Lựa chọn hay nỗ lực, điều gì quan trọng hơn?

.

Những ngày này, nhiều hội nhóm, diễn đàn phụ huynh rôm rả việc chọn trường cho con chuyển cấp. Thực tế, ngay từ sớm, dựa vào điều kiện gia đình và lực học của con em, đa phần phụ huynh đã có định hướng chọn trường, đăng ký nguyện vọng khi nộp hồ sơ. Thế nhưng, khi có thông báo kết quả, không ít người vẫn phân vân, hối tiếc.

Hiển nhiên, những gia đình có con em học lực trung bình sẽ có ít cơ hội lựa chọn hơn những gia đình có con em học giỏi, đạt thang điểm cao.

Đối với những gia đình có con em học khá, giỏi, những gia đình dành mọi ưu tiên đầu tư cho việc học thì việc chọn trường để chuyển cấp cho con trở thành bài toán gay go, cân não. Hàng loạt tiêu chí được đưa ra để phụ huynh “định giá” ngôi trường: cơ sở vật chất, chi phí, trình độ chuyên môn và thái độ dạy học của đội ngũ giáo viên, chất lượng “đầu ra”…

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những ông bố, bà mẹ sẽ thăm dò, điều tra tất tần tật về ngôi trường nay mai của con - nơi mà họ sẽ “chọn mặt gửi vàng”. Trong quá trình chọn trường, nhiều chuyện bi hài đã từng xảy ra. Đó là khi bố mẹ không đủ kỹ năng và hiểu biết để cân nhắc, tìm hiểu, chọn lựa. Mọi thông tin chỉ được truyền đến thông qua… lời đồn. Bạn bè đồn, người ta đồn rồi mình “chốt đơn” theo cảm tính, phong trào. Đó là khi người đưa ra quyết định cuối cùng không biết “liệu cơm gắp mắm”.

Đối với các bạn nhỏ, học tập chính là sự gắn bó mang tính nghĩa vụ, trách nhiệm, nhưng học tập cũng là niềm vui, là sự tự nguyện, khám phá và là nguồn cảm hứng mỗi ngày của các em.

Sẽ rất đáng lo khi con em mình không đủ sức khỏe nhưng hằng ngày vẫn bị ba mẹ đặt vào tình thế phải di chuyển trên một quãng đường rất xa, kẹt xe, khói bụi. Sẽ rất khó khăn nếu những đứa trẻ có lực học trung bình, năng lực các môn đều nhau, không nổi trội nhưng bố mẹ lại đánh liều đăng ký cho con vào trường chuyên, lớp chọn. Các em làm sao có thể vui vẻ đi đường dài nếu ngay vạch xuất phát đầu tiên đã mang trên mình quá nhiều kỳ vọng, áp lực nặng nề. Mọi lựa chọn chỉ có ý nghĩa khi nó phù hợp, và không phải bao giờ việc có quá nhiều lựa chọn cũng mang đến sự thuận tiện, hứng khởi cũng như niềm vui.

Mấy ngày vừa qua, gia đình tôi đón gia đình anh chị ở Hà Nội vào nghỉ hè. Anh chị có hai con trai đang ở ngưỡng chuyển cấp. Đứa út hết lớp năm, còn cháu đầu vừa nhận thông báo kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 43 điểm. Bố cháu cứ luẩn quẩn suốt buổi sáng để thăm dò xem trong lớp người đạt điểm cao nhất là bao nhiêu, con trai mình xếp thứ mấy, điểm như con thì trên địa bàn sẽ trúng tuyển vào mấy trường, bao nhiêu trường sẽ từ chối mức điểm ấy, các trường top đầu có chất lượng tốt đến mức thế nào?

Mọi lựa chọn về việc chọn trường cho con đã được người bố đưa ra từ trước. Thế nhưng, thái độ và cách hành xử đầy băn khoăn sau khi có kết quả cho thấy anh chưa hoàn toàn sẵn sàng với lựa chọn của mình. Tâm lý “cỏ bên kia đồi xanh hơn” có lẽ vẫn đang luẩn quẩn, vang vọng đâu đó khiến anh liên tục đi ra đi vào.

Liên quan đến giáo dục, tôi còn nhớ, trong buổi lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự về nghệ thuật của Đại học New York (Mỹ), Tiến sĩ - nghệ sĩ Taylor Swift đã đọc bài diễn văn dài gần 4.000 chữ gây xúc động mạnh cho hàng ngàn sinh viên, những người làm giáo dục và đông đảo người hâm mộ. Cô viết: “Những lần tôi bị từ chối, không được tham gia, không được chọn, không giành chiến thắng, không vượt qua được..., nhìn lại, thực sự cảm thấy những khoảnh khắc đó quan trọng hơn cả những khoảnh khắc tôi nhận được sự đồng ý. Cả tôi và bạn đều biết rằng không phải lúc nào bạn cũng nhận được thứ mà bạn muốn, không đơn giản như đặt hàng và nhận được tất cả trong chiếc túi giao hàng. Nhưng bạn rồi sẽ có được những gì mình xứng đáng có được. Nỗ lực chính là một huyền thoại”.

Bạn bè tôi, những người bạn sau nhiều bôn ba đã đúc kết: “Sự nỗ lực không quan trọng bằng sự lựa chọn”. Thế nhưng, thiết nghĩ rằng, với mỗi người, đặc biệt là người trẻ thì cuộc đời sẽ như mỗi ô cửa, chúng khác nhau. Những ô cửa sẽ có những chiếc chìa khóa riêng biệt để mở ra. Nếu có ít lựa chọn thì sẽ còn có rất nhiều nỗ lực. Khi chúng ta tuột mất nhiều thứ, chúng ta cũng sẽ đạt được nhiều thứ khác, đôi khi còn quan trọng và ý nghĩa hơn.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.