Màu sắc trong trang phục dân tộc

.

* Vì sao dưới thời phong kiến chỉ vua mới được mặc áo màu vàng, các quan trong triều thường mặc áo màu tím? Màu sắc trong trang phục xưa được quy định như thế nào? (Trần Hoàng Vinh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Vị chánh bái (trái) mặc áo màu đỏ trong lễ tế ở Miếu Bà làng Khuê Trung, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Vị chánh bái (trái) mặc áo màu đỏ trong lễ tế ở Miếu Bà làng Khuê Trung, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Ở mỗi dân tộc, việc vận dụng màu sắc trong trang phục có tập quán khác nhau. Ví dụ ở các nước phương Tây, màu đen là màu tang tóc, còn ở Việt Nam và các nước phương Đông thì màu trắng là màu đặc trưng của tang tóc.

Sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” của Tân Việt (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội - 2001), ở điều thứ 40 phân tích rất chi tiết về nội dung “Màu sắc với truyền thống văn hóa dân tộc”.

Theo đó, màu sắc còn mang đặc trưng sắc thái của các tầng lớp xã hội khác nhau: Màu vàng là của vua, từ các quan đại thần cho đến thường dân, cấm không ai được mặc quần áo hoặc xây dựng nhà cửa có màu vàng.

Từ điển tiếng Việt giải thích, triều phục của vua gọi là hoàng bào (áo màu vàng), trên sân khấu tuồng truyền thống, người đóng vai vua chúa luôn khoác lên vai loại áo này. Long bào thường có thêu rồng màu vàng trên lụa sa tanh cũng màu vàng (nên còn gọi là long bào), có hai vạt (trước và sau) bằng nhau, cổ đứng cao, áo và tay đều rộng kiểu áo thụng; nẹp tay, gấu áo thêu vân mây. Mặc áo này phải mang theo một cái đai rộng quanh bụng.

Trở lại với sách đã dẫn, màu tím là sắc phục của các quan đại thần. Màu điều, màu đỏ dành riêng để tế thần và làm sắc phục cho các cụ thượng thọ. Màu nâu sồng là của cửa Thiền dành cho những kẻ quy y Phật tổ, cũng như màu đen là sắc phục của linh mục đạo Ky-tô. Màu xanh là của những người còn theo đòi “cửa Khổng sân Trình”, của học trò chưa đỗ đạt.

Trong một bài thơ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp gửi Tiến sĩ Nguyễn Khản có câu: “Quân kim bảo hốt trung triều sĩ/ Cố ngã lâm tuyền khâm thương thanh”. Nghĩa là: Nay ngài đã là khanh tướng trong triều mà còn nhớ đến bạn học ngày xưa áo vẫn xanh. “Áo vẫn xanh” tức là người chưa hiển đạt, vẫn còn mặc bộ quần áo của người hàn sĩ.

Màu đào tức màu hoa đào là của các nàng ca sĩ, cho nên mới có danh từ “Hát ả đào”. Màu đen, màu nâu là trang phục rẻ tiền nhất của quần chúng nông dân.

Ở Việt Nam, từ xưa tới nay, màu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong trướng đối chỉ dành để chúc tụng, khao lão, mừng rỡ; còn trong lễ tang chỉ có thể dùng màu trắng, màu xanh, màu đen, màu tím...

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.