KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2022)

Chăm sóc thương bệnh binh ngày ấy

.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những gì tôi chứng kiến trong những năm 1968, 1969 ở vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vẫn còn mãi trong ký ức, nhất là hình ảnh về công tác tiếp nhận, điều trị, chăm sóc thương bệnh binh của các đơn vị dân y ngày ấy.

Chiến dịch Trị Thiên, Chiến dịch Nam - Ngãi và Chiến dịch Đà Nẵng diễn ra vào tháng 3-1975, lần lượt giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung. TRONG ẢNH: Quân giải phóng chờ đến giờ nổ súng tấn công căn cứ Dương Đế, Tam Kỳ, Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)
Chiến dịch Trị Thiên, Chiến dịch Nam - Ngãi và Chiến dịch Đà Nẵng diễn ra vào tháng 3-1975, lần lượt giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung. TRONG ẢNH: Quân giải phóng chờ đến giờ nổ súng tấn công căn cứ Dương Đế, Tam Kỳ, Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta dịp Tết Mậu Thân 1968, địch bắt đầu mở các cuộc phản công, càn quét trên quy mô lớn vào vùng giải phóng của ta vô cùng quyết liệt và tàn khốc.

Bảo vệ thương bệnh binh và người dân

Cuối tháng 2-1968, tôi một mình đi lên chợ Hội An rồi theo đò về chợ Nồi Rang (thuộc xã Xuyên Nghĩa, huyện Duy Xuyên) - vùng giải phóng của ta. Lúc đó, các đơn vị của Thị ủy Hội An đều đóng quân ở vùng Đông của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, vì tất cả các xã của Hội An đều do địch chiếm đóng. Má tôi cũng đang công tác ở Ban dân y Hội An và đóng quân tại đấy.

Do liên lạc từ trước nên tôi được tiếp nhận công tác ở Ban giao bưu Thị ủy Hội An, đóng quân ở xã Duy Nghĩa. Nhiệm vụ của tôi là hằng ngày đi khắp các đơn vị thuộc Thị ủy Hội An để đưa nhận công văn; đồng thời mỗi chiều tôi lên Trạm giao bưu của tỉnh Quảng Đà đóng ở Xuyên Tân (gần quốc lộ 1A), rồi 3 giờ sáng hôm sau quay trở lại để đưa đón cán bộ đi công tác và vận chuyển công văn. Muốn vậy, mỗi ngày tôi phải qua sông Trường Giang hai lần bằng cách cho công văn, áo quần và súng đạn vào tấm nilon đi mưa bọc lại làm phao bơi qua sông dài cả trăm mét. Cán bộ, các thương bệnh binh do tôi dẫn đường cũng đều làm như thế vì không có con đò nào cả.

Với điều kiện như vậy, tôi có dịp đến với các Trạm dân y T1 và T2 của Thị ủy Hội An ở vùng Đông của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình. Tôi đã chứng kiến công tác điều trị, chăm sóc, bảo vệ thương bệnh binh của các y, bác sĩ, hộ lý trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, vất vả, nhưng ở họ đều toát lên tinh thần trách nhiệm và đầy ắp sự tận tụy, yêu thương.

Khác với chiến khu miền núi, ở các vùng giải phóng cánh đồng bằng vẫn còn dân bám trụ, nên các trạm dân y đóng quân trong các nhà dân là chính. Các trạm dân y vừa lo chuyên môn, vừa lo công tác dân vận, gắn với nêu cao cảnh giác, bảo mật để bảo vệ thương bệnh binh và người dân. Mỗi trạm dân y, ngoài các hầm của dân đều phải làm thêm một số hầm trú bom đạn và hầm bí mật riêng để nuôi giấu thương bệnh binh khi địch mở các đợt càn quét.

Các y, bác sĩ, hộ lý thường ngày thức dậy từ 2 giờ để lo nấu ăn, chăm sóc vết thương cho các thương binh, chuẩn bị tư thế sẵn sàng chống càn của địch khi có lệnh. Hôm nào có tin địch mở đợt càn quét thì mọi việc ăn uống, lo cơm nắm, chăm sóc thuốc men cho thương bệnh binh đều phải hoàn thành trước 4 giờ rồi nhanh chóng đưa thương bệnh binh ra các vị trí hầm bí mật để ẩn nấp.

Với các thương binh nặng nằm cáng, việc đưa xuống hầm bí mật là cả vấn đề. Cửa hầm bí mật phải rộng một chút, căn hầm phải to hơn, ở vị trí thuận lợi và việc đưa xuống hoặc đón lên phải có từ 2-4 người mới làm được. Vị trí hầm bí mật càng xa thì sự vất vả của đội ngũ phục vụ càng tăng lên gấp nhiều lần do việc di chuyển và xóa dấu vết để người lạ và kẻ địch không phát hiện. Có những thương binh nặng khi nằm hầm bí mật phải có y sĩ hoặc hộ lý trú cùng để chăm sóc vết thương, lo ăn uống và điều chỉnh các lỗ thông hơi thì mới có thể hít thở tốt hơn.

