Mai một những làng nghề

.

Ở Đà Nẵng, nghề thủ công đếm không hết mười ngón tay. Ngoài một số nghề/ làng nghề đã tuyệt tích, chỉ còn một vài nghề đang có nguy cơ mai một, hồi quang của thời hoàng kim xưa còn vương trong ánh mắt của người làng nghề mỗi khi có ai đó gợi nhớ.

Bà Nguyễn Thị Hiên (bên trái) thỉnh thoảng đan vài cái rổ để đỡ nhớ nghề nhưng thu nhập chẳng bõ bèn gì. Ảnh: V.T.L
Bà Nguyễn Thị Hiên (bên trái) thỉnh thoảng đan vài cái rổ để đỡ nhớ nghề nhưng thu nhập chẳng bõ bèn gì. Ảnh: V.T.L

1. Khách xuôi ngược qua cầu Đỏ không mấy người biết rằng phía đông nam cây cầu bắc qua sông Cẩm Lệ này từng có một xóm làm nghề cào hến, gọi là Xóm Hến, nay thuộc thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Cái nghề đã đi vào câu ca xưa: Ai về Phong Lệ thì về/ Phong Lệ có nghề cào hến, chọi trâu.

Hôm tôi về Đông Hòa gặp bà Trần Thị Tỵ (70 tuổi), nghe hỏi về nghề xưa, bà bâng khuâng nhớ thời con nít cắp rổ ra mé sông mò hến, tức lấy tay rà dưới cát để bắt hến. Người lớn thì ra xa hơn, tới mực nước ngập ngang cổ, dùng cái nhủi bằng tre để cào hến. Hồi đó trời đãi, bà nhớ lại, hến cào không biết làm chi cho hết; đem bán mấy chợ Miếu Bông, Cẩm Lệ; gánh bán dạo các thôn lân cận như Phong Nam, Bàu Cầu để đổi sắn, khoai, bầu, bí... Thời đó cơ cực, sáng trưa chiều tối đều hến và hến: xào, nấu canh, xúc, trộn...

Nghe chuyện xưa, ông Phùng Thêm (Bảy Thêm) nhớ thời tìm cỏ khô, bẹ chuối khô chụm lò cho cha ông luộc hến. Gần 10 lò hến dọc ven sông, sáng sớm lửa lập lòe trên mặt nước một không gian thanh bình. Cha ông vừa làm, vừa lẩm nhẩm: Nửa đêm thức dậy lao xao/ Bà đâu cháu đó, chồng nào vợ đây/ Gà gáy đầu, lửa đỏ một giây/ Chồng sàng, vợ đãi, con cầm cây đưa lò...

Hằng năm, đến ngày 16-2 âm lịch, dân Vạn hến cúng tổ nghề tại Miếu Bà Đông Hòa. Đầu những năm 1970, phần do chiến tranh, phần do hến cạn dần, không ai đi cào. Hòa bình về, muốn khôi phục nghề cũng không được bởi hến “trốn” đâu hết. Ông Thêm giờ đã luống bát tuần, thỉnh thoảng ngâm nga: Trời sinh ra cái nghề hến thậm no/ Cái ruột cũng bán, cái vỏ cũng bán, cái tro cũng có tiền... Còn bà Tỵ bâng quơ ngồi nhìn ra bến sông, mơ ước có món hến trộn sắn lát thơm lựng với chút hành, rau thơm, mè rang. Chừ có thèm cũng chịu...

Thu nhập quá thấp là nguyên nhân căn cơ khiến bà Dương Thị Thông quay lưng với nghề dệt chiếu. Ảnh: V.T.L
Thu nhập quá thấp là nguyên nhân căn cơ khiến bà Dương Thị Thông quay lưng với nghề dệt chiếu. Ảnh: V.T.L

2. Ở xã Hòa Tiến, có đến 3 làng nghề thủ công. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Hòa Tiến, đưa tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn Yến Nê 2, người còn đan mấy vật dụng nhà nông. Bà bày ra ngoài hiên nhà nào rổ đựng rau, mủng giê lúa, thúng đựng lúa, rổ sổ, rổ thước tư...

