NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH

Đào tạo nhân lực: Đồng hành - Sẻ chia - Trách nhiệm

.

Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của cả nhà trường lẫn doanh nghiệp, bởi đó chính là chìa khóa then chốt để mở được cánh cửa cung - cầu, giúp sinh viên ra trường nhanh chóng bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường...

Xung quanh vấn đề này, Th.S Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Đà Nẵng cho rằng, mô hình Nhà trường kết hợp doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Theo đó, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp phải đáp ứng được “3 cùng”: Cùng đồng hành - Cùng sẻ chia - Cùng trách nhiệm.

Th.S Nguyễn Thị Bích Hà
Th.S Nguyễn Thị Bích Hà

* Mô hình Nhà trường kết hợp doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Vậy thời gian qua, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã triển khai mô hình này như thế nào?

- Đối với công tác dạy nghề, mô hình Nhà trường kết hợp doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đã và đang là xu hướng tất yếu. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề đã không ngừng phối hợp với các doanh nghiệp cùng nhau đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cũng có nhiều hình thức liên kết với doanh nghiệp như: Cùng xây dựng chương trình đào tạo, cùng tham gia quá trình đào tạo cũng như đánh giá người học và cùng chịu trách nhiệm.

* Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp là giải pháp thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Muốn vậy, cần đáp ứng được “3 cùng”: Cùng đồng hành - Cùng sẻ chia - Cùng trách nhiệm. Bà có thể nói rõ thêm về “3 cùng” và những lợi ích mang lại?

- Trong chương trình đào tạo nghề, hơn 70% là thực hành và chỉ 30% học lý thuyết. Trong 70% thực hành có hơn 50% học tại các doanh nghiệp. Thời gian qua, các doanh nghiệp và khoa Du lịch của trường đã theo sát tiêu chí “3 cùng”: Cùng đồng hành - Cùng sẻ chia - Cùng trách nhiệm; cụ thể là cùng nhau xây dựng chương trình, bổ sung, cập nhật những kiến thức mới; doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy và cùng đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên trong quá trình học tập; doanh nghiệp trao học bổng cho các học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt để khuyến khích các em nỗ lực học tập...

Bản thân các giảng viên không ngừng cập nhật kiến thức mới từ phía doanh nghiệp. Từ đó, các giảng viên mới có thể truyền tải cho học sinh, sinh viên những kiến thức mới, cả những yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp mà các doanh nghiệp cần khi tuyển dụng và nhà trường khi tuyển sinh cũng cam kết đầu ra cho học sinh, sinh viên.

* Thực tế, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

- Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là vấn đề tất yếu trong đào tạo nghề nhưng thực tế thì sự gắn kết này vẫn còn khoảng cách. Nguyên nhân do một số cơ sở đào tạo nghề nhỏ lẻ vẫn chưa đủ nguồn nhân lực, tài lực để tạo nên những thương hiệu đáng tin cậy để các doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự liên kết đào tạo.

* Khi tuyển dụng, các công ty, đơn vị đâu đó vẫn than phiền việc sinh viên sau tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng như: ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, chưa có định hướng rõ ràng… Bà nghĩ sao về điều này? Theo bà, cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng?

- Thực tế, một số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, trong thời gian đầu đi làm việc thì có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, có sự so sánh giữa công việc mình đang làm với những công việc khác, thiếu kỹ năng giao tiếp, yếu về ngoại ngữ... Để hạn chế những vấn đề này, khi xây dựng chương trình khung, nhà trường bắt buộc đưa các môn học như kỹ năng mềm, ngoại ngữ cơ bản và ngoại ngữ chuyên ngành vào chương trình học.

Trong chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng luôn kết hợp giữa thực hành, lý thuyết và học thực tế tại các doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ảnh: THANH TÌNH
Trong chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng luôn kết hợp giữa thực hành, lý thuyết và học thực tế tại các doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ảnh: THANH TÌNH

Ngoài ra, nhà trường thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các buổi hội thảo về ngành nghề. Tại những hội thảo này, các doanh nghiệp, cựu học sinh, sinh viên, nhà tuyển dụng… trao đổi, chia sẻ để các em hiểu được những yêu cầu cần có để đáp ứng mong muốn của nhà tuyển dụng. Song song đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em cùng tham gia. Có như vậy, những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm của các em mới được nâng cao.

Không những thế, Đoàn Thanh niên của trường không ngừng phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng mở các buổi ngoại khóa về khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, nâng cao kỹ năng giao tiếp… để học sinh, sinh viên nắm vững những yêu cầu cần có.

* Hơn 2 năm qua, ngành du lịch đóng cửa, sinh viên không có những trải nghiệm thực tế, kết nối doanh nghiệp bị đứt gãy do doanh nghiệp ngưng hoạt động... Vậy nhà trường đã có giải pháp gì để duy trì mối liên kết này ở hiện tại và tương lai gần?

- Thật ra, trong hơn 2 năm ngành du lịch đóng cửa, sự kết nối doanh nghiệp không bị phá vỡ mà chỉ bị đứt gãy do doanh nghiệp ngưng hoạt động. Vì vậy, khi dịch bệnh tạm ổn, ngành du lịch cả nước và toàn thế giới hồi phục mạnh mẽ, ngành du lịch thành phố cũng trong guồng quay đó, nỗ lực duy trì mối liên kết. Trường CĐ Nghề Đà Nẵng hơn lúc nào hết càng cố gắng tăng cường đào tạo, tăng cường kết nối để cung ứng tối đa nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là trước thực trạng nguồn nhân lực du lịch thiếu hụt trầm trọng sau dịch bệnh.

THANH TÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.