Ông đồ 9X và hành trình thư pháp 15 năm

.

Trong không gian của trà, hương trầm và thư pháp ở một góc đường Trần Phú của Hội quán Bách Việt (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), nghệ sĩ thư pháp trẻ Võ Tuấn Xuân Thành kể lại hành trình bén duyên với thư pháp bằng tất cả tâm huyết và đam mê.

Võ Tuấn Xuân Thành viết thư pháp tại triển lãm “Hoài niệm phố Hội”.  Ảnh: XUÂN SƠN
Võ Tuấn Xuân Thành viết thư pháp tại triển lãm “Hoài niệm phố Hội”. Ảnh: XUÂN SƠN

Những ngày trung tuần tháng 6-2022, chàng trai sinh năm 1999 này tổ chức chương trình “Hoài niệm phố Hội” tại Hội quán Bách Việt - chặng đầu tiên của triển lãm “Minh Tâm Nghiệp Thành” kỷ niệm 15 năm sáng tác thư pháp của mình.

Cậu bé dạo chơi trên Phố ông đồ

Năm 2007, cậu bé Xuân Thành tròn 8 tuổi được gia đình dẫn đi tham quan, vui chơi ở Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi bạn bè đồng lứa tham gia các trò chơi sôi nổi, Thành bị thu hút bởi người viết thư pháp ở không gian Phố ông đồ.

Chuyến dạo chơi năm đó để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí cậu học trò lớp 2 đến khi trưởng thành. Thành thú nhận mình “già” trước tuổi, mê nghệ thuật từ nhỏ và tự cảm thấy mình khác biệt về sở thích với bạn bè đồng lứa. “Thư pháp là một trong những bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn, không phải đứa trẻ nào cũng thích. Một đứa trẻ thích hội họa sẽ có xu hướng thích tranh, ảnh, màu sắc, trong khi thư pháp về cơ bản là hình thức chữ viết trắng đen, em thấy nó đặc biệt và bị cuốn hút bởi điều đó”, Thành kể lại.

Từ Phố ông đồ về, Thành tập tành những nét thư pháp đầu tiên. Không có một người thầy cố định, một đứa trẻ lại càng không đủ tài chính để tìm mua bút lông, mực tàu… vốn đắt đỏ và hiếm ở thời điểm ấy, Thành tự tập viết bằng những vật dụng có sẵn. “Bộ đồ nghề” đầu tiên là mực bút máy, giấy tập vở, cọ màu mỹ thuật; những nét cọ thô sơ đầu tiên được đồ, được phác theo nét chữ trên những cuốn lịch, trang báo…

Vừa tập viết, vừa mày mò trên tivi, sách báo, xem những ông đồ, bà đồ viết ở các lễ hội, Thành dần dần tiến bộ và gặt hái được thành quả đầu tiên tại cuộc thi “Nét vẽ xanh” năm 10 tuổi. Đó là bước đệm để cậu học trò tích cực tham gia các hoạt động thư pháp ở trường học, đoàn, hội, đội… Năm 2014, khi 15 tuổi, Thành đã trở thành một ông đồ nhí “bày mực tàu, giấy đỏ” ở Phố ông đồ. “Từ trước nay, số đông vẫn mặc định thư pháp dành cho thế hệ lão niên, trung niên… có vốn sống và am tường về văn chương, chữ nghĩa. Giữa một ông đồ già và một ông đồ trẻ, người ta có xu hướng thiên về ông đồ già hơn, đó là lý do em gặp đôi chút trở ngại khi bước chân vào “nghiệp duyên” thư pháp”, Thành tâm sự. Tiếp đó, sự khác biệt trong sở thích với nhiều bạn bè đồng thế hệ khiến Thành gặp khó khăn khi truyền tải niềm đam mê thư pháp trong thời gian đầu ra Phố ông đồ.

8 triển lãm thư pháp cá nhân

Năm nay 23 tuổi, Võ Tuấn Xuân Thành đã tổ chức 8 triển lãm thư pháp cá nhân. Triển lãm đầu tiên được diễn ra dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014 là “Tiếng gọi quê hương” với những tác phẩm về đất nước, về vua Hùng… Nhiều tác phẩm của Thành đã được “xuất ngoại”. Với “Minh Tâm Nghiệp Thành” năm 2022, Thành chọn Hội An (tỉnh Quảng Nam), Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi “bày mực tàu, giấy đỏ” trong hành trình kỷ niệm 15 năm theo thư pháp.

