ mó bộ phận kín của trẻ hoặc bắt trẻ phải làm như vậy…

Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, các nội dung tuyên truyền trên khá nhạy cảm nhưng cần thiết với trẻ, bởi nhờ đó trẻ biết thế nào là hành vi xâm hại để phòng ngừa. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần biết một số nguyên tắc an toàn cá nhân giúp trẻ tránh xa hành vi xâm hại, như không nhận quà người lạ, không để ai sờ soạng vào người, không đi một mình khi trời tối và thông báo cho người nhà khi đối mặt với tình huống nguy hiểm. Gia đình và nhà trường cần dạy trẻ khi nào cần nói “không”; trẻ là chủ của cơ thể mình, không ai được đụng chạm hay sờ mó một cách thô lỗ…

Chia sẻ tại buổi tuyên truyền “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” diễn ra ngày 18-4, bà Nguyễn Thị Nhơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho rằng, các bậc cha mẹ nên tạo ra môi trường sống an toàn cho trẻ, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và cần biết rõ con mình đang ở đâu, làm gì, với ai. Theo bà Nhơn, thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra các trường hợp xâm hại, nhưng gia đình vẫn cần chủ động thực hiện các giải pháp giúp trẻ phòng tránh.

Triển khai hiệu quả Luật Trẻ em

Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch thực hiện công tác trẻ em năm 2022 trên địa bàn thành phố là phát triển toàn diện cũng như triển khai hiệu quả Luật Trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển cả về thể chất, tinh thần và hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, ngoài phấn đấu 85% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện, Đà Nẵng duy trì tỷ lệ dưới 0,4% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng, dưới 13% suy dinh dưỡng thể chiều cao và khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì dưới 12%. Phấn đấu giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 5,5‰; trẻ em dưới 1 tuổi xuống dưới 7,2‰ và trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11,1‰.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin đạt hơn 95% và 100% trẻ em bị ảnh hưởng HIV được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; giảm 3% tỷ lệ trẻ em bị xâm hại so với năm 2021, đặc biệt là xâm hại tình dục; khoảng 30% trẻ từ 7 tuổi được hỏi ý kiến về các vấn đề trẻ em theo hình thức phù hợp.

Được thành lập vào năm 2020, đến nay CLB tư vấn, trợ giúp trẻ em thành phố Đà Nẵng (thuộc Thành Đoàn) đã tư vấn hàng chục trường hợp trẻ liên quan các vấn đề pháp lý. CLB gồm 16 thành viên là đại diện Hội đồng Đội thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội đồng Đội các quận, huyện…, có trách nhiệm tư vấn nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ; đề xuất mô hình, giải pháp hỗ trợ; lên tiếng bảo vệ trẻ em trước các vụ xâm hại…

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, CLB là kênh đại diện, kết nối, giúp trẻ em thành phố tham gia sâu các hoạt động liên quan đến Luật Trẻ em và các văn bản ban hành liên quan trẻ em. Ngoài ra, để thúc đẩy trẻ em mạnh dạn lên tiếng, hơn 200 CLB quyền trẻ em trong các liên đội, tổ chức cơ sở Đoàn vẫn đang hoạt động và phát huy hiệu quả.

Tiếp tục đồng hành trẻ em thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Thành Đoàn, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, tạo các diễn đàn để thiếu nhi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo thành phố, các sở, ngành nhằm đề xuất ý kiến, nguyện vọng liên quan đến quyền trẻ em.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, các cấp hội đang tập trung hỗ trợ thường xuyên (500.000 đồng/tháng) đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, không nơi nương tựa. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, phụ nữ thành phố đã nhận đỡ đầu và kết nối mạnh thường quân đỡ đầu 210 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 5 năm (2022-2026) với số tiền gần 6,5 tỷ đồng.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.