BẢO TRỢ XÃ HỘI

Vượt lên nghịch cảnh

.

Có những người khi sinh ra chẳng may trở thành người khuyết tật và bất hạnh, nhưng đa phần không vì thế mà tự ti bỏ cuộc, họ xem đó là động lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống và trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Chị Lê Mỹ Ái (thứ 2 bên phải, hàng sau) tham gia hoạt động dã ngoại cùng với các em Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.G.H
Chị Lê Mỹ Ái (thứ 2 bên phải, hàng sau) tham gia hoạt động dã ngoại cùng với các em Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.G.H

Tôi thật sự ấn tượng với chị Lê Mỹ Ái ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), khi nói: “Mỗi người mỗi khiếm khuyết khác nhau. Mỗi ngành nghề khác nhau. Mình không có của thì mình biết như thế nào làm thế ấy. Thay vì cầm điện thoại xem phim thì mình tương tác những điều giá trị hơn”. Đây là lời tâm sự chân tình của chị Ái khi tôi hỏi về lý do chị kết nối mạnh thường quân để có những phần quà hỗ trợ các em trong trung tâm.

1. Chị Lê Mỹ Ái quê ở xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Chị bị khuyết tật thanh quản từ nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Tuy nhiên, cuộc đời của chị thay đổi khi được một người bạn giới thiệu vào Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố học làm hương và gắn bó ở đây gần 10 năm nay.

Từ khi vào trung tâm, chị không chỉ được học nghề mà còn được các anh chị tạo điều kiện học hỏi và phát triển bản thân. Chị Ái tâm sự: “Để trở thành con người tốt thì cần rất nhiều yếu tố. Theo tôi, môi trường sống sẽ quyết định đến 80-90% con người tốt hay xấu, 10-20% còn lại phụ thuộc vào tính cách bẩm sinh. Có thể do tôi đọc sách nhiều nên bị nhiễm lý thuyết nhưng thực tế tôi cũng thấy vậy”.

Dù gặp những khó khăn nhất định do khuyết tật nhưng chị Ái không ngừng vươn lên học tập để hoàn thiện mình. Ngoài làm hương ở trung tâm, chị tham gia phân phối thực phẩm bổ sung ALPHA LIPID (Công ty TNHH Một thành viên NEW IMAGE VIỆT NAM) nên thường tham gia các khóa học qua ứng dụng phần mềm Zoom, tư vấn khách hàng vào ban đêm để có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống và giúp đỡ người khác. Từ một người rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp trước đám đông, nay chị tự tin hơn khi tham gia các hoạt động lớn của công ty ở những hội nghị khách hàng với quy mô hàng trăm người.

Hiện Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố đang nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho 45 em. Trong đó có các lớp nghề chính như: may, in thủ công, thêu tranh, kết cườm, chế biến nhang thủ công. Tuy nhiên, các em ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần và cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Đó cũng là lý do khiến chị Ái dành nhiều thời gian quan tâm đến các em.

Chị chủ động kết nối với nhà tài trợ bánh kem để tổ chức sinh nhật hằng tháng cho các em ở trung tâm. Kể về việc làm ý nghĩa này, chị Ái chia sẻ: “Buổi sáng nọ, tôi lang thang trên mạng tìm mua bánh sinh nhật tổ chức cho các em, thấy “Banh Kem Phuc Huy” nên liên hệ. Sau đó, tôi nhận được tin nhắn với nội dung “Hơn 5 giờ, chị mới giao bánh cho em nhé!”. Và như đã hứa, khoảng hơn 5 giờ chiều, tiệm bánh mang bánh đến và nói “không nhận tiền bánh cũng như phí ship”. Tối hôm đó, có một chị nhắn lại “Chị tặng bánh, em đừng ngại nhé!” cùng lời hứa “hằng tháng chị sẽ tặng bánh cho trung tâm để tổ chức sinh nhật cho các em có ngày sinh trong tháng”.

Kể từ đó, cứ đến ngày 15 hằng tháng, chị Ái phối hợp nhà cung cấp gửi danh sách để làm bánh cũng như hỗ trợ thêm quà giúp trung tâm tổ chức sinh nhật cho các em thật vui vẻ và ấm cúng. Ngoài ra, chị Ái thường xuyên hỗ trợ các nhóm tình nguyện tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi cho các em ở trung tâm. Tuy những việc làm không lớn lao nhưng thể hiện tấm lòng yêu thương, sẻ chia cùng các em khuyết tật có hoàn cảnh giống mình.

2. Từng học may tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố, anh Ngô Văn Đức, Trưởng CLB Từ Tâm (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cũng là một thanh niên khuyết tật giàu nghị lực. Thấu hiểu những khó khăn của các em khuyết tật sau học nghề không có việc làm, anh Đức nuôi ước mơ thành lập một cơ sở sản xuất để nhận các em vào làm.

Sau hơn 1 tháng vừa làm vừa tìm tòi học hỏi, giữa năm 2019, anh Đức tự đứng ra thành lập cơ sở Từ Tâm đúng với nguyện vọng của mình. Đức cho biết: “Cơ sở Từ Tâm thành lập với mong muốn tạo việc làm và thu nhập cho các bạn khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và không có khả năng xin việc làm. Cơ sở có 2 nghề chính sản xuất hương và may, nhận cung cấp sỉ và lẻ các loại hương trầm, hương quế, hương bài cho các quầy tạp hóa. Để cơ sở phát triển vững chắc, góp phần tạo việc làm cho các bạn kém may mắn, mình mong mọi người ủng hộ việc tiêu thụ sản phẩm”.

Dù là người khuyết tật, có hoàn cảnh rất khó khăn, anh Ngô Văn Đức vẫn thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện cho nhóm Từ Tâm nhằm giúp đỡ các em khuyết tật, các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng và các vùng quê nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng (291 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) là nơi Đức thường xuyên đến thăm và trao quà. Mới đây, CLB Từ Tâm đã tổ chức Chương trình “Trung thu cho em”.

Đây là chương trình thứ 5 mà CLB Từ Tâm tổ chức kể từ năm 2017 đến nay. CLB đã phối hợp với trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em và trao các suất quà gồm bỉm, tả, sữa, quần áo mới, bánh kẹo cùng các vật dụng nhu yếu phẩm thiết yếu... với kinh phí hơn 10 triệu đồng.

“Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng gần 30 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, có độ tuổi từ 15 ngày đến 10 tuổi. Trong đó có các bé bị não úng thủy nằm tại chỗ lâu năm. Nhóm Từ Tâm tổ chức chương trình “Trung thu cho em” với mong muốn mang lại một mùa trung thu ấm áp, ý nghĩa và đầy tiếng cười, giúp vơi bớt phần nào nỗi buồn cho các bé”, anh Đức chia sẻ. 

Dẫu bản thân còn nhiều khó khăn nhưng cả anh Ngô Văn Đức và chị Lê Mỹ Ái đã phấn đấu trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó cho các em khuyết tật noi theo, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.