Câu ca nặng nghĩa, sâu tình

.

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”. Câu ca khuyết danh này có từ lâu để chỉ một vùng đất và thứ đặc sản hảo hạng của xứ sở. Ẩn chứa theo chiều sâu trong câu ca ấy chính là cái nghĩa, cái tình và các món ẩm thực độc đáo của xứ Quảng.

Đến xứ Quảng, du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của các di tích trầm mặc dưới bóng thời gian. TRONG ẢNH: Phố cổ Hội An nhìn trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN
Đến xứ Quảng, du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của các di tích trầm mặc dưới bóng thời gian. TRONG ẢNH: Phố cổ Hội An nhìn trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Đất chưa mưa đà thấm là hình tượng một miền quê màu mỡ, phì nhiêu, cây cối quanh năm tươi tốt bởi trong đất luôn có nhiều độ ẩm, dẫu hạn hán thì mầm xanh cũng bật chồi vươn cao, đơm hoa, kết trái.

Rượu Hồng Đào được truyền lại có màu hồng nhạt với mùi thơm vương vấn, vừa giản dị, vừa sang trọng mỗi khi rót đãi khách quý. Rượu Hồng Đào làm ngất ngây, quyến rũ lòng người bởi mới ngửi được mùi vị thoang thoảng thôi mà đã say. Đây cũng là sự nhân cách hóa để chỉ một thứ rượu ngon từ lâu đời tại làng Bảo An, Gò Nổi (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Hai câu ca “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” mang nghĩa bóng cực kỳ tinh tế, sâu sắc về đất, về người, về thứ ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Đất “chưa mưa đà thấm” cũng hàm ý rằng, con người nơi đây không chỉ cần mẫn, mộc mạc, chất phác, giàu lòng mến khách, mà còn nhạy bén, xông xáo, sẵn sàng đi trước, đón đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rượu Hồng Đào chỉ là một sản phẩm tiêu dùng bình thường nhưng đại diện cho hàng chục món ẩm thực khác mà du khách muôn nơi mới chỉ thưởng thức qua mùi vị chứ chưa ăn mà đã xiêu lòng như mì Quảng, bê thui, cao lầu phố Hội...

2. Trong một số bài viết tranh luận về nguồn gốc của rượu Hồng Đào, người thì nói rượu này không có thật, người khác lại bảo xứ sở của rượu Hồng Đào là Gò Nổi rành rành ra đó chớ sao lại không có. Hai ý trái chiều đến nay vẫn chưa có phía nào đưa ra những chứng cứ thuyết phục. Sách Bảo An đất và người (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng, 1999) cho biết: Bến Đường bên bờ sông Thu Bồn ngày xưa thuộc làng Bảo An là bến sông duy nhất của làng chở mía, đường đi bán khắp nơi. Làng Bảo An trồng mía, có nhiều đường, mật, người làng sớm biết dùng gạo và mật mía làm nguyên liệu nấu rượu. Men rượu được chế biến từ thuốc bắc và đựng trong các hũ sành nên rượu Bảo An thơm ngon nức tiếng.

Còn theo truyền thuyết về nguồn gốc của rượu Hồng Đào, ngày xưa tại làng Bảo An, Gò Nổi có hai cha con nông dân họ Nguyễn sinh sống trong ngôi nhà nhỏ ven sông Thu Bồn. Người cha làm nghề trồng dâu, nấu rượu. Cô con gái tuổi đôi mươi tên Hồng Đào hằng ngày giúp cha nuôi tằm, dệt lụa. Cô gái xinh đẹp, hiền thục, đoan trang nhất làng. Mỗi chiều, khi xong việc, Hồng Đào phụ giúp cha bán rượu cho dân làng. Cha nàng nấu rượu bằng gạo lúa mới, ướp hương thơm từ những quả đào chín mọng rồi ủ trong chum sành, chôn sâu dưới đất nên rất thơm ngon. Quán rượu nghèo chiều nào cũng có người tìm tới, nhất là đám trai làng. Họ lấy cớ nhâm nhi ly rượu để được ngồi ngắm dung nhan, tán tỉnh cô thôn nữ xinh đẹp. Dần dà dân làng đều gọi cái quán nhỏ của hai cha con họ Nguyễn cũng như thứ rượu nấu ra để bán theo tên của cô gái. Thế là rượu Hồng Đào ra đời từ đó…

Cũng có câu chuyện khác liên quan rượu Hồng Đào. Chuyện kể rằng, ngày trước có một chàng trai đến nhà người yêu thăm chơi, được người yêu rót rượu trắng mời. Gương mặt hồng hào, xinh đẹp của người yêu in bóng vào ly rượu sóng sánh khiến chàng trai càng mê mẩn nên anh đặt tên cho ly rượu ấy là Hồng Đào. Cái say ở đây là say sắc, say tình, chứ không phải say rượu. 

3. Cũng theo các cụ cao niên của vùng đất Bảo An, Gò Nổi, rượu Hồng Đào là đặc sản lâu đời ở cái cù lao có hai nhánh sông Thu Bồn bao bọc này. Bà con nông dân nơi đây làm rượu theo lối thủ công với nguyên liệu chính là nếp Bà Rén quý hiếm của Điện Bàn; trong quá trình ủ men cho thêm trái bồ quân để tạo vị thơm ngọt và có một màu hồng rất đặc trưng. Ngày trước lúa gạo ít, bà con nông dân thường để lúa ăn đợi giáp hạt nên chỉ đến mùa gặt mới dành vài ang gạo nấu rượu. Gạo nấu phải là lúa mới, không quá 100 ngày, được xay bằng cối tre, hạt gạo còn nguyên, xanh ngà, nấu thành cơm không nở to. Sau khi cơm nguội trộn với men, ủ trong chum sành khoảng một tuần thì đem chưng cất, rồi đổ rượu vào chum chôn dưới đất sau 100 ngày mới lấy lên dùng. Những chum rượu của người dân làng Bảo An, Gò Nổi nấu ra vẫn là tự cung tự cấp, phục vụ việc cúng kính tổ tiên, tiếp đãi bạn bè tri kỷ.

Chuyện là thế nhưng ngày nay ở Bảo An, Gò Nổi chẳng ai nấu thứ rượu này. Đến với xứ Quảng, bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của bao di tích trầm mặc dưới bóng thời gian, du khách còn có dịp thưởng thức các món ẩm thực nổi tiểng của miền đất chưa mưa đà thấm.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.