Đà Nẵng - nơi nỗi nhớ đằm sâu

.

Trong tâm thức những người sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng vì lý do nào đó phải rời xa quê hương chuyển đến sinh sống nơi khác, mỗi khi nhắc đến, Đà Nẵng luôn là nỗi nhớ, là nơi gửi gắm khát vọng muốn nhìn thấy thành phố phát triển và giàu đẹp hơn.

Nhiều bạn trẻ bày tỏ nỗi nhớ Đà Nẵng khi xa quê hương đến nơi khác sinh sống. TRONG ẢNH: Lê Kiều Oanh bên gia đình nhỏ ở thành phố Sydney, Úc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhiều bạn trẻ bày tỏ nỗi nhớ Đà Nẵng khi xa quê hương đến nơi khác sinh sống. TRONG ẢNH: Lê Kiều Oanh bên gia đình nhỏ ở thành phố Sydney, Úc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần 5 năm nay, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Lê Thị Kiều Oanh (SN 1998) ở lại sinh sống và làm việc tại thành phố Sydney (Úc). Với sự nhanh nhạy và khả năng thích nghi tốt, Kiều Oanh nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới ở nước Úc xinh đẹp. Công việc của một nhân viên văn phòng cùng việc chăm sóc gia đình và con nhỏ khiến Oanh hầu như không còn thời gian nghĩ đến điều gì khác.

Dẫu vậy, thẳm sâu trong lòng, cô luôn mong chờ đến ngày được về đoàn tụ với gia đình, nhất là sau hai năm không thể về Việt Nam do Covid-19. Kiều Oanh chia sẻ, với sự phát triển của internet như hiện nay, sự xa cách như được rút ngắn bởi hằng ngày, sau giờ làm việc, em thường gặp gỡ, tâm sự với gia đình qua các ứng dụng gọi thoại của Facebook hoặc Zalo. Dẫu vậy, càng trưởng thành, càng va vấp nhiều với cuộc sống, cảm giác thương nhớ gia đình của Kiều Oanh ngày càng da diết và đằm sâu hơn.

Điều cô nhớ nhất là không khí ấm cúng, quây quần bên cha mẹ và người thân đêm 30 Tết; nhớ những quán nước dừa đường Bạch Đằng gắn với thời học trò Trường THPT Phan Châu Trinh; nhớ hàng ăn vặt vỉa hè có món bánh tráng kẹp nóng hổi, thơm lừng của dì Hoa trong con hẻm nhỏ đường Núi Thành, hay món bún mắm ở “phố bún mắm” Trần Kế Xương…

“Bản thân em khi đi xa rồi mới thấy không đâu bằng quê nhà. Dù cuộc sống ở Sydney rất thoải mái, trong lành và tiện ích nhưng những người con xa xứ như tụi em không thể tìm được không khí, lề lối sinh hoạt gia đình cho đến ẩm thực truyền thống vốn rất riêng biệt mà chỉ khi về Đà Nẵng mới cảm nhận được. Ngoài gia đình, Đà Nẵng còn là nơi có những người bạn thân thiết nhất, để mỗi khi trở về, em có thể thoải mái chia sẻ, tâm sự và cùng nhau gợi nhớ lại những hồi ức của tuổi thơ, tuổi học trò”, Kiều Oanh chia sẻ.

Sống ở thành phố Tulsa thuộc Tiểu bang Oklahoma (Mỹ) xa xôi nhưng ngoài gia đình, Huyền My (SN 1984) vẫn luôn giữ mối liên lạc thân tình với bạn bè Đà Nẵng thông qua Facebook và Zalo. Huyền My chia sẻ, mỗi khi nhớ quê nhà, cô thường lên mạng “chát” với bạn bè, người thân Đà Nẵng, hoặc viết tản văn như một cách giải tỏa cảm xúc. Hơn 7 năm sinh sống tại Mỹ, Huyền My vẫn giữ thói quen luyện yoga và đọc sách.

Thỉnh thoảng, dịp cuối tuần, cô gái người Đà Nẵng lại trổ tài nấu những món ăn đậm chất người Quảng như món mì Quảng, cơm gà, kì công hơn còn có món phở của người Bắc. Huyền My bộc bạch: “Ở đây, đi xa vài chục cây số lại có một khu chợ của người Việt Nam nên muốn chế biến món ăn nào của người Việt cũng có thể làm được. Ăn món ăn của Việt Nam, trong đó có những món ngon của Đà Nẵng là một cách để xoa dịu nỗi nhớ quê nhà”.

Huyền My cho biết thêm, năm 2017, cô trở về Đà Nẵng thăm gia đình sau 2 năm qua Mỹ sinh sống. Dịp đó, My dành hết thời gian gặp gỡ người thân, bạn bè. Ngoài những cuộc hẹn ở những quán cà phê, góc phố quen thuộc, điều Huyền My thích nhất là được thưởng thức ẩm thực tại “phố ẩm thực” chợ Cồn.

“Ngoài gia đình, người thân ở quê nhà, điều tôi nhớ nhất khi đi xa Đà Nẵng đó là quảng thời gian vui chơi, học tập và làm việc bên bạn bè, đồng nghiệp. Càng nhớ hơn là những món ăn truyền thống mẹ làm như mì Quảng, bún mắm, bánh chưng, bánh tét, bánh canh và cả thức quà ăn vặt. Tôi cũng nhớ những đổi thay của thành phố, những cây cầu mới xây bắc qua sông Hàn và nhất là những mùa hè rực rỡ với lễ hội pháo hoa bừng sáng trên bầu trời vào những đêm hè tháng 6, tháng 7…”, Huyền Mỹ trải lòng sau gần 5 năm chưa có dịp về thăm quê.

Nhiều người khi xa quê, thẳm sâu trong trái tim họ, nỗi nhớ về Đà Nẵng thường gắn với ký ức tuổi thơ, có người nhớ những cây cầu mới xây, người lại nhớ da diết những món ăn, thức uống hay hàng quán vỉa hè. Dẫu nỗi nhớ nào cũng đều tựu trung niềm khát khao một ngày được quay về cố hương, để tận mắt nhìn thấy những đổi thay của thành phố sau hàng chục năm dựng xây và phát triển.

Càng nhớ quê nhà bao nhiêu, họ càng mong mỏi, khát khao thành phố ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn để Đà Nẵng mãi là niềm tự hào mỗi khi họ nhắc đến. Đặc biệt hơn, trong suy nghĩ của những người lớn tuổi, sinh sống ở nước ngoài lâu năm, thì Đà Nẵng - nơi “chôn nhau cắt rốn” - vẫn là mối quan tâm thường trực của họ.

Như lời tâm sự của ông Nguyễn Thiện Tường, một người Đà Nẵng hiện sinh sống tại Cộng hòa Séc: “Dù ở xa nhưng tôi luôn theo dõi rất kỹ tình hình thành phố. Tôi thường xuyên cập nhật thông tin Đà Nẵng thông qua internet. Mỗi khi nhắc đến Đà Nẵng, tôi rất tự hào, không chỉ về sự phát triển kinh tế - xã hội, mà về những chủ trương, quyết sách giàu chất nhân văn của lãnh đạo thành phố qua nhiều thế hệ. Tôi mong thành phố sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa để luôn xứng đáng là “thành phố đáng sống” của Việt Nam”.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.