Chuyện độc quyền trong nghề dệt thổ cẩm

.

Trong cuốn “Người Ve ở Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, 2018), nhà nghiên cứu Bùi Xuân chép: “Người đàn ông Ve không biết đan đát khó lấy vợ. Phụ nữ Ve không biết dệt vải khó lấy chồng. Phụ nữ Ve giữ vai trò chủ yếu trong hái lượm và độc quyền trong nghề dệt vải”.

Người Ve lớn tuổi truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các thế hệ trẻ. Ảnh: N.V.S
Người Ve lớn tuổi truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các thế hệ trẻ. Ảnh: N.V.S

Dệt thổ cẩm được xem là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Ve ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), thuộc khu vực Nam Trường Sơn. Tuy là nghề phụ trong hoạt động kinh tế của tộc người Ve, nhưng sản phẩm dệt làm ra được sử dụng trong gia đình, trong các dịp lễ hội truyền thống hoặc làm quà tặng. Từ đó, dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Ve nơi đây.

Theo tác giả Phạm Quang Hoan trong cuốn “Tìm hiểu người Ve ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam” (Ban Dân tộc Quảng Nam, 2005), người Ve tự dệt váy và khố để mặc. Thông thường đàn ông Ve đóng khố (klai) và choàng một tấm thổ cẩm rộng (ajet). Váy (ticơ) của phụ nữ là loại váy chui, ghép mí dệt bằng sợi bông hoặc sợi sai nhuộm chàm có trang trí bằng những hoa văn hình học giản đơn. Váy được cột chặt vào người bằng một sợi dây thắt ngang lưng. Điều đáng chú ý là cái váy của phụ nữ Ve ở phía sau cũng đính thêm một miếng vải (la) che cho đẹp và chống sờn mòn cho váy.

Những vị cao niên dân tộc Ve ở hai xã Đắc Pre và Đắc Pring (huyện Nam Giang) kể lại rằng, Xưa, đồng bào Ve còn sống ở vùng rừng núi cao. Để có sợi dệt vải, phụ nữ phải vượt núi cao, lên rừng tìm lấy vỏ cây trôm đem về tước ra lấy sợi, đến khi hoàn thành một tấm váy rồi khâu lại phải mất cả tháng. Phụ nữ mặc tấm váy, đàn ông quấn tấm khố, còn tấm đắp thì giữ ấm mỗi khi gặp trời lạnh hoặc cơn mưa rừng dai dẳng.

Nghề thủ công truyền thống được người Ve bảo lưu, giữ gìn. Từ nghề mang tính gia đình, dần dần nghề dệt phát triển thành nghề thủ công đáp ứng nhu cầu mặc và sinh hoạt của cộng đồng người Ve. Theo truyền thống, đàn ông dân tộc Ve mặc khố, phía sau buông đến ống chân. Phụ nữ Ve quấn váy và ở trần, thiếu nữ quấn tấm choàng trên vai để che phần ngực. 

Theo quan niệm của người Ve, họ thích gam màu trên trang phục truyền thống là màu đen (ngột) và màu đỏ (xó). Đây là hai màu chủ đạo không thể thiếu trên trang phục. Màu đen là màu của đất, biểu tượng cho ấm no, màu đỏ là màu của mặt trời, biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở. Thứ đến màu trắng (bót) là biểu tượng của hạnh phúc; màu xanh da trời (hlôông), màu tím (nhil) là những gam màu biểu hiện cho thiên nhiên, núi rừng, sông suối và màu vàng (chông) là biểu tượng cho sự cấu kết cộng đồng tình làng, nghĩa xóm.

Khi dệt, tùy từng loại trang phục như: váy, tấm dồ, khố, tấm choàng, tấm điệu trẻ em... mà phụ nữ Ve có cách dàn sợi màu khác nhau theo kỹ năng vốn có và sự sáng tạo riêng của mỗi người. Tạo tác hoa văn cho trang phục truyền thống của người Ve là kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ, ngoài kinh nghiệm dệt còn phải có sự tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo. Trong đó, sợi màu đen luôn chiếm ưu thế trong toàn bộ khung dệt (chau nóa) và làm nền cho các băng chỉ màu khác. Phụ nữ Ve dệt thổ cẩm chủ yếu là dùng tay, khi dệt luồn thoi chỉ, dập sợi, nâng lên hạ xuống thay đổi vị trí của các lớp chỉ màu, tách các đường chỉ màu bằng lông nhím để tạo hoa văn.

Người Ve rất thích các băng chỉ màu trên khung dệt, thường được sắp xếp thành hai nhóm riêng biệt. Một băng nằm sát viền biên của tấm thổ cẩm có kích thước bề ngang từ 10-12cm, một băng nằm chính giữa của tấm thổ cẩm, có kích thước bề ngang từ 3-4cm bởi các sợi màu đỏ, vàng, xanh da trời, trắng và màu tím được dàn trên khung dệt, tạo nên những dãy hoa hình học đan xen nhau, chạy dọc theo chiều dài của tấm thổ cẩm giữa những luồng sợi màu đen.

Thời gian dệt một sản phẩm tùy thuộc vào sức khỏe của từng người, phụ thuộc vào sự nhàn rỗi theo mùa vụ. Phụ nữ Ve có thể dệt tranh thủ vào buổi tối hoặc dệt liên tục vào mùa mưa. Bên cạnh đó, người Ve rất thích trang phục kiểu ghép hai mảnh vải lại với nhau tạo nên sự đối xứng. Và để có được những sản phẩm này, người phụ nữ Ve phải mất cả tháng ròng mới hoàn thành.

Với người Ve, trang phục truyền thống luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện văn hóa tộc người. Điều này được thể hiện rõ trong việc bà con luôn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày hay các dịp lễ hội truyền thống của cộng đồng và  trong các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, nghề dệt và các sản phẩm thổ cẩm của các bà, các mẹ từ thuở xa xưa được gìn giữ, trao truyền cho con cháu Ve hôm nay. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc phục hồi nghề dệt truyền thống của người Ve ở huyện Nam Giang trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân tác động khách quan nên hiện nay đa số người Ve huyện Nam Giang không còn trồng cây bông lấy sợi mà dùng sợi len, sợi chỉ, sản phẩm công nghiệp mua từ ngoài chợ huyện về để thay thế. Phụ nữ Ve độc quyền trong nghề dệt thổ cẩm nhưng vẫn không thể giữ được sợi bông cho sản phẩm. Các già làng nặng lòng với truyền thống dân tộc mình mong ngóng hướng đầu tư thích hợp để nghề dệt thổ cẩm nơi đây không phai nhạt bản sắc do cha ông để lại.

NGUYỄN VĂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.