Những người yêu công nghệ

.

Họ là những lập trình viên/kỹ sư phần mềm - những người có chuyên môn về công nghệ thông tin (CNTT) và kỹ thuật phần mềm, áp dụng các nguyên tắc khoa học và toán học tạo ra phần mềm máy tính để giải quyết các vấn đề cụ thể. Không gian của họ ngày qua ngày là chiếc máy tính, hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu, các thông số kỹ thuật, những dự án và những deadline (thời hạn cuối)...

Nhân viên Công ty Công nghệ phần mềm PR Video24 say mê làm việc.
Nhân viên Công ty Công nghệ phần mềm PR Video24 say mê làm việc.

Với họ, tính chính xác là yêu cầu bắt buộc, ngoài ra cần có tư duy logic, ham học hỏi và phải giỏi ngoại ngữ.

Làm theo yêu cầu của khách hàng

Anh Đ.Đ.T có 4 năm du học ngành Khoa học máy tính tại New Zealand, hiện là lập trình viên làm việc tại một công ty công nghệ đóng trên địa bàn phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết, công nghệ liên tục thay đổi, công nghệ mới ra đời thay thế công nghệ cũ làm kiến thức dễ bị lỗi thời. Do đó, lập trình viên mỗi ngày phải học hỏi không ngừng, nếu không sẽ bị lạc hậu về chuyên môn. “Đam mê công nghệ từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng, phải yêu công nghệ một cách tuyệt đối thì mới có thể làm lập trình viên. Công việc của lập trình viên rất áp lực vì làm công nghiệp phần mềm phải hoàn thành đúng hạn, tập trung 100% sự nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề luôn “chực chờ” phát sinh. Nếu sản phẩm bị lỗi thì việc ngồi mày mò từng dấu chấm, dấu phẩy, mã số cũng ngốn không ít thời gian và sức lực. Cứ hình dung nếu bạn nghỉ một ngày thì hôm sau sẽ phải giải quyết lượng công việc khổng lồ. Hầu như ai cũng nghĩ lập trình viên phải có tư duy sáng tạo, nhưng tôi khẳng định sự sáng tạo không dành cho nghề này. Chúng tôi không có quyền thay đổi ý tưởng mà chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng”, anh T. chia sẻ.

Với chị Đinh Quỳnh Anh - cử nhân ngôn ngữ Hàn Quốc nhưng làm công việc phân tích nghiệp vụ (BA - Business Analyst) đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ phát triển sản phẩm công nghệ, lối rẽ này mang đến cho chị những kiến thức mới về công nghệ. “Ban đầu, mình không thích công việc này lắm, nhưng khi tiếp xúc dần, học hỏi thêm kiến thức về công nghệ thì cảm thấy thú vị và bắt đầu yêu thích. Công việc thực sự áp lực vì phải cân bằng nhu cầu giữa tất cả các bên và đưa ra giải pháp thỏa mãn tốt nhất. Đặc biệt, BA tiếng Hàn càng áp lực vì cần phải truyền đạt chính xác yêu cầu của khách hàng cho Đội phát triển bằng một ngôn ngữ thứ ba. Có những ngày xảy ra sự cố, mình phải làm thêm giờ là điều bình thường. Vì vậy, cần có sức khỏe tốt và sự dẻo dai, nhanh nhẹn”, Quỳnh Anh nói. Hiện chị kiêm phiên dịch tiếng Hàn tại Công ty FPT Software Đà Nẵng.

Thường xuyên đối mặt với deadline

Chị Nguyễn Thu Hà có 3 năm phụ trách đồ họa phần mềm máy tính (Computer Graphic) tại Công ty Công nghệ phần mềm PR Video24 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Công việc áp lực, có nhiều ngày làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ. Song, tình yêu dành cho công nghệ là động lực giúp chị vượt qua sự mệt mỏi. “Nữ giới làm công việc này phải chạy deadline liên tục. Thời gian đầu, mình sợ bản thân không chịu nổi, nhưng dần thì thấy thú vị và bị cuốn vào công việc lúc nào không hay. Các chị em trong công ty mình nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, được trao cơ hội phát triển công bằng với phái nam. Mình nghĩ rằng, dù nam hay nữ, nếu đam mê, năng động, cầu tiến thì sẽ làm việc tốt ở tất cả lĩnh vực, chứ không riêng gì ngành công nghệ”, chị Hà chia sẻ.

Với anh Vũ Quang Huy, công tác tại Trung tâm Phát triển hạ tầng - Công nghệ thông tin (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) công việc Quản trị hệ thống (System Administrator) của anh khá vất vả, tần suất trực ca và xử lý sự cố hầu như diễn ra mỗi ngày.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin, anh Huy về công tác tại Trung tâm Phát triển hạ tầng - Công nghệ thông tin với nhiệm vụ thiết lập và bảo trì hệ thống mạng, phần cứng máy tính, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và tất cả các cấu hình khác tại trung tâm. Cụ thể, cần bảo đảm thời gian hoạt động, hiệu suất và bảo mật của hệ thống máy tính đáp ứng được nhu cầu người dùng.

Anh Huy cho hay, công việc của anh chủ yếu là quản trị các hệ thống có lượng truy cập cao không để bị sập. Hầu hết các nhiệm vụ được hoàn thành trong giờ làm việc thông thường. Tuy nhiên, việc nâng cấp hệ thống mới hoặc sửa lỗi phải được thực hiện vào ban đêm hoặc cuối tuần, vì lúc này lượng truy cập ở mức thấp, ít ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng.

Bên cạnh đó, quản trị hệ thống cần có khả năng thay thế hoặc thêm phần cứng mới vào máy trạm và thiết bị mạng để có thể sửa chữa bất kỳ sự cố nào trong một khoảng thời gian phù hợp. “Áp lực lớn nhất là phải bảo đảm hệ thống chạy thông suốt và ổn định. Tôi không gặp khó khăn hay áp lực nhiều do làm việc đúng ngành nghề mình yêu thích và đam mê. Tôi có thể tìm hiểu, nghiên cứu xuyên đêm để tìm lý do lỗi của hệ thống, sự va chạm công việc cũng giúp bản thân tôi khám phá những điều mới mẻ. Chúng tôi luôn bắt đầu với những ý tưởng mới, không cho phép bản thân ngủ quên trên nền kiến thức cũ”.

CNTT là ngành đặc biệt và có tốc độ phát triển nhanh, là nền tảng cho nhiều ngành kinh tế và mang đến nhiều cơ hội việc làm. Những người làm việc trong ngành này cũng... đặc biệt bởi mỗi ngày hầu như chủ yếu tiếp xúc với máy tính và các thông số kỹ thuật. Anh Đ.Đ.T nói rằng, lập trình viên như người chỉ huy dàn nhạc (các đoạn mã lập trình) để sáng tạo ra một bản nhạc hoàn hảo (phần mềm máy tính). Vì vậy, tính chính xác là yêu cầu bắt buộc, ngoài ra cần có tư duy logic, ham học hỏi và phải giỏi ngoại ngữ.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.