Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa

.

Xứ Quảng có một con sông mà dòng nước không bắt nguồn từ những con suối róc rách trên non cao, rừng rậm. Dòng sông này không có đầu sông, cuối sông, không có thượng lưu, hạ lưu, cũng không hữu ngạn, tả ngạn. Đó là dòng Trường Giang êm đềm dọc bờ biển.

Sông Trường Giang nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam, đổ ra Cửa Lở, Cửa An Hòa (Núi Thành). Ảnh: XUÂN SƠN
Sông Trường Giang nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam, đổ ra Cửa Lở, Cửa An Hòa (Núi Thành). Ảnh: XUÂN SƠN

1. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sông Trường Giang có nguồn gốc từ các lạch triều, rồi chuyển dần thành đầm, phá, sau đó tạo ra dòng sông lạ lẫm như ngày nay. Con sông chạy song song dọc theo bờ biển của tỉnh Quảng Nam với chiều dài gần 70km như dải lụa uốn lượn, quanh co qua bao tên đất, tên làng nổi danh của xứ Quảng như: Bàn Thạch, Nồi Rang, chợ Củi (huyện Duy Xuyên); chợ Được, Cổ Linh (huyện Thăng Bình)…

Sông lượn lờ ở phía bên trong và cách các nổng bồi, bãi cát trắng mịn màng hơn 1km là tới những con sóng biển liếm bờ trắng xóa, cũng có đoạn sông chạy vòng vào đất liền cách biển tới 7km nên nhiều chỗ hai bên bờ có nhà cửa, làng mạc, xóm thôn. Hai bên bờ sông các xã Duy Nghĩa, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), Bình Đào, Bình Triều (huyện Thăng Bình) trải một màu xanh mướt mát của rừng dừa nước, thứ cây có sức sống dẻo dai, bền bỉ, chế tạo nhiều mặt hàng thủ công và là chỗ trú ngụ cho tôm, cá.

Có thể nói, sông Trường Giang bắt đầu từ nguồn nước của hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia ở địa phận xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), cách Cửa Đại (thành phố Hội An) 5km ở phía bắc hoặc cũng như thế từ Cửa An Hòa, Cửa Lở (huyện Núi Thành) ở phía nam. Đầu phía nam nguồn nước cung cấp cho Trường Giang từ các sông Tam Kỳ, An Tân. Do tiếp nhận nguồn nước từ hai phía nên sông Trường Giang không có bất cứ đoạn nào chảy xiết, mà bao đời nay luôn phẳng lặng, êm đềm soi bóng trăng khuya.

Vào mùa nắng hạn, dòng sông nông hay sâu phụ thuộc vào các cơn thủy triều của biển. Khi thủy triều dâng, hai đầu nước chảy nhẹ từ hướng nam ra bắc và từ hướng bắc vào nam. Con nước triều cường gặp nhau ở điểm giữa dòng sông tại địa phận huyện Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ. Khi nước ròng, sông Trường Giang chảy trở về theo hai phía như lúc nước lên. Tuy mùa khô phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng của biển nhưng sông Trường Giang chưa bao giờ cạn bởi mặt nước biển với nước của dòng sông đều cân đối trên cùng mặt phẳng.

Sông Trường Giang cũng là lưu vực của các con sông nhỏ Bà Rén, Duy Vinh, Ly Ly và đường xả lũ trọng yếu của hồ thủy lợi Phú Ninh. Đây là hồ nước lớn thứ hai của Việt Nam, có diện tích 34,33km2 với sức chứa 344 triệu m3 nước, chỉ đứng sau hồ Dầu Tiếng (thuộc địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước).

2. Thời chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn, dòng Trường Giang là tuyến đường thủy nội địa duy nhất để các ghe bầu, thuyền buôn cỡ nhỏ vận chuyển hàng hóa từ hải cảng Hội An nhộn nhịp, sầm uất vào trao đổi, mua bán tại nhiều địa phương phía nam. Các ghe, thuyền chở hàng hóa trên sông Trường Giang dễ dàng hơn so với việc vận chuyển trên biển bởi không có sóng xô giật. Trường Giang có nhiều bến sông để ghe thuyền neo đậu bán hàng nên dần dà hình thành các chợ ven sông.

Sông Trường Giang chứa trong lòng nguồn nước lợ nên các sinh vật biển theo con nước triều vào sinh sôi, nảy nở. Đứng trên những nóc nhà cao tầng của các làng ven sông nhìn xuống mặt nước phẳng lặng với vô vàn rớ, mành, chươm giăng bắt cá cùng các ao nuôi tôm từ phía xa xa giống như những ruộng muối, tạo ra bức tranh thủy mặc độc đáo.

Tháng 4-2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam”, mức đầu tư 118,7 triệu USD (hơn 2.748 tỷ đồng) thực hiện nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa), chiều rộng luồng 30m, sâu 2,3m. Dự án thực hiện từ năm 2022-2027 tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ. 

Rồi đây du khách sẽ ngồi trên thuyền máy ngắm phong cảnh hữu tình, thưởng thức hải sản tươi ngon đánh bắt từ sông nước. Đi trên sông Trường Giang không chỉ để tận hưởng nguồn sinh thái hài hòa sông - biển mà còn trải nghiệm cùng một dòng sông đẹp như câu ca: “Quê hương ai vẽ nên tranh/ Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa”.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.