NẾP NHÀ

Niềm vui nối nghiệp gia đình

.

Nhiều gia đình cảm thấy may mắn khi con cái sau thời gian bươn chải bên ngoài đã quay về, bày tỏ mong muốn cùng cha mẹ giữ gìn nghề truyền thống.

Bà Đinh Thị Mua hỗ trợ con trai mở quán mì Quảng tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Đinh Thị Mua hỗ trợ con trai mở quán mì Quảng tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giữ nghề

Gần 20 năm trước, chồng qua đời, bà Đinh Thị Mua rời Ngã tư Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), mang 6 con thơ trở về quê ngoại Đà Nẵng nương tựa người thân. Hành trang bà mang theo là công thức nấu món mì Quảng học từ người mẹ chồng khéo tay, hay làm. Để có kinh tế lo cho đàn con nheo nhóc, bà quyết định mở quán Mì Quảng bà Mua tại số 58 Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ. Tại đây, ngoài món mì gà, mì ếch, mì tôm thịt, mì cá lóc quen thuộc, bà phục vụ thêm món mì hến - món ăn truyền thống gia đình thường dùng đãi khách phương xa. Ngoài nước dùng lạ miệng, sợi mì trong tô mì hến cũng mang hương vị rất riêng khi có thêm bột bắp tạo mùi. Nhờ món mì này, quán ăn của bà Mua trở thành địa chỉ lui tới của nhiều thực khách trong và ngoài thành phố.

Theo thời gian, Mì Quảng bà Mua mở thêm 18 cơ sở mới nhưng vẫn giữ lại công thức nấu nước nhưn truyền thống. Bà chia sẻ, để tạo nên tô mì ngon, ngoài gạo tráng mì phải là gạo quê không dùng thuốc bảo vệ thực vật thì thứ tự nêm nếm các loại gia vị cũng tạo nên nồi nước dùng chất lượng. “Dù có nhiều cơ sở nhưng công thức chế biến vẫn là một bởi tôi không muốn bất kỳ sơ suất nào ảnh hưởng đến chất lượng tô mì”, bà Mua nói.

Sau thời gian theo mẹ học nghề nấu mì Quảng, anh Nguyễn Đình Thế đã mang thương hiệu Mì Quảng bà Mua vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng việc mở liên tiếp 2 cơ sở tại quận Tân Bình. Theo anh Thế, tuổi thơ của 6 anh em lớn lên trong quán mì của mẹ nên thân thuộc từ cách chọn sợi mì, nguyên liệu đến tẩm ướp gia vị. Mỗi sợi mì đều thơm mùi dầu phộng khử nén, phủ lên lớp nhưn thịt gà, hến, cá lóc, tôm, ếch hay thịt bò, thịt heo và đĩa rau sống đúng điệu. Dù mang thương hiệu Mì Quảng bà Mua vào miền Nam nhưng anh Thế vẫn giữ trọn vẹn nguyên liệu và công thức chế biến mẹ đã chỉ bày. Nhiều nguyên liệu không tìm thấy ở đây, anh nhờ người thân chuyển từ Quảng Nam vào. Ngay cả bộ bàn ghế trang hoàng cho quán mới cũng được anh Thế đặt từ quê nhằm mang đến cho thực khách một không gian ẩm thực đậm chất Quảng. “Tâm niệm của anh em chúng tôi là gìn giữ nghề gia truyền của gia đình. Bởi lẽ, nếu không có những quán mì đó, làm sao mẹ có thể nuôi dạy 6 anh em tôi khôn lớn thành người”, anh Thế cảm động nói.

Trải qua nhiều thăng trầm, chị Thái Thị Hiền (SN 1987), công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng - con gái Lương y Thái Đờn (đã mất) vẫn ngày ngày chẩn bệnh, bốc thuốc cứu người. Chị Hiền kể, ngày cha chị còn sống, ông dành không ít thời gian truyền dạy và mong mỏi con gái sẽ nối nghiệp cha. Vì thế, mỗi lần đi hái thuốc, ông thường dẫn theo chị, hướng dẫn cách phân biệt từng cành cây, ngọn cỏ có trong danh mục thuốc Đông y. “Biết cha đặt nhiều kỳ vọng nên bản thân tôi càng cố gắng để yên lòng cha. Nhất là vào những năm tháng cuối đời, ngày nào ông cũng gọi tôi lại chia sẻ kinh nghiệm về nghề. Tôi hạnh phúc khi mình có thể thay cha duy trì nghề bốc thuốc, bởi lẽ tủ thuốc và vốn kiến thức cha để lại là tài sản lớn nhất của gia đình tôi lúc này”, chị Hiền chia sẻ.

