Ký ức về ngôi đình Nhứt Giáp xưa

.

Đình Nhứt Giáp nằm trong xứ đất Ba Bút của làng Phong Nhứt xưa, nay là khối phố Phong Nhứt, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đình Nhứt Giáp vừa được xây mới với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Ảnh: H.S
Đình Nhứt Giáp vừa được xây mới với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Ảnh: H.S

Từ đầu đường ĐH 6 (khối phố Bằng An, phường Điện An) đi theo hướng Bắc đến cầu Nhứt Giáp rẽ phải khoảng 100 mét thì đến đình Nhứt Giáp (Nhất) - một trong 6 làng cũ của 6 Giáp xưa. Tương truyền rằng: Ngày ấy có 6 vị kết nghĩa anh em nguyện đồng sanh đồng tử, chọn mảnh đất này để chiêu dân, lập ấp, khai khẩn đất đai. Hơn 200 xứ đồng đất đai màu mỡ, 1.800 mẫu điền thổ phì nhiêu, các vị chọn bờ đạc để phân định ranh giới, trích đất chung điền để xây đình làm nơi thờ cúng Thành hoàng và hội hè tế lễ. Các cụ xưa cắt nghĩa: Bờ đạc là cách gọi xưa, chỉ bờ đắp bằng đất bề ngang 2m, cao 1m để phân định ranh giới đất làng này với làng khác; chung điền là ruộng chung của 6 Giáp, từ Nhứt Giáp đến Lục Giáp.

Theo gia phả họ Trần làng Nhứt Giáp, khi vị tiền hiền vào nơi này lập làng, đặt xã hiệu Hoa Phong (tên ban đầu của Nhứt Giáp) thì Hoa Phong thuộc huyện Lễ Dương, vệ Thăng Hoa, lộ Quảng Nam. Gia phả có đoạn ghi nguyên văn chữ Hán: “…Thông phân trị trại sở kỳ Chiêm cổ địa. Dĩ Thanh Nghệ nhân cư chi. Khu xử sự thành, định vị hương ấp. Nhân danh kỳ địa vi Quảng Nam lộ, Thăng Hoa vệ, Lễ Dương huyện, Hoa Phong xã...” (dịch nghĩa: ...Lập tức chia lại trại sở trên đất cũ của Chiêm Thành, đưa người Thanh Nghệ vào đây. Sắp xếp công việc xong, (nhà vua) quy định việc làng xã. Dựa theo tên gọi của đất này, đặt thành lộ Quảng Nam, vệ Thăng Hoa, huyện Lễ Dương, xã Hoa Phong...).

Về sau, để nhớ ơn các vị tiền hiền đã có công mở đất lập làng, các vị tiền nhân xây dựng một ngôi đình chung tại làng Nhứt Giáp thuộc xứ đất Bờ Rộng, nay là xóm nhà ông Cửu Ngợi (Võ Ngợi) để thờ 6 vị tiền hiền của 6 làng. Đến đầu thế kỷ 18, khi kinh tế - xã hội phát triển, các tộc họ thống nhất xây dựng đình riêng cho mỗi làng để tiện việc sinh hoạt cộng đồng.

Đình Nhứt Giáp được xây dựng tại vị trí ngày nay thuộc xóm nhà ông Tư Tơ (người tộc Trần) nhìn ra đường và nhánh sông Cổ Cò. Đình Nhị Giáp được xây dựng giữa làng, nay là trụ sở UBND phường Điện An. Đình Tam Giáp được xây dựng tại xứ đất Thượng Ương, thôn Ngọc Tam, nay còn cây đa, bàn án, 6 hòn đá và miếu Ngũ hành. Đình Tứ Giáp được xây dựng ở xóm Châu Bông, thôn Ngọc Tứ, nay là Nhà văn hóa thôn. Đình Ngũ Giáp được xây dựng ở đầu làng xứ đất Thùy Chu, nay là đình Phong Ngũ. Đình Lục Giáp xây dựng xứ đất Rộc Chùa, nay là thôn Phong Lục Tây.

Trong khi đình Nhứt Giáp và Ngũ Giáp đã được phục dựng ngay trên nền móng cũ thì các đình khác chỉ còn là phế tích.

Đầu thế kỷ 20, khi huyện, phủ tổ chức thành những đơn vị hành chính riêng, làng Phong Nhứt thuộc tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn. Sau Cách mạng tháng 8-1945, chính quyền cách mạng được thành lập. Do yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc, chính phủ chủ trương xóa bỏ cấp tổng, phủ Điện Bàn được đổi thành huyện Điện Bàn gồm 115 làng. Đầu năm 1946, từ 115 làng cũ sáp nhập thành 37 xã, làng Phong Nhứt trở thành một trong 5 thôn thuộc xã Phong Ngọc.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn phân định lại địa giới hành chính, thiết lập bộ máy chính quyền cơ sở, lấy làng Phong Nhứt và 5 làng lân cận thành lập xã mới với tên gọi là xã Thanh Phong. Cuối năm 1962, sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, chính quyền cách mạng lập UBND tự quản và đổi tên Thanh Phong thành xã Điện An.

Suốt thời gian kháng chiến, đình làng Phong Nhứt là nơi sinh hoạt, họp hội của các tổ chức đoàn thể, mặt trận. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, Mỹ tăng cường lực lượng thực hiện các cuộc càn phá trên quy mô lớn. Nhà cửa bị đốt cháy, dân làng Phong Nhứt phải tản cư khắp nơi để lánh nạn, chỉ còn lại một số hộ dân bám cơ sở. Đình làng Nhứt Giáp bị tàn phá từ đó.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), bà con trở về làng cũ cùng nhau xây dựng lại quê hương. Nhờ đất đai màu mỡ và tính cần cù của bà con dân làng nên chẳng bao lâu ngôi làng hồi sinh. Nhớ ân đức của các bậc tiền nhân có công khai phá lập làng, các bậc lão thành và dân làng luôn đau đáu về ngôi đình xưa. Sau nhiều lần trao đổi, gặp gỡ và đặc biệt là được sự thống nhất của bà con dân làng, đình làng đã được xây dựng trên nền đất xưa.

Bà con đã cử ra Ban vận động kêu gọi anh em và các nhà hảo tâm chung tay góp sức. Qua thời gian vận động, sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, công trình đã hoàn thành phần cơ bản với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, được khánh thành vào ngày 14-8-2022.

Đình Nhứt Giáp hiện nay được xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái, diện tích nền gần 200m2, phía trước có gian để chiêng, trống đắp hình chữ Thọ. Mái đúc có chạm trổ hoa văn. Bên trong 2 tẩm tiền hậu rất thâm nghiêm, đỉnh nóc đều có trang trí hoa văn rồng chầu nguyệt. Các gian thờ được bố trí uy nghiêm, tráng lệ.

Như vậy, hơn 500 năm trước, từ một vùng đất hoang vu, cỏ cây um tùm, là nơi trú ngụ của nhiều thú dữ, nhờ sức người, nơi đây trở thành một làng xã với ruộng vườn xanh tốt, một làng Nhứt Giáp xưa - Phong Nhứt nay mang vẻ đẹp độc đáo của làng quê Việt Nam.

Trong công cuộc kiến thiết đất nước 47 năm qua, người dân làng Phong Nhứt đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức xây dựng làng quê ngày càng khang trang, giàu đẹp. Ký ức về ngôi đình Nhứt Giáp và ngôi đình chung - nơi thờ tự 6 vị tiền hiền của 6 làng - vẫn luôn gợi nhớ đến công đức một thời lập làng, mở đất của tiền nhân.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.