GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

An cư mới lạc nghiệp

.

Câu chuyện trao “cần câu” hay “con cá” tuy không mới nhưng vẫn mang tính thời sự đối với đồng bào các xã miền núi huyện Hòa Vang. Bởi người nghèo không chỉ cần hỗ trợ phương tiện sinh kế, giống cây, con vật nuôi để phát triển sản xuất mà còn cần hỗ trợ kinh phí để kịp thời sửa chữa nhà ở.

Hiểu được nhu cầu thực tế của người nghèo, năm 2021, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và UBND các xã tiến hành kiểm tra, đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hỗ trợ đối ứng kinh phí để thực hiện sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Nhờ đó, trong năm 2021, Mặt trận thành phố đã hỗ trợ xây mới 17 nhà, Mặt trận huyện hỗ trợ xây mới 3 nhà; đồng thời huyện kiểm tra và thống nhất sửa chữa 40 nhà ở xuống cấp của hộ nghèo với kinh phí hơn 1,65 tỷ đồng, trong đó ngân sách UBND thành phố và UBND huyện đối ứng là 362 triệu đồng. 

Để hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của bà con, tại hội nghị đối thoại ngày 6-4-2022, UBND xã Hòa Phú đã đối thoại trực tiếp với 75 hộ nghèo còn sức lao động trên địa bàn xã nhằm có phương án, giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con. Trong 29 ý kiến tại hội nghị, hầu hết các hộ nghèo đều mong muốn được hỗ trợ kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo cũng mong muốn hỗ trợ sinh kế như: xe nước mía, gà giống, bò giống, cây giống, hệ thống tưới cây để phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ pháp lý về xây dựng chuồng trại tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn mở cửa hàng… Qua đó, lãnh đạo xã đề nghị các hộ đăng ký thoát nghèo và chủ động có kế hoạch sản xuất, đặc biệt là tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ và mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã thực chất và bền vững.

Cùng với chính quyền, trong tháng 5 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang đã phối hợp Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai trao vốn tín dụng quay vòng cho 20 phụ nữ nghèo, khó khăn tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Nhơn với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Theo đó, mỗi hộ được trao 25 triệu đồng để phát triển kinh tế, sửa chữa, nâng cấp nhà ở phòng tránh thiên tai. Đây là cơ hội để chị em phụ nữ nghèo, khó khăn ở các xã miền núi được tiếp cận nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp nhà ở, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể thấy, việc trao “cần câu” hay “con cá” còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, các cấp, ngành, địa phương, cần có giải pháp giúp người dân thoát nghèo bằng tạo kế sinh nhai lâu dài thông qua đào tạo nghề gắn với công việc thực tế của người dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đặc biệt, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp luôn đồng hành với người dân trong việc theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các mô hình, dự án kinh doanh sản xuất để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.