Có lẽ, nhờ con gái út theo nghề Đông y, ngôi nhà của Lương y Thái Đờn nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ lúc nào cũng thoang thoảng mùi lá thuốc. Và những cuốn sách viết về nghề Đông y như Nghiệm phương tân biên, Hoàng hán y học, Biện chứng kỳ văn, Trung Quốc y học đại từ điển, Y học nhập môn… ông để lại được chị gìn giữ như báu vật gia truyền.

Niềm vui có con theo nghề

Ở tuổi gần 70, lão ngư Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có thể thở phào nhẹ nhõm khi có hai con trai nối nghiệp cha, ngày ngày vượt sóng đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Sinh ra và lớn lên giữa làng chài, hai con của ông Minh “lận lưng” không ít kinh nghiệm đi biển. Họ biết cách ngó mây, nhìn núi, xem con nước nhằm dự đoán hiện tượng thời tiết sắp diễn ra. Bên cạnh đó, có vô số kinh nghiệm được ngư dân đúc kết, truyền từ đời này sang đời khác, như ban đêm thấy sao biển nổi trên mặt nước thì những ngày kế tiếp biển động; khi phía chân trời có nhiều mây đen nằm sát mặt nước thì biển sắp có gió lớn… Ông Minh cho hay, với người đi biển, nếu không biết cách dự tính trước các tình huống có thể xảy đến sẽ rất khó duy trì và thành công. Vì vậy, việc hai con trai Cao Minh Tâm và Cao Minh Tấn theo nghề cha, trở thành thuyền trưởng của hai con tàu công suất lớn khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, với ông là niềm vui lớn.

Là thuyền trưởng tàu ĐNa 90684 TS, anh Cao Minh Tâm nói rằng, bản thân biết ơn nghề biển, bởi đó là sợi dây kết nối bền chặt giữa mấy cha con. Mỗi ngày, dù đang ở đất liền hay lênh đênh trên biển, mấy cha con vẫn kết nối, chia sẻ thông tin thời tiết và sản lượng đánh bắt. “Cha với chúng tôi là người thầy lớn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, bởi ông có nhiều kinh nghiệm đi biển, lại am hiểu thời tiết, lễ nghi”, anh Tâm chia sẻ.

Cũng theo nghiệp cha, Cao Minh Tấn, thuyền trưởng tàu ĐNa 91060 TS - có khoảng 10 thuyền viên - thường xuyên khai thác ngư trường vịnh Bắc Bộ, cách Đà Nẵng khoảng 200 hải lý (khoảng 370km). Anh kể, sau nhiều năm bám biển, những kinh nghiệm cha truyền lại đã giúp anh vượt qua nhiều sự cố trong quá trình vươn khơi.

Ở phường Nại Hiên Đông, chuyện con nối nghiệp cha vươn khơi, bám biển không phải chuyện hiếm. Ông Nguyễn Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu ĐNa 91047 TS cũng chung niềm tự hào khi có hai con trai nối nghiệp gia đình. Để dễ dàng hỗ trợ nhau, mỗi chuyến đi biển, 3 con tàu của ba cha con xuất bến cùng lúc và cùng trở về khi cá đã đầy khoang. Hỏi về niềm vui của người cha có con nối nghiệp, ông Hoàng cười lớn, đầy tự hào: “Xưa tôi là thuyền trưởng, các con là “bạn” đi tàu, hỗ trợ cha đánh bắt và được trả lương như những người khác; nay các con đã trưởng thành, là thuyền trưởng của những con tàu công suất lớn thì còn gì vui và hạnh phúc hơn”.

"Xưa tôi là thuyền trưởng, các con là “bạn” đi tàu, hỗ trợ cha đánh bắt và được trả lương như những người khác; nay các con đã trưởng thành, là thuyền trưởng của những con tàu công suất lớn thì còn gì vui và hạnh phúc hơn”

Ông Nguyễn Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu ĐNa 91047 TS

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích