Bạn ở miền xa

.

Trong những hành trình của mình, tôi luôn có bạn.
Những người bạn ở miền xa.

Có đợt tôi theo đoàn công tác của ngành y tế lên ở lại bản biên giới suốt một tuần, thấy những ngôi nhà mái lá lúp xúp không được quy hoạch, xếp đặt theo một thứ tự nào. Vốn dĩ đây là những ngọn đồi nên những con dốc cứ mặc sức nhô lên cao rồi thoải xuống thấp. Người ta lựa những đám đất bằng nhất rồi dựng lên đó những ngôi nhà sàn bằng gỗ. Từ nhà này có thể trông thẳng sang ô cửa sổ rồi xuyên hẳn vào bếp lửa của nhà kia. Một cảnh tượng quen thuộc mà tôi luôn bắt gặp dù ngày đang trưa hay đã trôi sang chiều: Những người đàn ông ngồi bên bậu cửa, tay thoăn thoắt đan lát, họ hướng mặt ra ngoài để đón được nhiều ánh sáng nhất, và ở những chái bếp luôn luôn có khói bay lên.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những già làng kể, nếu xưa kia, người vùng cao dùng lửa để đuổi thú dữ thì bây giờ họ dùng lửa để giữ ấm, hong sấy, lưu trữ hạt giống và thức ăn. Từng chùm thịt trâu, thịt bò gác bếp từ màu đỏ tươi đã chuyển sang đỏ sậm rồi nâu đen. Những trái bắp ngô màu trắng sữa được hái từ ruộng đồng bây giờ cũng chuyển sang màu ngà do khói bếp. Chúng được tết lại thành chùm, mỗi chùm năm trái ngay ngắn chụm đầu vào nhau …

Bên bếp lửa, người phụ nữ khoan thai chụm từng gộc củi già vào sâu hơn, có khi chị cũng chỉ giữ lửa ở trạng thái âm ỉ, sắp tàn. Đôi má ửng hồng vì sức nóng, đôi mắt lấp lánh vì có lửa phản chiếu bên trong, chị kể cho tôi nghe về số phận, câu chuyện cuộc đời. Chị kể về những đêm trăng lên, về những chiều bên dòng suối mát, về tuổi thiếu niên cõng em lên đồi trỉa hạt, về những ngày được mẹ dệt cho bộ váy áo sặc sỡ nhất… Chị xem tôi là bạn để dốc hết nỗi niềm.

Cũng có đôi lần, những người bạn miền xa không biết cách kể chuyện. Họ từ tốn sống một cuộc đời hồn hậu và thuần nhiên. Họ giữ khoảng cách và mang đến nhiều tự do nhất có thể cho vị khách đường xa là tôi.

Lần ấy, tôi dừng chân ở một làng chài để tìm hiểu, thu thập thông tin cho bài viết của mình. Ngày ngày, những người đàn ông vẫn ra biển, những người phụ nữ vẫn miệt mài đan lưới. Họ chẳng cuống quýt trao tôi những câu chuyện như lẽ thông thường… Tôi biết mình phải quan sát và chờ đợi. Để phản ánh về nghề nghiệp, nhịp sống thì có thể làng chài nào cũng giống làng chài nào, nhưng chắc chắn về cảm xúc, văn hóa, đời sống tinh thần thì không. Những thông tin không phải những con số luôn là những thông tin hay, rộng mở và ý nghĩa nhất.

Ngôi làng tôi đến tuy thưa thớt nhưng không quá trầm buồn, xa xôi nhưng không nhuốm màu cô đơn, hẻo lánh. Ở đây, người lớn rất quan tâm việc học hành, giáo dục của con trẻ. Họ có lớp mầm non, có điểm trường lẻ cho các em tiểu học theo học bán trú. Nhà nào có trẻ con đều chọn nơi gọn gàng, tinh tươm nhất làm góc học tập. Khắp ngõ các ngôi nhà đều trồng hoa, treo cờ và những chiếc bóng bay…

Bóng bay phần phật không ngừng trong gió biển. Và xem ra, những em bé lại chính là những người nói năng mạch lạc, hảo chuyện nhất vùng. Các em kể cho tôi nghe về chuyện đi học ở lớp, về cô giáo, về công việc làm ăn của bố mẹ ông bà. Các em còn vẽ tranh biển cả, mặt trời, làm vòng tay, dây đeo bằng vỏ ốc vỏ sò để tặng trước khi chúng tôi chia xa…

Sau chuyến đó, tôi có thêm nhiều chuyến đi đến những miền đất khác nữa. Mỗi nơi, tôi kể những câu chuyện không trùng lặp. Có một điều sâu sắc mà tôi luôn tin rằng - nếu tôi và những nhân vật đã từng gặp gỡ không xem nhau là bạn, không cảm nhận được sự trân trọng, hòa ái của mối duyên tình, nếu những bài viết chỉ được hoàn thành theo logic quen thuộc là cho - tiếp nhận thông tin và soạn thảo - thì sản phẩm hoàn thành chắc chắn sẽ không có nhiều thông điệp và độ lắng sâu.

Tôi tin ở giữa hai chiều lấy và cho thông tin ấy luôn cần thêm một điều gì khác nữa. Như là sự chia sẻ, thấu hiểu và lòng biết ơn…

Với người cầm bút, sau những chuyến đi chính là tác phẩm. Tác phẩm là điều được chờ đợi nhiều nhất. Tuy nhiên, với những người yêu nghề, thương nghề thì chính những kỷ niệm, những người bạn từng có trong những chuyến đi ấy mới chính là những dấu chỉ, là những “vàng son” có sức mạnh bồi đắp thêm sức sống, sự tươi mới và khăng khít cho năm tháng làm nghề.

Lần ấy, tôi đã thôi ý định viết một bài phản ánh về nhịp sống ở làng chài vùng cửa biển. Tấm lòng và sự hồ hởi trong veo của những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi đủ sức đánh thức trong tôi niềm bâng khuâng và hứng thú để hoàn thành hẳn loạt bài ký sự về những điều khác biệt, riêng có và đẹp nhất của một ngôi làng.

Những cô cậu bé ấy, các em chính là những người bạn miền xa mà tôi không thể quên.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.