Trong triển lãm “Hoài niệm phố Hội” diễn ra từ ngày 15 đến 17-6 ở Hội quán Bách Việt, Thành mang về phố cổ 20 tác phẩm thư pháp được sáng tác trong giai đoạn 2021-2022. Khách ghé triển lãm được tặng chữ gieo duyên, giao lưu trà, thư pháp…  Các tác phẩm xoay quanh các chủ đề: Thiện tâm - hướng con người đến nhịp sống an nhiên; trà và thư pháp; triết lý điềm tĩnh - công bằng - an tịnh. “Đây là lần thứ ba em đến Hội An, lần đầu là đi thực tập ký họa trong vai trò sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, lần thứ hai là triển lãm thư pháp 3 thế hệ cùng 2 tiền bối là anh Lưu Thanh Hải và cô Mỹ Lý”, Thành kể.

Luôn tâm niệm thư pháp không phải là nghề chính của bản thân, Thành coi môn nghệ thuật này là “nghiệp duyên”. Thành nói, cái duyên mang hơi thở của thiền đó tôi luyện cho mình sự điềm tĩnh trong cuộc sống và suy nghĩ. “Em nghĩ mỗi tác phẩm, mỗi nét thư pháp đều nói lên cuộc đời của mình, lúc thăng trầm, lúc buồn vui và nó dạy mình biết tự lập, lắng nghe, biết suy nghĩ sau những ngày tháng xốc nổi…”, Thành tâm sự. Thu nhập từ thư pháp được Thành dùng để “nuôi” lại chính những dự án với môn nghệ thuật này.

Là người theo Công giáo nhưng đam mê thư pháp - môn nghệ thuật mang âm hưởng Phật giáo, Thành cho hay: “Tôn giáo nào cũng đều hướng con người đến giá trị “chân - thiện - mỹ và em sẽ dùng thư pháp để truyền tải những tư tưởng nhân văn ấy”. Bên cạnh việc bán tác phẩm ra thị trường nước ngoài, Thành nỗ lực lan tỏa văn hóa thư pháp Việt với du khách tại Phố ông đồ, đồng thời thường xuyên chia sẻ hình ảnh môn nghệ thuật này trên mạng xã hội, hướng dẫn mọi người viết thư pháp thông qua những hashtag như: #thuphapXuanThanh, #hocthuphapViet,#VietnameseCalligraphy…

Trước khi tạm biệt Hội An, Thành thảo một nét bút uốn lượn thành hình chữ “nhẫn” tặng người viết. “Nhẫn” là kiên nhẫn, một trong những đức tính mà bản thân Thành luôn nỗ lực rèn luyện trong 15 năm qua với bộ môn nghệ thuật thư pháp. Ông đồ 9X đang ấp ủ những chuyến đi nước ngoài với ước mong đưa hình ảnh và bản sắc thư pháp Việt Nam đi xa hơn. Xác định mình là nghệ sĩ tự do “làm những gì mình hiểu và mình thích”, Thành còn theo đuổi ca hát và làm designer (nghề thiết kế - PV). Dù ở lĩnh vực nào, chàng trai trẻ vẫn luôn mang theo tinh thần của thư pháp trong đó.

Là bạn đồng lứa và cùng đam mê thư pháp, trà… với Thành trong 7 năm qua, Phan Nguyễn Khánh Nhi (sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Anh Thành là một người trẻ đầy tài năng, ý thức được giá trị của nét chữ truyền thống và trên hết là dùng thư pháp như công cụ truyền tải những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống”.

Võ Tuấn Xuân Thành hiện là Hội viên Hội Thư pháp Việt Nam, gặt hái những thành tích như: Nghệ sĩ trẻ truyền cảm hứng của giải thưởng Bloomer Award 2018, top 10 The Greatest Show - cuộc thi tài năng sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả tiêu biểu Thư pháp miền Nam tham gia triển lãm tại Văn miếu Quốc Tử Giám 2019-2020...

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.