Các địa danh có yếu tố "Long"

.

* Long Thành có phải là “Thành trì rồng? Từ “Long” trong các địa danh Long Thành, Vĩnh Long, Thăng Long, Hạ Long có phải cùng có nghĩa là “rồng” không? (Trần Việt Hùng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

Vương hiệu Gia Long [嘉隆] trên đồng tiền “Gia Long thông bảo”. (Ảnh tư liệu)
Vương hiệu Gia Long [嘉隆] trên đồng tiền “Gia Long thông bảo”. (Ảnh tư liệu)

- Trong từ Hán Việt, có nhiều từ đồng âm nhưng khác nghĩa. Vì vậy, nếu không có chữ Hán kèm theo sau chữ Quốc ngữ thì rất dễ hiểu lầm. Trong Hán Việt có nhiều từ “Long”, trong đó 2 từ phổ biến nhất là 龍 nghĩa là “con rồng” và 隆 nghĩa là “thịnh vượng”.

Theo Địa bạ Biên Hòa (1836), Long Thành viết theo chữ Hán là 隆成 với Long 隆có nghĩa là “thịnh vượng”. Từ “Long” trong Vĩnh Long, Long An cũng mang cùng nét nghĩa này.  Trong khi đó, “Long” trong Thăng Long, Hạ Long viết theo chữ Hán là 龍có nghĩa là “con rồng”.

Một số người do không nắm được từ gốc Hán Việt của Long Thành nên cho rằng Long Thành nghĩa là “Thành trì Rồng”. Thực ra, như đã nói trên, “Thành” trong Long Thành được viết theo chữ Hán là成 với nét nghĩa là “trở thành”, “thành công”. Do vậy, Long Thành được giải nghĩa là “Thịnh vượng và Thành công”, không phải nghĩa là “Thành trì Rồng”.

Khi giải thích từ “Long Thành”, Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia cẩn thận chú thêm rằng, không rõ “Thành” được viết bằng chữ Hán có chính xác là 成 hay không, khi trong tiếng Trung và tiếng Nhật thì chữ “Thành” của Long Thành lại được viết là 城 trong “thành trì” hay “kinh thành, thành phố”, ngoài ra cũng mang nghĩa là “khu vực”, “vùng đất”. Do vậy, Long Thành cũng có thể mang nghĩa là “vùng đất thịnh vượng”.

Trở lại với từ Long. Do sự đồng âm giữa Long 隆có nghĩa là “thịnh vượng” và Long龍 có nghĩa là “con rồng” nên không ít người đã nhầm lẫn về ngữ nghĩa vương hiệu Gia Long của vị vua khởi đầu triều Nguyễn. Khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi vua lấy vương hiệu là Gia Long, trong đó ghép hai địa danh Gia Định (miền Nam) và Thăng Long (miền Bắc). Nhưng thực tế thì Long bằng chữ Hán trong Thăng Long lại khác với Long trong Gia Long.

Vương hiệu Gia Long [嘉隆] ghép hai địa danh Gia Định [嘉定] và Thăng Long [昇龍]. Tuy nhiên, hai chữ Long này khác nghĩa nhau.

Thăng Long, tương truyền tháng 8-1010, khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long [昇龍], theo nghĩa Hán Việt là “rồng bay lên” (chữ Long ở đây nghĩa là rồng).

Theo Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Địa chí loại quyển 5, Đại Nam phương dư chính biên, tỉnh Hà Nội, trang 363, năm 1805, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế), đồng thời đổi tên chữ Hán của Thăng Long [昇龍] với nghĩa là “rồng bay lên”, thành ra từ đồng âm Thăng Long [昇隆] nghĩa là “thịnh vượng” (chữ Long này nghĩa là hưng thịnh, đầy đủ). Từ đây, Thăng Long có nghĩa khác với các triều đại trước, vì vua cho rằng Thăng Long lúc đó không còn là kinh đô nơi vua ở cho nên không dùng biểu tượng rồng (nghĩa của chữ Long 龍), linh vật tượng trưng cho vương quyền.

Khác với Thăng Long, địa danh Hạ Long (thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ninh) được đặt theo tên của vịnh Hạ Long, viết theo chữ Hán là 下龍 nghĩa là “con rồng bay xuống”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.