KHỞI NGHIỆP TRONG SINH VIÊN

Dự án thi xong rồi để đó!

.

Hầu hết các dự án khởi nghiệp của sinh viên chủ yếu dừng lại ở các cuộc thi khởi nghiệp. Việc đưa vào ứng dụng thực tế từ các dự án này cần thêm một chặng đường phía trước, nhất là nỗ lực của sinh viên và tiếp sức, hỗ trợ của các ngành, các cấp có liên quan.

Ký kết hợp tác giữa đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ký kết hợp tác giữa đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Dự án Fued (Giáo dục cho tương lai) của nhóm Ambition, sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng giành chức vô địch cuộc thi Hackathon “Build on VietNam 2021”. Đây là cuộc thi trong chuỗi sự kiện Hackathon, sự kiện thi đua lập trình của chương trình Build on ASEAN 2021 do Amazon Web Services tổ chức dành cho các lập trình viên trẻ. Nền tảng học trực tuyến Fued của nhóm Ambition được đánh giá là đã khắc phục được những nhược điểm của các ứng dụng hiện có trên thị trường. Với Fued, việc dạy - học trực tuyến sẽ trở nên liền mạch.

Ông Nguyễn Văn Nam, đại diện Công ty CMS TS, đánh giá Fued có tiềm năng có thể thương mại hóa trong tương lai. Được biết, CMS TS đã đặt vấn đề hợp tác với nhóm Ambition trong phát triển sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Minh - thành viên nhóm Ambition cho biết, các bạn đang tập trung học tập và có những dự định riêng cho nghề nghiệp nên tạm thời chưa tính đến việc chuyển giao hoặc nâng cấp Fued theo gợi ý của CMS TS.

Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khối ngành kỹ thuật - công nghệ đều có tính ứng dụng cao, có thể thương mại hóa sản phẩm. Mới đây nhất, sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng.

Theo đánh giá của kỹ thuật viên phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng, sản phẩm đáp ứng khoảng 60% bài tập co, 90% bài tập duỗi. Nhóm vẫn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và phát triển thành sản phẩm thương mại. Trước mắt, dự án sẽ tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp nhằm học hỏi thêm.

Lê Nhất Chính - thành viên nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa cho biết, để phát triển thành sản phẩm thương mại, nhóm sẽ phải cải tiến phần thiết kế kiểu dáng, bảo đảm tính thẩm mỹ hơn. “Phần mạch được chúng em thiết kế bằng tay nên với phiên bản găng tay mềm hiện nay, phần hộp điện của sản phẩm vẫn còn cồng kềnh. Hộp điện phải được thiết kế nhỏ gọn hơn để tiện mang đi. Nếu mạch được thiết kế công nghiệp thì sẽ giải quyết được vấn đề này”, Chinh nhận xét.

Một doanh nhân trong vai trò giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp cho rằng, nếu “bê nguyên” các dự án khởi nghiệp của sinh viên, dù là những dự án đoạt giải cao để triển khai vào thực tế thì gần như chắc chắn sẽ thất bại. Điển hình như dự án “Vút bay” của nhóm 20 sinh viên các trường ĐH, CĐ tại Đà Nẵng đã được đưa vào chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”.

Dự án “Vút bay” có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư nên khởi nghiệp rất tốt. Dự án kết thúc chỉ sau 3 chương trình hướng nghiệp kết nối giữa học sinh phổ thông và một số doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… nhằm tìm hiểu một số ngành nghề theo xu hướng trải nghiệm để hướng nghiệp.

Anh Lê Văn Kiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Healthy Fungi, đại diện dự án Tảo Việt AlgeaVi thừa nhận: “Ở giai đoạn đầu của dự án, ngoài thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, các thành viên gần như thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, định hướng sản phẩm cũng như mức độ am hiểu về thị trường và khách hàng. Thậm chí, ngay cả định giá sản phẩm, chúng tôi rất lúng túng chứ chưa nói đến định hướng đường đi của sản phẩm”.

Sau một năm ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, tháng 12-2021, dự án Tảo Việt AlgeaVi đã ký kết hợp tác với nhà đầu tư Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh. Với dự án Tảo Việt AlgeaVi, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng và giảng viên hỗ trợ dự án, đồng thời là “nhà đầu tư thiên thần” (thuật ngữ chỉ những nhà đầu tư vốn trong khởi nghiệp).

Để tạo bệ phóng cho sinh viên khởi nghiệp, các cơ sở giáo dục ĐH đã nỗ lực kết nối với doanh nghiệp, các vườn ươm cũng như quỹ đầu tư. Cuối năm 2021, ĐH Đà Nẵng ký hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ, Thành Đoàn Đà Nẵng về phát triển khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong sinh viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện chương trình đào tạo với tên gọi “Bệ phóng khởi nghiệp” dành cho đoàn viên năm 2022.

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.