Dân ta phải biết sử ta

.

Việc Lịch sử lần đầu tiên trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT mới, bắt đầu triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ thì nói rằng Lịch sử nên là môn tự chọn vì chương trình hiện tại quá khô cứng, khó nhằn với học sinh; bậc THPT là khoảng thời gian bản lề cho giáo dục nghề nghiệp sau này, học sinh cần được đào tạo có định hướng chuyên sâu thay vì học dàn trải; nếu học sinh không chọn hướng nghiệp lĩnh vực có liên quan môn Lịch sử, không thích môn học này thì việc ép buộc học sẽ không mang lại hiệu quả tích cực…

Người phản đối thì bày tỏ lo ngại học sinh THPT nếu không chọn môn Lịch sử sẽ bị thiếu hụt nhiều kiến thức quan trọng và vô hình trung… dân ta chẳng biết sử ta!

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới, giải thích: Kết thúc chương trình THCS, học sinh được học toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có Lịch sử, đủ điều kiện để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi. Ở bậc THPT, nội dung môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp học sinh định hướng theo học các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn ở đại học; đồng thời giải pháp dạy học phân hóa các môn như thế cũng đáp ứng yêu cầu giảm tải. Tuy nhiên, lý giải của vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới xem ra chưa thuyết phục được dư luận.

Tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chuẩn bị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 29-4, nhiều cử tri quan tâm việc Lịch sử trở thành môn tự chọn của học sinh THPT. Các ý kiến cho rằng, Lịch sử phải là môn học số một trong chương trình giáo dục và không thể thay thế, vấn đề là phải dạy sao cho môn này trở nên hấp dẫn và học sinh dễ học.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, môn Lịch sử xếp chót bảng trong tổng số 9 môn thi khi có hơn 70% thí sinh không đủ điểm trung bình. Kỳ thi THPT quốc gia 2020, có 260.074 thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử (chiếm tỷ lệ 46,95%). Năm 2021, con số này là 331.429 thí sinh (chiếm tỷ lệ 52%) và có 540 bài thi Lịch sử dưới điểm 1. Một thực trạng đáng buồn nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Thực tế, đối với nền giáo dục mang nặng tính thi cử như ở nước ta thì môn Lịch sử chưa bao giờ là lựa chọn của nhiều phụ huynh và học sinh. Các bài học trong sách giáo khoa thiên về sự kiện, ghi nhớ; cách dạy thì thầy đọc - trò chép và cách kiểm tra vẫn theo kiểu học sinh học thuộc lòng. Thành ra, lâu nay, học sinh học Lịch sử chỉ là để hoàn thành một môn học, để đi thi và thi xong thì kiến thức được “học vẹt” sẽ… “trả” hết lại cho thầy.

Trong các cuộc trao đổi xung quanh việc đưa Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc THPT, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, mỗi công dân cần am hiểu lịch sử; lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước; lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. “Chúng ta học Lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không”, GS. Phạm Tất Dong nói.

Còn nhớ năm 2005, phong trào “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi” lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước và kéo dài cả chục năm sau đó, xuất phát từ hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Rất nhiều diễn đàn, cuộc thi dành cho tuổi trẻ đã được Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các cấp tổ chức để chính các bạn trẻ bày tỏ cảm nhận về một thế hệ thanh niên đầy hoài bão và lý tưởng cống hiến đã sống và ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trong các diễn đàn ấy, không có những con số khô khan, không có việc “trả bài” theo kiểu học thuộc lòng, mà các bạn trẻ đã mạnh dạn phát biểu bằng chính tư duy, cảm nhận và cảm xúc của mình về một giai đoạn quá khứ bi hùng của dân tộc. Đó cũng là cách kết nối lịch sử với cuộc sống, giúp học sinh biết quá khứ, hiểu lịch sử và ứng xử trân trọng với lịch sử.

Trong thời đại 4.0, có nhiều cách dạy và học môn Lịch sử sao cho thú vị, để học sinh phát huy tư duy, tăng tương tác giữa thầy và trò, thay vì tiếp thu một chiều thụ động. Nên mang đến cho bộ môn Lịch sử chiếc áo mới về phương pháp giảng dạy và học tập sáng tạo, hiện đại, như dạy và học thông qua video, biểu đồ, thuyết trình, tranh luận, tham quan…, thì biết đâu môn học này sẽ thực sự thu hút học sinh. Môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc hay tự chọn, có lẽ không quan trọng bằng việc đổi mới phương pháp dạy và học. Bởi lẽ, đích cuối cùng là người Việt Nam phải biết lịch sử của dân tộc - “dân ta phải biết sử ta”!

ĐỨC HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.