Lê Minh Quốc trong "cuộc chơi" cùng tiếng Việt

.

Với bộ 3 tập sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc có một cuộc “rong chơi” cùng tiếng Việt, nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”!

Những biến đổi lý thú

Trong dân gian lưu truyền phổ biến thành ngữ “Chờ được mạ, má đã sưng”, với dị bản là “Chờ được vạ, má đã sưng”. Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc tìm hiểu và diễn giải: “Một điều lý thú là Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes đã ghi nhận từ áng ná. Áng ná cha mẹ. Nói cách khác, một khi ta hiểu nạ có nghĩa là mẹ thì thuở xa xưa ấy người Việt gọi là , sau chuyển qua nạ và dần dần mất hút… Từ nạ hầu như ngày nay không còn phổ biến nữa, chỉ còn có thể tìm thấy dấu vết trong lời ăn tiếng nói thuở xa xưa “Chờ được nạ, má đã sưng”…”. Hóa ra, nạ đã biến thành mạ, và các từ điển ngày nay giải thích mạ mẹ (tiếng địa phương).

Rồi từ nạ đến nạ dòng, “chỉ người đàn bà đã từng có chồng và đứng tuổi như Đại từ điển tiếng Việt đã giải thích”, và nạ dòng được hiểu tương ứng với gái góa. Nhưng theo Lê Minh Quốc: “Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cho biết: “Gái góa: Gái còn son, chưa chồng”… Từ điển Việt - Pháp của J.F.M Génibrel (1898) cũng ghi nhận tương tự là fille; từ điển của Đào Duy Anh giải thích: con gái, con gái chưa chồng, thiếu nữ” (Từ con nạ đến nạ dòng).

Trong 3 tập cuốn sách mang tên Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021), nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc dẫn dắt người đọc đi từ chuyện này đến chuyện nọ như vậy trong khu rừng phong phú, đa dạng và… rối rắm của tiếng Việt. Cuốn sách khoảng 1.000 trang, chia thành 3 tập mang những cái tên cũng “rối rắm”: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”, “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”.

Không chỉ bị hấp dẫn bởi cách viết, mà người đọc còn bị lôi cuốn vào kho kiến thức về tiếng Việt, từ những ngày sơ khai đến việc tiếp biến và giao thoa văn hóa, ngôn ngữ… Tác giả tích góp, nhặt nhạnh vốn từ trong tự điển khi tiếng Việt được ký âm Latinh đến nay, từ trong đời sống dân gian đến sách vở…; từ đó lý giải, làm sáng tỏ những từ, những ngữ, đưa người đọc đi dọc chiều dài không gian và thời gian trong quá trình biến đổi của tiếng Việt. Vì vậy, đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, ta nhận ra những điều ngỡ như biết từ lâu rồi, tuy nhiên, “nói vậy nhưng không phải vậy”. Lê Minh Quốc cũng thừa nhận: “…

Trong đời sống, có những sự vật/ sự việc chúng ta không hiểu và dùng sai nhưng vẫn được chấp nhận; thế thì nghĩa đúng của nó là gì? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời, vì theo năm tháng có những từ đã phai nghĩa, có thể người ta thay thế, “cập nhật” bằng từ khác; hoặc dẫn tới dị bản khác nhau. Càng tìm hiểu về tiếng Việt, càng mở ra cho tôi rất nhiều lý thú, nhất là cách sử dụng vốn từ của người Việt xưa nay cực kỳ phong phú, đa dạng và biến hóa khôn lường tùy vào các tình huống cụ thể”.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Cái “biến hóa khôn lường” ấy không chỉ là sự biến đổi của ngôn ngữ, với hiện tượng những từ cũ mất đi, xuất hiện những từ mới thay thế, hoặc từ cũ được hiểu theo nghĩa mới…, mà còn là việc sử dụng từ ngữ thông minh, hợp lý hợp tình hợp cảnh nhờ những đặc trưng của tiếng Việt. Đó là lời ăn tiếng nói trong dân gian, là nếp sinh hoạt làng quê được truyền từ đời này sang đời khác và cả sự tiếp biến linh hoạt, tài tình... Tuy nhiên, trong sự biến hóa đó, Lê Minh Quốc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự sai lệch trong sử dụng ngôn ngữ, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Khi dẫn những từ mới được sử dụng trong đời sống hằng ngày như “chặt chém”, “chém gió”, “nổ”, “quăng bom”, “ném đá”…, Lê Minh Quốc đặt vấn đề: “...Ta có thể thấy rằng, dù nhằm diễn ra những sự việc bình thường trong sinh hoạt, nhưng cách sử dụng từ hiện nay lại nhuốm sắc màu bạo lực, u ám, dữ tợn. Nếu lời ăn tiếng nói phản ánh tâm lý, tính cách của người sử dụng thì sự thể hiện trên có đáng lo hay không? Lại mạo muội “quan trọng hóa vấn đề” rằng, cách nói chợ búa đó cũng góp phần làm méo mó sự trong sáng của tiếng Việt”.

Từ việc nghiên cứu tiếng Việt, Lê Minh Quốc đau đáu với việc giữ gìn, phát huy cái hay, cái đẹp của tiếng Việt “…cách ăn nói của người Việt mình phong phú biết dường nào. Tất nhiên theo năm tháng cách nói ấy có thay đổi, có thể gặp vài từ ta không rõ nghĩa. Mà, khi tìm hiểu lời ăn tiếng nói của một thời thì cũng là lúc ta quay về với dấu vết của giá trị văn hóa người Việt đấy thôi. Giá trị quá khứ này chính là nền tảng của vun đắp cho tương lai và chắc chắn cách ăn nói đó vẫn còn đồng hành cùng thế hệ sau” (Học nói từ Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn 1897). Và hơn hết là tình yêu văn hóa Việt, tình yêu nước Việt “…qua những trang văn miêu tả về sinh hoạt, phong tục của vùng miền, ta lại càng thêm yêu nơi đó; và cũng là dịp tìm về dấu ấn văn hóa của người Việt nói chung. Âu cũng là cách giáo dục về lòng yêu nước, yêu miền Nam nước Việt trong một khối giang san thống nhất từ Nam chí Bắc” (Vài sinh hoạt ăn ở của người miền Nam).

Tất cả, để nói về “cuộc chơi” của Lê Minh Quốc với tiếng Việt, là “nghề chơi cũng lắm công phu”!

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.