Khu vườn cảm xúc

.

Nhìn khu vườn lúc nào cũng rậm rạp, xanh um màu cỏ dại của gia đình chị, tôi khuyên chị dọn bớt cỏ để trông khu vườn bớt dở dang. Chị đáp: “Em nói đúng, khu vườn của chị luôn dang dở, nhưng trong sự dang dở đó, chị lại nhận được nhiều hơn những gì mình tìm kiếm”.

Vốn sinh ra ở quê nên tôi có nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp hơn chị dâu. Hẳn rồi, chị là cư dân Hà Nội chính gốc, làm sao có thể biết cách vun gốc, làm cỏ, gối vụ, xen canh cây trồng. Vậy mà, sau nhiều trải nghiệm, việc làm vườn của chị hóa ra lại có nhiều điều thú vị hơn tôi tưởng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong mảnh vườn tạp rộng gần 800m2, người chủ cũ đã trồng sẵn nhiều loài cây ăn trái lâu năm như nhãn, ổi, mít, xoài. Nếu để cải tạo vườn theo ý mình thì phải mất rất nhiều chi phí và công sức, không thể trong nay mai loại bỏ được mấy trăm gốc cây kiên cố. Nghĩ vậy nên anh chị để vườn y như hiện trạng, chỉ cơi nới thêm chỗ bờ rào và con đường dẫn vào vườn vài doi đất nhỏ và thoáng để trồng rau sạch đủ dùng hằng ngày. Mùa này, khu vườn có rau lang, cần tây, rau dền, rau muống, cải ngọt và các loại rau mùi khác như rau quế, tía tô, bạc hà, diếp cá…

Chị kể: “Nói là rau thời vụ nhưng không ngắn ngày như người ta hay bán ngoài chợ. Các loại rau có tinh dầu như húng quế, tía tô, cần tây, chị trồng phải 3-4 tháng mới thu hoạch. Vì trồng thời gian kéo dài nên cây có đủ dưỡng chất, khi ăn có mùi thơm dịu, vị ngọt hậu chứ không hề nồng hay đắng”.

“Vậy sao chị không phát bớt cỏ đi, mảnh vườn rậm quá, các loài sinh vật có hại sẽ phát triển. Cỏ tốt sẽ hút hết chất dinh dưỡng khiến cây cối còi cọc?”, tôi hỏi.

Chị trả lời: “Cỏ không thể làm hại vườn cây ăn quả vì cỏ là loài rễ chùm, cây lâu năm thuộc rễ cọc. Bộ rễ sẽ ăn sâu xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cỏ tốt chính là mái nhà xanh cho nhiều loài sinh vật sinh sống. Các loài giun, dế giúp mình xới đất miễn phí, các loại bọ cánh cứng giúp mình diệt sâu bọ, thụ phấn rau, hoa. Khi khu vườn đậm màu xanh, chim chóc khắp nơi cũng bắt đầu rủ nhau bay về làm tổ”.

Bây giờ, mỗi ngày vào giờ tan tầm, chị và các con cùng nhau ghé về khu vườn để hái rau, đào củ, nghe chim hót, hít thở không khí trong lành...

Cách làm vườn của chị bỗng nhiên nhắc tôi nhớ đến một khu vườn Bungalows (khu vườn có nhà ở được làm bằng vật liệu thân thiện dùng cho khách du lịch lưu trú) tại ngôi làng thuộc một xã miền núi Quảng Trị. Ngôi làng nằm giữa thung lũng, bao quanh là những triền dốc, sườn đồi, mùa thu có sương giăng, mùa hè có mây phủ. So với khu vực xung quanh, độ ẩm, lượng mưa ở đây cũng nhiều hơn nên hoa lá, cây cỏ được phân tầng bốn mùa tốt tươi, phong phú. Trên cao có ruộng nương, dưới chân đèo là tiếng róc rách suối chảy. Cảnh trí được đất trời tạo tác sẵn, thuận tiện và phù hợp với mục tiêu kinh doanh du lịch đặt ra ban đầu của chủ vườn - một người anh mà tôi có dịp quen biết. Thế nhưng, trong quá trình hoàn thiện khu vườn, anh đã có nhiều bài học quý giá.

Anh cùng các cộng sự chặt tre nứa kết thành hệ thống dẫn nước từ trên núi đổ về, trồng thêm lạc dại ở bề mặt khu vườn để tạo ẩm và cố định đạm trong đất, giúp các loài cây tán giữa như cà phê, cây ăn trái và các loài hoa thêm tươi tốt. Ở tầng tán cao nhất, những cây trồng bản địa như bằng lăng, hoa trẩu, xoan rừng được chọn để tạo điểm chấm phá trùng điệp đầy sắc màu.

Chủ khu vườn từng chút, từng chút một đã thổi hồn vào để đứa con tinh thần mỗi ngày hiện ra càng huyền ảo, sống động giữa rừng núi mênh mông. Anh mong những ai đặt chân đến khu vườn không chỉ chụp ảnh, quan sát về diện mạo của khu vườn, mà sau khi rời đi họ còn vấn vương, lưu giữ nhiều cảm xúc đặc biệt về một chốn muốn quay về.

Sau 5 năm, cuối cùng anh gọi đó là Khu vườn Năm Mùa với ước muốn du khách không chỉ cảm nhận được bốn mùa của trời đất mà còn có một mùa khác nữa - mùa của cảm xúc, khi lòng người được sống chậm, hòa quyện với cỏ cây, nắng gió giữa một miền trời.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.