Ấm áp bữa cơm gia đình

.

Bữa cơm gia đình không chỉ để ăn, mà còn là khoảng thời gian cả nhà ngồi lại bên nhau chuyện trò, giữ “lửa” hạnh phúc. Không ít phụ nữ nói rằng, dù công việc bận rộn nhưng họ vẫn cố gắng chăm chút, duy trì những bữa cơm để giữ gìn nếp nhà cũng như dạy con các giá trị yêu thương và chia sẻ.

Ngày càng có nhiều trẻ em tham gia các lớp học nấu ăn để phụ giúp ba mẹ. Ảnh: H.L
Ngày càng có nhiều trẻ em tham gia các lớp học nấu ăn để phụ giúp ba mẹ. Ảnh: H.L

Nuôi dưỡng hạnh phúc

Covid-19 là lý do khiến anh Nguyễn Hữu Minh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thay đổi thói quen ăn uống. Trước đây, anh Minh thường ở lại cơ quan vào bữa trưa, ăn uống qua loa các món bún, mì Quảng hoặc cơm văn phòng. Nhiều hôm nắng nóng, anh đặt giao tận nơi đĩa bánh cuốn hoặc tô phở là xong bữa trưa.

Anh Minh chia sẻ, anh không thích ăn ngoài quán nhưng cơ quan xa nhà hơn 10km nên việc đi - về khá mất thời gian. Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện, hàng quán đóng cửa, anh Minh buộc phải về nhà mỗi trưa và dần quen với bữa cơm gia đình.

Khi Covid-19 được kiểm soát, hàng quán mở cửa trở lại nhưng anh Minh vẫn đều đặn về nhà mỗi trưa ăn cơm cùng vợ. Thậm chí, anh động viên vợ dậy sớm nấu bữa sáng để cả nhà ăn uống trước giờ đi làm, đi học. Hôm nào vợ bận không nấu ăn được, anh sẵn sàng đi chợ, vào bếp nấu vài món đơn giản.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Diệu (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, gia đình chị tiết kiệm một khoản kha khá nhờ tăng cường ăn cơm nhà. Theo chị Diệu, kinh tế khó khăn khiến gia đình chị khá cân nhắc mỗi khi ra ngoài ăn tối. Do đó, dịp cuối tuần, thay vì đi ăn nhà hàng, vợ chồng chị chở nhau đi chợ mua thực phẩm về chế biến.

“Chồng tôi rất thích món bún giò, mì Quảng hoặc các món salad nên cuối tuần là dịp gia đình vào bếp chế biến các món ưa thích. Chồng tôi trước đây rất ngại vào chợ, nhưng bây giờ tôi có thể nhờ anh đi chợ mua cái này cái kia và sẵn sàng nhặt rau, rửa rau trong lúc vợ đứng bếp. Sự chia sẻ này giúp không khí gia đình luôn vui vẻ, thuận hòa và chồng tôi cũng giảm hẳn các triệu chứng đau dạ dày”, chị Diệu nói.

Có thể nói, những món ăn được nêm “nếm” bằng gia vị yêu thương của người vợ, người mẹ góp phần nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Chị Hoàng Thị Hồng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) không ít lần “dỗ chồng” bằng những bữa ăn ngon. Chị kể, có lần vợ chồng “chiến tranh lạnh”, mấy ngày không ai nói với ai lời nào khiến không khí gia đình ngột ngạt, khó chịu. Những lúc đó, chị chủ động vào bếp chế biến vài món ngon, mời chồng dùng bữa và chuyện trò làm lành trong bữa ăn.

Cần sự khéo léo của người nội trợ

Trong cuộc sống gia đình hiện đại, không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc duy trì bữa cơm nhà. Chưa kể, những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên càng trở nên hiếm hoi. Bà Nguyễn Hà Thu, Trưởng ban Gia đình, xã hội và kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc của các cấp Hội phụ nữ đều đề cập đến tầm quan trọng của bữa cơm nhà, bởi đó không chỉ là bữa ăn, mà còn là khoảng thời gian cả nhà ngồi lại bên nhau chuyện trò, giữ “lửa” hạnh phúc.

Bên cạnh đó, bữa cơm cũng là nơi cha mẹ giáo dục con trẻ cách nhường nhịn, lễ phép, chia sẻ. “Tôi cho rằng, giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình không nằm ở những món ăn đắt tiền mà ở sự quan tâm, chăm sóc và hiểu từng nết ăn, nết ở giữa các thành viên. Ví dụ, người chồng thích món tép rang nhưng người vợ lại mang lên món tôm hùm thì chưa chắc chồng đã vừa ý. Do đó, các món ăn ngon trước hết phải hợp khẩu và bảo đảm dinh dưỡng cho từng thành viên trong gia đình”, chị Thu chia sẻ.

Chung quan điểm này, anh Lê Như Thảo, giảng viên ẩm thực Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân, đồng thời là bếp trưởng tại Khách sạn New Orient cho rằng, người nội trợ cần tổ chức tốt bữa ăn gia đình để bảo đảm dinh dưỡng cũng như giúp các thành viên thay đổi khẩu vị mỗi ngày. Trong đó, cần tạo thói quen ăn uống khoa học và nắm rõ công thức chế biến phù hợp sức khỏe, lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; cân đối giữa các nhóm dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

“Không khó để có bữa ăn ngon nếu người nội trợ biết rõ khẩu vị của từng thành viên trong gia đình, đồng thời biết nhiều công thức chế biến trên cùng một nhóm thực phẩm để các bữa ăn trở nên phong phú, hấp dẫn”, anh Như Thảo nói.

Để mỗi bữa cơm không trở thành gánh nặng, người nội trợ cần biết cách sắp xếp thời gian vào bếp hợp lý. Chị Hoàng Thị Hồng nói rằng, chị chỉ mất khoảng 30 phút để nấu bữa trưa do sơ chế thực phẩm từ trước.

“Mỗi buổi sáng, tôi thường dậy sớm tập thể dục, sơ chế thực phẩm, kể cả ướp sẵn các món kho, xào, nướng và nấu trước nồi cơm. Trưa về chỉ cần mang thực phẩm đã sơ chế ra nấu nướng nên rất nhanh gọn. Bên cạnh đó, thay vì luôn phải suy nghĩ hôm nay ăn gì, tôi lên thực đơn cho cả tuần và dành những món chế biến cầu kỳ cho bữa cơm tối hoặc dịp cuối tuần. Để nấu ăn ngon hơn, tôi cũng tham gia một khóa học nấu ăn do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức năm 2019”, chị Hồng chia sẻ.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.