Thiếu vật tư y tế

Tháng 4-1969, địch mở đợt càn quét kéo dài hàng tháng trời ở các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên. Đây là cuộc càn quét quy mô lớn chưa từng có khi chúng phát hiện các đơn vị bộ đội chủ lực của ta vừa di chuyển từ miền núi xuống vùng Đông. Do vậy, chúng điều các tiểu đoàn lính đánh thuê khét tiếng Nam Triều Tiên từ Hội An tràn qua. Các tàu đổ bộ quân từ phía biển Xuyên Phước, Bình Dương, Bình Đào... ập lên. Các cánh quân gồm xe tăng, xe bọc thép và bộ binh từ Tuần Dưỡng kéo ra, hay từ trên Núi Quế đi xuống. Rồi hàng chục máy bay trực thăng ồ ạt từ sân bay Chu Lai đổ quân trên các trảng cát ở Xuyên Nghĩa và Bình Dương. Cuộc bao vây này của địch nhằm gom toàn bộ lực lượng của ta vào một nơi để tiêu diệt.

Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương, có cả các đơn vị bộ đội Hội An đóng quân trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ, đánh trả quyết liệt, mở đường máu đưa các lực lượng không chiến đấu thoát ra khỏi vòng vây của địch an toàn.

Đáng chú ý, các đơn vị dân y đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, thử thách để chăm sóc, bảo vệ thương bệnh binh trong điều kiện tấn công khốc liệt như vậy. Các trạm dân y có địch đóng quân ở gần nên việc theo dõi, chăm sóc thương bệnh binh của các y, bác sĩ, hộ lý gian khổ không sao kể xiết. Việc nấu và đưa cơm, nước uống, thuốc men xuống từng hầm bí mật cho thương bệnh binh khi màn đêm tràn về đầy nhọc nhằn, hiểm nguy. Các y, bác sĩ, hộ lý phải chia nhau thành nhiều tốp lần đi từng bước trong màn đêm và giữ sự bí mật tuyệt đối để kẻ địch không phát hiện.

Tôi còn nhớ, chính đợt càn quét này, do có sự chỉ điểm của một số cán bộ ở địa phương “chiêu hồi” nên hàng chục hầm bí mật của cán bộ xã, huyện và thương bệnh binh các Trạm dân y T1 và T2
của Thị ủy Hội An đóng ở vùng Đông của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình bị địch phát hiện. Chúng đã bao vây và cho đào xuống các hầm bí mật để bắt sống hoặc thả lựu đạn làm nhiều cán bộ xã, huyện và thương bệnh binh của ta hy sinh.

Có những lần được nghỉ công tác, tôi vào thăm má và ở lại Trạm dân y T1 thì phát hiện thêm một câu chuyện khác không kém phần bức bách trong công tác chăm sóc thương bệnh binh. Đó là sự thiếu thốn vật tư y tế, trong đó thiếu băng, gạc để chăm sóc vết thương hằng ngày cho thương binh, chứ chưa nói đến thuốc men, hay các dụng cụ y tế chuyên dùng cho phẫu thuật. Thậm chí, tất cả băng, gạc băng bó các vết thương cho thương binh đều phải được sử dụng trở lại. Do vậy, sau khi tháo băng gạc từ các vết thương, các y sĩ, hộ lý đều phải thu gom hết rồi giặt tay từng cái một.

Giặt băng gạc đã khó, việc phơi băng, gạc trong điều kiện phải đề phòng máy bay địch tuần tra phát hiện càng khó hơn. Các y sĩ, hộ lý ở các trạm dân y phải thay nhau trực chiến, nếu băng gạc khô là thu hồi ngay, xếp lại gọn gàng rồi đưa vào hấp sấy, khử trùng bằng các biện pháp thủ công.

Có lần, tôi chứng kiến một thương binh nặng được đưa từ vùng nội ô Cẩm Hà (Hội An) ra, phải phẫu thuật cắt cả tay và chân. Thuốc gây mê không đủ để tiến hành ca mổ, nhưng nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng của thương binh. Vì vậy, các y, bác sĩ Trạm dân y T1 quyết định vừa gây mê với lượng thuốc ít ỏi, vừa dùng cả sức mạnh của mọi người để đè chặt anh thương binh rồi cắt bỏ phần tay và chân bị hoại tử. Từ trong căn phòng mổ đơn sơ được che bằng các tấm nilon vang lên tiếng kêu la dữ dội của anh thương binh khiến mọi người đứng bên ngoài rơi nước mắt.

Có thể nói, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cùng với các chiến sĩ ngày đêm chiến đấu giáp mặt với quân thù, thì các y, bác sĩ, hộ lý điều trị, chăm sóc các thương bệnh binh ở các đơn vị quân, dân y cũng đối diện vô vàn khó khăn, vất vả. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi hoặc mang trên mình nhiều thương tích do đạn bom, hoặc do những căn bệnh hiểm nghèo khác. Những sự hy sinh, cống hiến ấy đã góp phần không nhỏ mang lại độc lập, tự do cho đất nước.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.