Lạ lùng miếu Thái Giám làng Phong Nam

.

Đi gần hết kiệt số 12 ngoằn ngoèo trong khu vực tổ 6, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) sẽ gặp một ngôi miếu cổ nhưng đã được xây dựng lại theo lối kiến trúc nhà sàn. Theo lưu truyền, ngôi miếu này nổi tiếng linh thiêng và có cả sự bí ẩn, lạ lùng.

Miếu Thái Giám (ảnh trái) và cây chiêm chiêm cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn còn lỗ chỗ vết đạn.  Ảnh: THÁI MỸ
Miếu Thái Giám (ảnh trái) và cây chiêm chiêm cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn còn lỗ chỗ vết đạn. Ảnh: THÁI MỸ

Đến bây giờ, không ai biết ngôi miếu này ra đời từ năm nào, chỉ nghe nói miếu có từ hàng trăm năm rồi để thờ cúng một vị quan thái giám phò vua đánh giặc bị tử trận tại vùng này. Thương xót vị quan có nhiều công lao với đất nước, vua ban lệnh dân làng dựng miếu thờ phụng để tri ân công trạng của ông nên có tên miếu Thái Giám. Sự tích ngôi miếu cổ chỉ ngắn gọn như vậy. Có lẽ không ai hiểu tường tận về nguồn gốc, sự hiện diện của miếu bởi làng cổ Phong Nam được khai phá từ rất sớm nên miếu cũng từ đó mà ra.

Theo cuốn “Văn hóa dân gian Hòa Vang” (NXB Đà Nẵng, 2008) và tài liệu “Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí” của tộc Phan làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), thôn Phong Nam ngày nay có gốc gác từ xứ Đà Ly xưa. Xứ Đà Ly được người Việt khai canh, lập cư từ năm 1404, thời nhà Hồ. Các bậc tiền hiền Nhâm Quý Công, Mươi Quý Công, Lào Quý Công từ xứ Thanh vào đây khai phá. Lúc đầu, người Việt chung sống cùng làng với người Chăm, rồi dần dần nhiều người Chăm rời làng di dân vào phía nam sinh sống.

Hồi ấy, xứ Đà Ly là vùng đất khá rộng lớn, phía nam giáp xứ Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay); phía bắc giáp núi Sơn Trà, phía tây giáp núi Chúa và phía đông giáp Non Nước. Thổ nhưỡng Đà Ly màu mỡ, tốt tươi do thiên tạo hài hòa giữa núi rừng, trung du, ruộng đồng, sông suối đan xen. Mãi đến năm 1841, vua Thiệu Trị ban sắc đổi xứ Đà Ly thành làng Phong Lệ. Lũ lụt nhiều năm đã làm đôi bờ sông Yên (sông Cẩm Lệ) chảy ngang qua làng Phong Lệ bị sạt lở, nới rộng thêm dòng, dân trong làng gặp gỡ, giao lưu với nhau cách trở vì phải qua lại đò giang. Năm Thành Thái thứ 8 (1889), làng Phong Lệ được chia ra thành hai làng Phong Lệ Nam, Phong Lệ Bắc, còn gọi Phong Nam, Phong Bắc. Làng Phong Nam thuộc tổng Thanh An, làng Phong Bắc thuộc tổng Bình Thái, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Ngoài ra, còn một vùng đất ở phía tây cũng được cho thuộc làng Phong Lệ ngày trước, đó là các địa danh Cây Sung, Hội Vực, thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang ngày nay.

Trở lại với miếu Thái Giám thôn Phong Nam, nhiều người dân cho rằng, miếu ra đời cách đây hơn 500 năm vì nền văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Việt xuất hiện trên vùng đất này rất sớm. Chuyện kể rằng, lúc đầu miếu Thái Giám được dựng bằng 4 cây cột gỗ trắc, lợp tranh săng rồi sau đó xây bằng vôi vữa, lợp ngói âm dương, rêu phong cổ kính theo thời gian.

