Khó khăn đâu chỉ riêng mình...

.

Lúc dịch bệnh đang dần qua đi, cuộc sống dần trở lại bình thường, người ta bắt đầu nhìn thấu những khó khăn của nhau và thấm thía những khó khăn của mình. Mấy chị hàng xóm chiều nào cũng bế con đứng trước nhà than: “Hàng quán dạo này ế quá”. “Cũng đã cố xoay xở đủ cách đấy chứ”, chị Liễu nói lúc nheo mắt nhìn cái nắng hắt thẳng vào nhà. Nhà chị bán thắng cố lẩu ngựa đã có lúc phải chuyển sang bán bia. Thấy chẳng đâu vào đâu lại chuyển sang bán phở sáng, nhưng cũng chẳng đông khách hơn là mấy. Cuộc sống sau đại dịch trở nên khó khăn hơn. Lương thấp, xăng tăng, vật giá leo thang nên nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thế nhưng, đâu thể cứ ngồi mà than thở mãi. Mấy thẻo đất bên hông nhà bỏ hoang, chị em phụ nữ bảo nhau làm đất trồng rau. Nắm hạt giống chia nhau, chẳng mấy chốc rau đã mọc xanh mơn mởn. Nhà này vừa ăn hết thì nhà kia đã kịp ra đợt mới. Trên thẻo đất nhỏ còn vùi thêm được chục gốc mía, ít dây củ đậu, trồng vài cây na, cây ổi làm quà cho lũ trẻ những mùa sau. Nào đã hết đâu, chị em còn bảo nhau trồng xen vào mấy gốc nha đam để làm đẹp, thêm vài loại lá uống giảm cân.

Phụ nữ dễ buồn, cũng dễ vui. Lo toan nhàu nhĩ đấy nhưng chỉ cần quanh quẩn với cây cối vườn nhà cũng thấy lòng nhẹ nhõm phần nào. Buổi tối, cánh đàn ông rủ nhau đi soi cua đồng về nấu bát canh chua. Rảnh thì ngồi pha ấm nước chè bàn nhau mua ít gà, vịt về nuôi. Kể từ đó, xóm có tiếng gà trống gáy báo canh, gà mái nhảy ổ đẻ kêu ầm ĩ những buổi trưa hè. Cánh đồng sau nhà vào những đợt mưa to, nước lên lênh láng, có thêm đàn vịt khua nước bơi tìm mồi. Lũ trẻ con có thêm niềm vui đi tìm ổ trứng gà đẻ ngoài bờ bụi. Bữa cơm được cải thiện bằng thực phẩm sạch của nhà làm ra, vừa đỡ tốn tiền, vừa không lo thuốc thang độc hại.

Trước cửa quán bán sơn mới có thêm bộ đồ rửa xe. Ngày chỉ cần có chục khách rửa xe cũng đủ tiền chợ búa. Chị Liễu nhận thêm đồ hàng mã về làm. Những lúc quán vắng khách, chị ngồi dán từng con ngựa giấy. Quán bán quần áo cũng bày thêm mẹt đồ quê đón khách công nhân giờ tan ca về. Chị bảo: “Có đứa em dâu ngày nào cũng đi làm qua nhà. Toàn đồ của bố mẹ già gửi xuống bán được đồng nào vui đồng ấy để bố mẹ thêm thắt tiền thuốc thang, cỗ bàn. Người già chẳng làm gì ra tiền, thương lắm”.

Nhìn những bắp ngô nếp, vài quả bí ngô, vại dưa sắn muối chua, mấy túm vải đầu mùa mà hình dung dáng người mẹ quê tảo tần, vất vả. Nhà ngay sát chợ, một chợ tự phát dành cho công nhân. Buổi sớm, vài người đẩy xe ra bán đồ ăn sáng. Buổi trưa chỉ còn lại chiếc xe bán hoa quả phủ chăn, chị bán hàng trải bao tải ra nằm cuộn trọn dưới cái dù che nắng. Thỉnh thoảng mới có khách dừng lại hỏi mua, chê thứ này kém tươi, thứ kia đắt quá. Chợ đông nhất vào mỗi buổi chiều.Từ khắp các ngõ ngách, người cắp vài mớ rau, người vài chục trứng, người mớ tép, con tôm mới đánh dưới sông, người có buồng chuối chín cây mang bán kiếm vài đồng mua cho cháu bộ quần áo mới.

Chợ nghèo, bán mua dễ chịu. Người bán nói của nhà làm ra, nên trả rẻ vài đồng cũng dễ gật đầu. Người mua có khi chẳng nỡ mặc cả vài nghìn đồng lẻ với bà cụ đang chìa mớ rau bằng bàn tay run rẩy. Có người mua vì thiếu, vì thèm, cũng có người mua vì thương, vì nhớ. Thương chợ tàn, bóng tối đã phủ khắp ngả đường mà ông cụ còn nấn ná ngồi bán nốt mấy cân dưa chuột xấu mã. Ai đó dừng lại đòi mua hết, chẳng mặc cả, cũng chẳng buồn nhìn cân đồng hồ. Ông cụ nói như phân trần: “Dưa xấu mã vì nhà tôi không phun thuốc. Trồng cho các cháu ăn, nhiều quá mang bán bớt”. Có khi người ta mua vì nhớ, như tôi nhìn chậu trai hến, ốc cua là cồn cào nhớ hương vị tuổi thơ thoang thoảng mùi bùn; nhớ những đêm hè bố đeo đèn ắc-quy, lội chân trần dưới đồng bắt con cua con ếch; nhớ những trưa hè nắng như đổ lửa, mấy chị em trốn ngủ rủ nhau đi đãi hến dưới mương. Giờ những con mương không còn nữa. Hến, trai cũng ít dần đi. Nhưng mỗi lần thấy chậu hến, trai bày bán chợ nghèo là nhớ tuổi thơ, anh em nghèo thương nhau từng mảnh vá.

Có những chiều nhìn đứa trẻ thay mẹ ra chợ bán buồng cau, nải chuối, nhìn cụ ông, cụ bà cười móm mén vuốt từng đồng tiền lẻ, lòng tự nhủ những khó khăn này đâu chỉ riêng mình. Chúng ta đã từng sống qua những giai đoạn khó khăn hơn hiện tại rất nhiều. Như người dân quê tôi đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã chống trọi những mùa hạn kéo dài bằng rau rừng, cơm độn sắn ngô. Hơn hết, chúng tôi đã vượt qua bằng sự lạc quan trước bao nghịch cảnh.

Bây giờ, cuộc sống đủ đầy và thuận lợi hơn xưa. Những lúc khó khăn cũng chỉ là tạm thời, là một đoạn đường đời ngay trước mắt. Đi qua những ngày mưa mới thấy yêu hơn ngày nắng. Qua đoạn đời giông bão rồi sẽ thấy một bầu trời quang đãng, trong xanh.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.