ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN

Nghĩa tình "Mái ấm công đoàn"

.

“Nhiều năm qua, nhà tôi luôn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: tất cả mái tôn bị hỏng, đòn tay bị mục nên mỗi lần mùa mưa bão đến, nước tràn xuống ngập hết nền nhà. Được sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà, tôi vay mượn thêm 30 triệu đồng để sửa lại nhà. Bây giờ, tôi đã yên tâm hơn trong mùa mưa tới”, ông Lê Công Tam (đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Quang Trung, quận Sơn Trà) phấn khởi cho biết.

Ông Lê Công Tam (phải) trao đổi với lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà về tiến độ thi công công trình sửa chữa nhà ở của mình sau khi được hỗ trợ từ chương trình “Mái ấm công đoàn”. Ảnh: Đ.H.L
Ông Lê Công Tam (phải) trao đổi với lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà về tiến độ thi công công trình sửa chữa nhà ở của mình sau khi được hỗ trợ từ chương trình “Mái ấm công đoàn”. Ảnh: Đ.H.L

Căn nhà cấp bốn nằm ẩm thấp trong con hẻm nhỏ ở cuối đường Trương Định (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là nơi gia đình ông Lê Công Tam cư ngụ. Đây là một trong 3 căn nhà được Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà hỗ trợ 20 triệu đồng từ quỹ chương trình “Mái ấm công đoàn” để sửa chữa nhà.

“Có chỗ an cư lạc nghiệp”

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông Lê Công Tam cho biết, ông làm bảo vệ ở Trường Tiểu học Quang Trung từ năm 1999 đến nay, thu nhập trung bình mỗi tháng 4,4 triệu đồng, trong khi vợ ông buôn bán nhỏ ở chợ và nuôi hai con. Do đó, gia đình chỉ đủ ăn mà không có dư để sửa lại nhà. Nhờ có chương trình “Mái ấm công đoàn”, vợ chồng ông có ngôi nhà vững chải hơn.

Còn cô Phan Ngô Hồng Xuyên ở đường Hoàng Diệu (phường Nam Dương, quận Hải Châu) là trường hợp khá đặc biệt của Công đoàn Trường Tiểu học Ngô Gia Tự. Cô Xuyên hiện chưa có nhà nên phải ở nhờ nhà mẹ ruột, chỉ vỏn vẹn 36m2 với 11 nhân khẩu. Việc ở đông người trong một ngôi nhà chật chội nên rất khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, nhất là có nhiều trẻ nhỏ.

Hiện nay, cô Xuyên đã vay mượn tiền mua được một lô đất ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và đang xin giấy phép xây dựng nhà. “Tôi vẫn đang nợ tiền mua đất nên khi được Công đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tôi rất quý. Dù đi làm hơi xa, cách trung tâm thành phố 20km nhưng nghĩ tới việc sắp có nhà mới thì vợ chồng tôi rất vui, bởi có chỗ an cư mới lạc nghiệp, tránh va chạm với người thân khi phải sống trong cảnh chật chội, đông đúc”, cô Xuyên giải thích.

Gia đình ông Lê Công Tam và cô Phan Ngô Hồng Xuyên là 2 trong 6 trường hợp được Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà xét hỗ trợ xây và sửa nhà ở của chương trình “Mái ấm công đoàn” năm 2022. Ông Võ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Sơn Trà cho biết, năm ngoái, quận nằm trong vùng cách ly y tế nên không triển khai chương trình “Mái ấm công đoàn” mà chuyển chỉ tiêu gộp vào năm nay. Theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động thành phố, Liên đoàn Lao động quận triển khai cho các Công đoàn cơ sở làm hồ sơ, trong đó quy định người lao động phải có đất nếu xây nhà, phải có nhà xuống cấp nếu sửa chữa để tránh việc hỗ trợ đoàn viên xây dựng nhà trái phép.

“Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Liên đoàn Lao động quậnsẽ khảo sát thực tế từng hoàn cảnh gia đình cụ thể và đề xuất với Liên đoàn Lao động thành phố. Trong quá trình sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở, Liên đoàn Lao động quận trao một nửa số tiền và một nửa còn lại sẽ được trao sau khi công trình hoàn thành. Hiện nay, nhu cầu sửa chữa và xây nhà của đoàn viên công đoàn là rất cao nhưng do nguồn tài chính có hạn nên chỉ xét những trường hợp đặc biệt khó khăn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hướng đến công nhân lao động

Chương trình “Mái ấm công đoàn” được triển khai từ năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2014, chương trình chuyển sang thực hiện từ Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn bằng việc vận động người lao động trích một nửa ngày lương/năm. Hiện Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn hỗ trợ đoàn viên công đoàn xây và sửa chữa nhà ở; hỗ trợ người lao động bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo; đóng góp ủng hộ thiên tai bão lũ, xây dựng biển đảo… Năm 2021, nguồn Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn thành phố huy động khoảng 3 tỷ đồng và đã sửa 39 căn nhà, xây 15 căn nhà.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người lao động về nhà ở, trong năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố giao chỉ tiêu cho các cấp trên cơ sở vận động khối hành chính đạt 95-100% tổng số người lao động tham gia đóng quỹ; khối ngoài khu vực Nhà nước phấn đấu đóng khoảng 70% tổng số người lao động tham gia. Hiện công nhân vẫn là đối tượng có nhu cầu nhiều nhất nhưng lại hưởng thụ ít nhất từ chương trình “Mái ấm công đoàn”. Do đó, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố kiến nghị thành phố xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê hoặc mua.

Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, trong năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố dự kiến sửa 50 căn nhà, xây mới 40 căn nhà. So với thực tế, chương trình “Mái ấm công đoàn” vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người lao động, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp.Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân lao động, tháng 4-2019, thành phố Đà Nẵng đã khởi công xây dựng công trình nhà ở công nhân lao động Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 1) tại Khu công nghiệp Hòa Cầm và hoàn thành vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố cũng phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang xây dựng nhà nội trú cho giáo viên xã Hòa Bắc với số tiền đầu tư trên 800 triệu đồng. Sau khi các công trình này đưa vào sử dụng, đoàn viên công đoàn là đối tượng được ưu tiên thụ hưởng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên, tạo sự khác biệt trong công tác chăm lo cho người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, từ đó khẳng định vai trò và định hướng hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Giải quyết bức thiết chỗ ở cho công nhân

Dự án Nhà ở công nhân lao động Khu công nghiệp Hòa Cầm được UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 4237/QĐ-UBND ngày 21-9-2018 với tổng diện tích đất 27.755m2, trong đó, đất xây dựng công trình là 6.827m2, đất cây xanh, đường nội bộ 20.755m2. Dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giải quyết trước những bức thiết về chỗ ở cho công nhân lao động. Trong đó, giai đoạn 1 gồm 3 khối nhà ở 5 tầng với 278 phòng đơn 16m2; 7 phòng đôi 32m2; 3 phòng sinh hoạt chung, 1 nhà trẻ, 1 phòng y tế giải quyết chỗ ở cho khoảng 584 công nhân; nhà xe giai đoạn 1; hạ tầng kỹ thuật và san nền toàn khu với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng do UBND thành phố hỗ trợ kinh phí. Giai đoạn 2 gồm 5 khối nhà ở 5 tầng, nhà xe, siêu thị mini, nhà trẻ và các hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.