Tục cúng miếu Thái Giám của dân làng vào ngày 2-7 âm lịch hằng năm. Ngày trước, làng Phong Nam dành riêng một sào đất công, cử người thay phiên canh tác, gieo trồng để lấy tiền cúng miếu. Chiến tranh bùng nổ, ruộng đồng làng Phong Nam bị bom đạn cày xới nên việc cúng miếu thường niên bị đứt gãy kéo dài. Trong lửa đạn chiến tranh, miếu Thái Giám phát sinh thêm những câu chuyện huyền hoặc, hoang đường mà không ai có thể giải thích một cách thuyết phục. Hồi ấy, xung quanh miếu là những rặng tre gai góc bao phủ xanh rì, phía trước chỉ có con đường làng nho nhỏ quanh co theo các đám ruộng.

Nhận thấy khu vực miếu Thái Giám có nhiều thuận lợi cho hoạt động cách mạng, cán bộ, du kích, an ninh xã Hòa Châu quyết định chọn nơi đây làm điểm hội họp, triển khai các phương án đánh địch, chống càn, làm nơi liên lạc, trao đổi tin tức của cơ sở với cán bộ nằm vùng. Cán bộ, du kích địa phương đã đào 3 căn hầm bí mật luồng sâu trong các bờ tre cạnh miếu để trú ẩn mỗi khi giặc tràn về. Các căn hầm đều tạo ra ngóc ngách liên thông với nhau, có lối thoát ở xa.

Thời gian đầu, đây là địa điểm an toàn cho mọi sinh hoạt của cán bộ cách mạng địa phương nhưng về sau do có chỉ điểm, địch đã mở nhiều đợt tấn công vào làng Phong Nam mà tâm điểm là xung quanh miếu Thái Giám. Hàng trăm đợt ca-nông, pháo cối thi nhau nã vào, cây cối bị băm vằm đổ nát, vườn tược xác xơ, màu xanh gần như bị hủy diệt hoàn toàn, song thật kỳ lạ không có quả đạn nào rơi trúng miếu. Cây chiêm chiêm cao lớn, cành lá sum suê hàng trăm năm tuổi đứng lặng lẽ bên miếu bao đời cũng bị găm nhiều mảnh đạn, gãy trụi cành nhưng thân cây vẫn thẳng đứng rồi tiếp tục vươn xanh.

Một số người làng Phong Nam kể rằng có lần địch dùng xe ủi quyết tâm san bằng miếu Thái Giám. Khi xe chạy gần tới thì tự nhiên khựng lại, không nổ máy, tên lính lái xe mặt mũi đỏ kè, nôn mửa thốc tháo. Một lần khác địch kéo quân về đây tìm kiếm, phát hiện được miệng hầm bí mật. Lúc này trong hầm có 12 cán bộ, chiến sĩ cách mạng ẩn nấp. Sau hồi kêu gọi buông súng đầu hàng không kết quả, chúng ném hàng loạt lựu đạn M26 xuống miệng hầm nhưng chỉ có 2 quả nổ, 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, còn hàng chục quả khác bị “lép”, không nổ.

Từ những hiện tượng này, miếu Thái Giám càng thêm linh thiêng, dân làng càng kính trọng, tôn thờ vị thần Thái Giám. Theo các cụ cao niên, miếu Thái Giám là một trong “tứ miếu” của làng Phong Nam xưa. Bốn miếu thờ các vị thần tọa lạc ở 4 hướng của làng để chở che, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân; rồi chỉ còn lại duy nhất miếu Thái Giám, mặt hướng về phương nam. Năm 1995, miếu được dân làng Phong Nam xây dựng theo kiểu am thờ. Năm 2015, miếu được xây mới như hiện tại. Cũng giống làng cổ Phong Nam, miếu Thái Giám hình thành từ lâu đời, mang nhiều điều bí ẩn mà chưa ai khám phá hết.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.