Thấy tôi có vẻ ngơ ngác trước tên gọi rổ thước tư, cụ Nguyễn Văn Ba (82 tuổi) - một trong những “bàn tay vàng” của làng nghề đan đát Yến Nê xưa - vừa vói tay cầm rổ, vừa mỉm cười giải thích: “Chú đừng lầm nghe, cái rổ thước tư ni không phải tính theo thước tây mô mà theo thước mộc xưa đó, nó có chiều dài từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa. Dang cái thước cánh tay đó theo đường kính rổ, nếu hắn dài chưa tới một thước rưỡi thì đúng là rổ thước tư đó chú”.

“Thuật ngữ” của nghề xưa này có lẽ chỉ tìm thấy ở những “từ điển sống” như cụ Ba. Nhỉnh hơn cụ Ba dăm tuổi là cụ Nguyễn Phú Chính, người trong làng quen gọi là Năm Chén, nhà đối diện nhà bà Hiên. Lúc sinh thời, cụ Chính từng kể với tôi giọng đầy tự hào, rằng nghề đan đát quê cụ nổi tiếng khắp vùng từ trước năm 1945. Ngày đó, đất ruộng ít, hầu hết các hộ trong làng sống bằng nghề đan đát, “mất mùa lúa được mùa đan”. Có điều, ngày vui qua mau, “mùa đan” đất Yến Nê thoáng chốc đã tàn, tới đầu thập niên 60 của thế kỷ trước - khi chiến tranh nổ ra ác liệt - là ngưng hẳn. Sau ngày thống nhất đất nước, làng nghề mới được tự phát khôi phục nhờ những “lão làng” như cụ Chính, cụ Ba; nhưng cũng chỉ “cầm hơi” được một thời gian rồi rút vào hậu trường, nhường sân khấu cho đồ nhựa.

Bà Hiên sau khi nghỉ làm “cô đi nuôi dạy trẻ”, về làm nghề của mẹ, chủ yếu đan rổ phân cho nông dân, rổ cá cho ngư dân; đến khi rổ nhựa ra đời thì giấc mơ nối nghiệp nhà của bà cũng tan. Cả làng từng có 40 hộ gia đình sôi nổi làm nghề, giờ chỉ còn mỗi mình bà cặm cụi chẻ tre, vót nan, đan rổ. Mỗi khi có hội hè, trại mạc của các hội, đoàn thể, bà lại có dịp đan các vật dụng xưa cốt để triển lãm - gọi là đồ diễn.

Thường thì bà làm đồ dặn, ai dặn chi làm nấy, nói theo ngôn ngữ hiện đại là làm “theo đơn đặt hàng”. Bà đưa tay bứt mấy sợi tre còn dính trên cái rổ thước tư, giọng buồn buồn: “Cả ngày cặm cụi đan được cặp rổ ni, bán cỡ 50.000 đồng. Trừ 10.000 đồng tiền vật liệu, còn lại 40.000 đồng cho một ngày công. Rẻ rề! Làm cho vui để nhớ nghề chứ chừng đó chừ mua được 4 con cá phèn chớ mấy!”.

16 năm trước có cuộc thi đan rổ ở Hội làng Yến Nê nhằm khuyến khích người dân giữ nghề truyền thống xưa. Nhưng phần thu nhập quá thấp, phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, các lũy tre làng cũng dần biến mất nên nghề xưa trong câu ca Yến Nê vốn thiệt quê nhà/ Nông tang, đan đát nghề ta sở trường đã sớm thành hoài niệm.

3. So với nghề đan đát thì nghề chằm nón La Bông có tuổi đời “già” hơn. Trong luận án tiến sĩ “Thủ công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (1802-1945)” năm 2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Phương, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, cho biết khi điền dã về La Bông, dựa vào chuyện kể của các bậc cao niên nơi này, ông khẳng định nghề chằm nón La Bông ra đời vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX. Nghề nón, so với nghề nông, cũng chỉ là nghề phụ, dân gian gọi là nghề làm xắp, cho dù có thời điểm hơn 80% số hộ làng La Bông làm nghề này.

