ĐÔ THỊ VĂN MINH

Ứng xử văn minh

.

Một người phụ nữ trong lúc đi chợ Cồn (quận Hải Châu) tình cờ nhặt được chiếc ví cùng nhiều giấy tờ quan trọng mang tên N.V.L (SN 1997, quê xã Triệu Trạch, huyện Triệu Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã ngay lập tức đăng tải thông tin lên mạng xã hội, nhờ cộng đồng mạng giúp tìm “khổ chủ”. Khoảng 60 phút sau, anh N.V.L chủ động kết nối xin nhận lại ví, kèm lời cảm ơn chân thành đến người phụ nữ kia…

Phòng đọc sách của ông Trịnh Đình Thắng (phường An Khê, quận Thanh Khê) trở thành nơi lui tới của trẻ em tại khối phố Tân Hòa. Ảnh: H.L
Phòng đọc sách của ông Trịnh Đình Thắng (phường An Khê, quận Thanh Khê) trở thành nơi lui tới của trẻ em tại khối phố Tân Hòa. Ảnh: H.L

Tại Đà Nẵng, thời gian qua không hiếm trường hợp nhận được của rơi, trả lại người mất. Cũng như, trong cách ứng xử hằng ngày, nhiều người đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng cộng đồng cư dân.

1. Vô tình nhặt được chiếc ví của anh N.V.L, chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) rất mừng khi nhận điện thoại của “khổ chủ”. Chị cho hay, thấy chiếc ví rơi giữa lối đi trong khu vực bán quần áo chợ Cồn, chị nhặt lên và thấy bên trong có nhiều tiền kèm giấy tờ tùy thân quan trọng mang tên N.V.L. Chị chủ động nán lại chợ 30 phút xem có ai đi tìm nhưng không thấy nên quyết định đăng lên trang facebook cá nhân. Một số người đọc thông tin, khuyên chị nên chia sẻ thêm trong các hội, nhóm Người Đà Nẵng. Nhờ sự lan tỏa này, chỉ thời gian ngắn, anh N.V.L đã liên hệ với chị Hạnh xin lại ví.

Thời gian qua, fanpage Người Đà Nẵng có gần 80.000 thành viên đã đăng tải rất nhiều thông tin tương tự. Thông qua sự kết nối giữa những người xa lạ, người mất ví và người nhặt ví đã “gặp” được nhau trên không gian mạng để lan tỏa lòng tốt và lối sống văn minh. Chị Trần Thị Hồng Hạnh (quê Thanh Hóa, tạm trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) kể, chị từng để quên ba lô có ví tiền, điện thoại trên xe máy khi đi mua sắm tại khu vực chợ đêm Sơn Trà. Đến lúc nhớ tới, chị quay lại xe tìm nhưng không thấy.

Khi tưởng ba lô đã bị mất thì một người đàn ông trung niên từ phía xa tiến lại, hỏi ba lô này có phải của chị không. Người đàn ông cho biết, vợ chồng ông lúc đi thể dục ngang qua khu vực chợ đêm, thấy chiếc ba lô treo trước xe máy, sợ rơi vào tay kẻ xấu nên đứng giữ giúp. Sau khoảng 30 phút, không thấy ai quay lại nên vợ chồng ông cầm ba lô đến ghế đá gần đó ngồi chờ. “Tôi không nghĩ trên đời này lại có người nhiệt tình như vậy luôn. Cứ nghĩ đến cảnh cô chú đứng đó canh ba lô giúp mình mà biết ơn lắm. Chú ấy kể, vợ chồng chú cũng có cô con gái đãng trí, hay bỏ quên đồ đạc nên thông cảm mà đứng chờ”, chị Hạnh vui vẻ cho hay.

2. Từng con người ứng xử văn hóa sẽ góp phần giúp cộng đồng dân cư có môi trường sống an bình, hạnh phúc. Chị Lê Thị Thúy (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, trong quá trình sinh sống tại kiệt 354 Trần Cao Vân, chị cảm thấy may mắn được làm hàng xóm với người phụ nữ tên Nguyễn Thị Vinh. Bởi lẽ, ngoài tấm lòng nhân ái, xông xáo trong các hoạt động vì cộng đồng, tính tình chị Vinh điềm đạm, không hiềm khích với ai.

Đặc biệt, gần 12 năm qua, chị Vinh nhận cưu mang, chăm sóc bà Nguyễn Thi Địch (tên thường gọi là cụ Tiếp - PV), không người thân, không nơi nương tựa cách nhà chị không xa. Đều đặn ngày 3 bữa, chị mang cơm đến cho cụ Tiếp và chăm sóc, thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật. Nhiều hôm mưa gió, chị choàng áo mưa qua nhà cụ Tiếp kiểm tra chỗ ăn ngủ mới yên tâm trở về nhà. “Nhiều người trong khu phố khi biết chuyện đã chung tay cùng chị Vinh hỗ trợ cụ Tiếp. Nếu không thương người, không thông cảm với họ, thì rất khó đòi hỏi chị Vinh duy trì việc giúp đỡ suốt 12 năm qua; chính điều này khiến chúng tôi rất yêu mến và quý trọng chị ấy”, chị Thúy chia sẻ.

Sau 10 năm hoạt động, phòng đọc sách miễn phí của ông Trịnh Đình Thắng (phường An Khê, quận Thanh Khê) đã đón tiếp hàng trăm trẻ em ở khối phố Tân Hòa. Ý tưởng này được ông ấp ủ từ thời còn là du học sinh tại Nhật Bản. Ông Thắng cho hay, thời gian đầu, khi chưa về Đà Nẵng sinh sống và làm việc, ông thường xuyên tích cóp tiền học bổng và tiền làm thêm mua sách vở gửi tặng các em có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Thanh Khê.

Sau khi về nước và công tác tại Trường Nhật ngữ Đông Du - chi nhánh Đà Nẵng, hè năm 2012, ông Thắng xây dựng phòng đọc sách miễn phí tại nhà riêng ở địa chỉ 205/17 Trần Thái Tông. Toàn bộ sách tại phòng đọc do ông chọn mua và trực tiếp bài trí. Nhiều hôm bận rộn, ông Thắng nhờ mẹ mình là bà Nguyễn Thị Phúc trực tiếp trông coi, mở cửa đón các em nhỏ trong khu phố. Phía trước cổng, ông cẩn thận ghi lại số điện thoại để bất kỳ em nhỏ nào có nhu cầu vào đọc, đều có thể liên hệ ông.

Thỉnh thoảng, ông Thắng cũng tổ chức những trò chơi có thưởng nhỏ để kiểm tra sức đọc và khả năng tiếp thu kiến thức của các em. “Nhờ thường xuyên động viên nên phòng đọc trở thành địa chỉ lui tới của nhiều em nhỏ, nhất là dịp hè hoặc các ngày cuối tuần. Tôi không nghĩ mình làm điều gì to tát, chỉ mong các em có nơi đọc sách miễn phí để nâng cao kiến thức và nhận thức trong lối ứng xử sau này”, ông Thắng bày tỏ.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.