Hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại ngày xưa

.

Là vị cử nhân thứ 729 của nhà Nguyễn, ông Phan Trí Hòa được lưu danh trong sách Đại Nam thực lục - bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa và vua nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Cử nhân Phan Trí Hòa được lưu danh trong sách Đại Nam thực lục (ảnh trái) và được thờ tự tại nhà thờ tộc Phan thôn Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T
Cử nhân Phan Trí Hòa được lưu danh trong sách Đại Nam thực lục (ảnh trái) và được thờ tự tại nhà thờ tộc Phan thôn Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T

Song song với việc cải cách, củng cố bộ máy nhà nước, các vua triều Nguyễn còn có cơ chế giám sát hành vi của đội ngũ quan lại các cấp. Năm 1804, vua Gia Long đặt các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Năm 1827, vua Minh Mạng đặt thêm các chức Cấp sự trung và Giám sát ngự sử.   

Là Thự Cấp sự trung từ triều Minh Mạng, ông Phan Trí Hòa không khỏi lo lắng cho bộ máy quan lại đương thời, nhất là hậu quả do tình trạng “nhất quyết” gây ra. Theo đó, trong việc cất nhắc, bổ nhiệm quan lại mỗi khi bị khuyết, về nguyên tắc do đình thần đề cử nhưng thực tế lại do một vị quan có thế lực quyết định.

Chính đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, buôn quan, bán chức hoặc gây bè kết phái chốn quan trường. Ngay cả việc bổ khuyết các chức quan Khoa, Đạo (tức quan thanh tra, giám sát việc thực hiện các nghi chế trong triều đình, phát hiện những điều không hợp lệ của quan chế và những sai trái của quan lại) cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy.

Do được các vị trưởng quan ưu ái, chiếu cố nên một số vị quan Khoa, Đạo khi được thăng bổ thường bỏ qua những khuyết điểm, sai trái của số quan lại (được bổ nhiệm theo hướng “lợi ích nhóm” của vị trưởng quan). Hệ lụy không tránh khỏi là hình ảnh chốn quan trường bị hoen ố, niềm tin của quan lại và dân chúng vào bộ máy công quyền giảm sút nghiêm trọng.   

Tháng Tư năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), sau khi nhà vua mới lên ngôi được 3 tháng, Thự Cấp sự trung Phan Trí Hòa dâng sớ tâu những điều “gan ruột” liên quan đến việc đề cử quan lại, nhất là quan Khoa, Đạo. Sách Đại Nam thực lục (tập 6, NXB Giáo dục 2007) ghi lại lời tâu ấy của ông như sau:

“Đặt ra chức Khoa, Đạo cốt để giữ khuôn phép các nghi chế trong triều để chỉnh đốn về phương pháp làm quan. Từ trước đến giờ, có ngạch quan nào khuyết, theo lệ, phải do đình thần đề cử; tuy tiếng gọi là đình thần cử ra, nhưng thực thì do một người nào đó đề cử. Cho nên, những kẻ muốn được chóng thăng, không khỏi có sự cậy nhờ thế lực, hoặc bè đảng nâng đỡ. Huống chi chức Khoa, Đạo đã do đình thần cử ra, thì sau này không khỏi có chút nhân tình, e rằng sẽ có cái tệ nể mặt. Từ nay về sau, nếu có khuyết chức Khoa, Đạo nào, xin do Bộ Lại chọn các viên tri phủ, tri huyện có thâm niên, các chủ sự có chân khoa mục làm danh sách kê rõ sự trạng tâu lên Bộ Lại, để xem xét thăng bổ”.

Đọc lời tâu, vua Thiệu Trị tuy cho rằng đề xuất của Phan Trí Hòa về cách chọn cử quan Khoa, Đạo “chưa được hợp lý”, nhưng cũng đồng tình với quan điểm phải “sửa chữa phương pháp cho người làm quan được trong sạch xứng chức”.

Nhà vua cho rằng, đây “vốn là ý của ta buổi đầu dùng người, mong được thịnh trị”. Để khắc phục những  khuyết điểm, sai trái  trong “công tác cán bộ” mà Thự Cấp sự trung họ Phan chỉ ra, vua định lệnh: “Chuẩn cho từ nay về sau, phàm những người được dự vào chân kén chọn cử người, phải cấm tuyệt không cho ai ra vào tư túi, theo đúng phép công, cần xem người mình ứng cử ấy về học hành, về chính sự, có đáng làm chức ấy không đã, rồi sau mới chỉ rõ tên để bảo cử. Còn người được tiến cử phải nên hết lòng với chức vụ của mình, giữ gìn ngay thẳng công bằng, trên có thể báo đáp trách nhiệm đã giao cho, dưới có thể không phụ lòng người đã tiến cử mình”. Nhà vua cảnh báo nghiêm khắc: “Nếu lại bè đảng với nhau, một khi bị người đàn hặc (buộc tội, tố cáo - ĐNCT), hoặc là tự ta xét ra được, tất phải trị tội nặng”.

Có thể thấy, từ lời tâu của ông Phan Trí Hòa, triều đình nhà Nguyễn, ngay từ thời vua Thiệu Trị, đã có sự thay đổi quan trọng trong chế độ công cử, tiến cử quan lại, đó là quy định về tiêu chuẩn để được tiến cử, đề bạt; về trách nhiệm của người đề cử - tiến cử; về bổn phận của người được tiến cử, bổ nhiệm; về chống tiêu cực trong việc đề bạt quan lại, nhất là trong đề bạt các chức quan thanh tra, giám sát quan lại.

VÂN TRÌNH
;
;
.
.
.
.
.