Nghề chằm nón đã thay đổi đời sống của người dân La Bông. Với những hộ ít ruộng đất, những người không đủ sức dầm sương dãi nắng với nghề nông, nghề chằm nón là cứu cánh của họ. Tuy nhiên, thời hoàng kim chưa được bao lâu thì chiến tranh đã đưa làng nghề nhanh chóng vào buổi thoái trào, mãi đến cuối những năm 80 thế kỷ trước mới được khôi phục. Thời đó, làm nón không hở tay cũng không đủ bán, nón thường cung cấp cho nhu cầu địa phương, nón cao cấp làm theo mẫu mã, hoa văn riêng do khách du lịch đặt,...

Thế rồi, cuộc sống hiện đại đã thay đổi cách phục trang của con người, cái khuôn cùng với mớ lá nón lần nữa lại rời bàn tay người làng nghề. Bà Nguyễn Thị Đạm (70 tuổi), một trong những người chằm nón La Bông có tiếng, vừa huơ chiếc nón đã ngả màu thời gian, vừa than vãn đầy nuối tiếc. Bà kể, nếu cặm cụi làm một mạch từ 7 giờ đến 19 giờ không nghỉ trưa thì xong một cái nón có giá 70.000 đồng. Trừ tiền nguyên vật liệu (lá, cước) cỡ 20.000 - 25.000 thì còn khoảng 45.000 - 50.000 đồng tiền công cho gần 12 giờ cúi gập lưng. Bà chép miệng: “Nghề xỏ lá không khá hơn ai, ở không cho khỏe!”.

Tình trạng nghề dệt chiếu Cẩm Nê gần đó cũng không khá hơn. Được du nhập và phát triển từ thế kỷ XV, đây được xem là làng nghề hình thành đầu tiên trên đất Đà Nẵng. So với chiếu của các nơi, chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm hơn; một thời từng là sản phẩm tiến vua.

Thế nhưng, khi thị trường xuất hiện các loại chiếu được dệt bằng máy hoa văn phong phú, mẫu mã đa dạng với chất lượng cao và giá thành hạ thì chiếu Cẩm Nê hoàn toàn thủ công đã dần bị loại khỏi cuộc cạnh tranh. Theo khảo sát của Sở Công Thương Đà Nẵng, nếu đầu năm 2001 cả làng nghề có gần 100 hộ làm chiếu thì 11 năm sau chỉ còn 4 hộ và đến nay thì chỉ còn vẻn vẹn một người nối nghiệp cha ông - bà Dương Thị Thông.

5 năm trước, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang xuống Cẩm Nê tìm người có tâm huyết để khôi phục nghề dệt chiếu. Cả làng mấy chục hộ chỉ có mỗi bà Thông dám đứng ra nhận. Huyện hỗ trợ bà 145 triệu đồng làm lại mái che nhà xưởng, khung cửi; hỗ trợ tiền nhân công, tiền dạy nghề cho những người còn yếu nghề; mua nguyên vật liệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

Thế rồi nỗ lực cứu nghề dệt chiếu vẫn không có “kết thúc có hậu”. Bà Thông tính, 2 người dệt một ngày được một đôi chiếu, bán được 500.000 đồng. Trừ tiền nguyên vật liệu các loại, mỗi người chỉ được 60.000 đồng/ngày. Quá thấp. Hôm rồi điện thoại hỏi thăm thì bà Thông nói đang đi phụ hồ, “mỗi ngày được 300.000 - 400.000 đồng, khỏe quắt!”. “Nhìn chung, thị trường không như xưa, thu nhập quá thấp vẫn là rào cản khiến việc khôi phục các nghề truyền thống ở Hòa Tiến trở nên bất khả thi”, ông Đặng Quốc Tuấn nhận định.

"Nhìn chung, thị trường không như xưa, thu nhập quá thấp vẫn là rào cản khiến việc khôi phục các nghề truyền thống ở Hòa Tiến trở nên bất khả thi”

Ông Đặng Quốc Tuấn,Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.